Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát

16/10/2008 23:28 GMT+7

Sáng qua 16.10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc tại Hà Nội. Trọng tâm của ngày làm việc đầu tiên là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009.

Năm 2008, khó đạt tăng trưởng 7%

"Phần lớn các doanh nghiệp (DN) nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đều hoàn thành vượt kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và giữ ổn định thị trường", Thủ tướng nói.

Khu vực dân doanh, chủ yếu là DN nhỏ và vừa tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kết quả khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 22%; số DN mới thành lập tiếp tục tăng thêm; ước cả năm, tổng vốn đầu tư khu vực dân doanh khoảng 180 nghìn tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2007. Đầu tư trực tiếp nước ngoài ước cả năm có số vốn đăng ký trên 60 tỉ USD, gấp khoảng 3 lần so với năm 2007, vốn thực hiện khoảng 10 - 11 tỉ USD.

"Sau một số năm thực hiện việc phân cấp xét duyệt các dự án đầu tư cho các địa phương thì có tình trạng chỉ chạy theo việc thu hút vốn đầu tư mà ít chú ý đến cơ cấu đầu tư, các vấn đề về công nghệ, môi trường và các nguồn lực về đất đai, lao động và khả năng hấp thụ vốn".
Trích Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận: "Mặc dù đã được kiềm chế theo hướng giảm dần nhưng mức tăng giá tiêu dùng vẫn còn cao gấp gần 2 lần năm 2007 và là mức tăng cao nhất từ hơn 10 năm nay. Nhập siêu đã giảm mạnh nhưng vẫn còn lớn. Các cân đối kinh tế vĩ mô tuy đã ổn định hơn nhưng chưa vững chắc". Thủ tướng cho rằng, khó có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng 7% trong
năm nay.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế sau đó, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cũng nhận xét: Những kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc. "Còn  8/25 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu về môi trường và xã hội, cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong trung hạn", ông Hiền dẫn chứng. Theo Ủy ban Kinh tế, lạm phát có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ đều chậm so với tiến độ đề ra.

Ủy ban Kinh tế của QH cho biết: "Từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp này, QH đã có 2 nghị quyết về tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhưng gần như chưa có sự chuyển biến tích cực". Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phải chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng một số tập đoàn đã đầu tư khá lớn sang nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, nhất là đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán...

Ông Hà Văn Hiền đề nghị Chính phủ: "Cần có đánh giá toàn diện về hệ thống DN nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính, đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và phát huy vai trò của loại hình DN này trong nền kinh tế; đẩy mạnh việc cổ phần hóa các DN nhà nước; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại DN".

Coi trọng phát triển bền vững

"Coi trọng tính bền vững và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch và hiệu quả đầu tư" là 1 trong 6 nhiệm vụ chủ yếu mà
Chính phủ đặt ra cho năm 2009.

Nhằm thực hiện các mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý đến 8 giải pháp lớn. Nhằm kiềm chế lạm phát ở mức dưới 15%, Thủ tướng nhắc đến việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng rất linh hoạt; điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường; tăng cường hiệu quả điều tiết vĩ mô và thanh tra giám sát các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống...

Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định chủ trương "kiên trì chính sách giá theo cơ chế thị trường, điều chỉnh giá điện, than với lộ trình phù hợp".

Để đạt kế hoạch kim ngạch xuất khẩu (khoảng 76,7 tỉ USD), Chính phủ chủ trương cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng mặt hàng chế biến; phát triển mặt hàng mới, giảm xuất khẩu thô. Tiếp tục kiểm soát nhập khẩu không trái với quy định WTO nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng chưa cần thiết. Chính phủ cũng đề cập đến những ưu tiên cho chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. "Tăng đầu tư ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường", Thủ tướng cam kết.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng được đề cập là ưu tiên thứ 7. "Kiên quyết loại bỏ những giấy phép không cần thiết; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính", Thủ tướng nói.

Chính phủ đề nghị tăng trưởng GDP năm 2009 là 7% nhưng Ủy ban Kinh tế kiến nghị nên để từ 6,5-7%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền lý giải có 3 nguyên nhân nên chọn 6,5-7%. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2008 khả năng sẽ dưới 7%, trong khi tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến xấu; Thứ hai, mục tiêu chính của năm 2009 vẫn là tập trung kiềm chế lạm phát để giảm xuống còn một con số vào năm 2010; Thứ ba,  trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động khó lường, việc để mục tiêu tăng trưởng gồm 2 chỉ số sẽ đáp ứng sự điều hành linh hoạt.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ, giữ tốc độ chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 ở mức dưới 15%. Ủy ban này cũng đồng quan điểm của Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát của năm 2009 là tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát, chủ động hạn chế tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chăm lo tốt hơn an sinh xã hội; duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

An Nguyên

Tuyết Nhung - Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.