Bụi phấn rơi rơi...

16/11/2005 21:34 GMT+7

Có lẽ trong sâu thẳm mỗi thầy cô giáo, khi nghe các học trò bé bỏng của mình ngân nga trong ngày 20.11 lời hát: "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng..." đều cảm thấy bùi ngùi xúc động. Chỉ một ánh mắt trong trẻo ngước nhìn chăm chú trong giờ giảng bài cũng là một món quà cho họ. Gắn bó với sự nghiệp trồng người, mỗi giáo viên đều có những câu chuyện riêng cho mình trong ngày 20.11 để kể lại, để làm hành trang mang theo trên bục giảng mỗi ngày.

Kỷ niệm khó quên

Cô Ngọc Mi, giáo viên dạy Sử, 2 năm tuổi nghề kể trong nụ cười: "Ngày 20.11.2004, cả trường tổ chức mừng ngày Nhà giáo, tụi học trò của Mi đóng kịch. Các em đóng vai vợ chồng A Phủ nhưng là A Phủ và Mị thời đại nên cho nam sinh đóng vai Mị. Mấy em học trò nữ trang điểm cho em ấy, Mị mặc áo hai dây và mặc váy. Đến hoạt cảnh Mị ngồi buồn rười rượi bên bếp lửa, các em ấy cho Mị lặt rau. Rau muống để diễn kịch thì mua từ sáng, đến giữa chiều mới diễn, tụi nhỏ chẳng biết làm cách nào để giữ rau không héo úa. Thế là nhân thể nhà thầy H. trong trường có cây so đũa, tụi nó liền lấy cành lá so đũa để vào rổ. Mị đang diễn lặt rau muống nhưng lại cầm lên lá so đũa khiến cả khán giả, thầy trò ở dưới được một trận cười no nê". Những giáo viên trẻ luôn có nhiều kỷ niệm vui và ngộ nghĩnh với học trò như thế, nhất là các thầy cô dạy học ở vùng quê. Thầy Văn Nam, dạy cấp 2 ở một xã vùng sâu thuộc miền Tây Nam Bộ kể lại: "Học trò tụi mình toàn là con nhà nghèo, tổ chức ngày 20.11 tại trường cũng đơn giản, gọn nhẹ. Xong lễ trong trường, một phụ huynh mời lớp mình chủ nhiệm về nhà chơi. Ở quê mà, em nào cũng biết lội thế là thầy trò chia phe, bơi đua ở con kênh bên nhà em học trò đó, xong rồi bắt cá nướng trui liên hoan một bữa thật vui và nhớ mãi".

Cô Thanh Tâm, giảng viên trẻ của Đại học KHXH Nhân văn TP Hồ Chí Minh lại có một kỷ niệm khác, gắn với người thầy của mình: “20.11 năm nào tụi Tâm cũng về thăm thầy chủ nhiệm cũ. Thầy dạy học lâu năm nên có nhiều học trò lắm. Vì mình là đệ tử ruột nên nhường cho các bạn học trò khác của thầy nói chuyện. Chờ hết buổi sáng vẫn chưa hỏi thăm thầy được, đến chiều lại tới, lại có học trò, mình lại ngồi ngoài chờ. Hết chiều hết tối, thầy vẫn có khách nườm nợp, mình đành phải đi về. Hôm sau đến, thầy hỏi: hôm qua em có đến không?". 

Với nhiều giáo viên, những niềm vui giản dị như thế luôn là ấn tượng đẹp để vun đắp tình yêu nghề để rồi họ càng say mê nhiều hơn với sự nghiệp trồng người.

Những câu chuyện cảm động

Cô giáo - nghệ sĩ Hải Phượng: Tôi luôn nhớ về một cô học trò nhỏ !

 








Ảnh: V.N

Cô giáo của nhạc viện TP.HCM - nghệ sĩ Hải Phượng (ảnh) không giấu được cảm xúc khi kể về một cô học trò của mình: "Em học sinh đó tên Nguyễn Thị Nhung, người ở tỉnh Đắk Lắk, lên TP.HCM học đàn tranh. Ngày 20.11, em tự tay làm tặng tôi một khuôn hình, bức ảnh bên trong khuôn hình do em cắt trên báo và ghi phía sau là: Em thấy cô trên ti vi mà không ngờ rằng có ngày em được học với cô! Bây giờ em ấy vì hoàn cảnh gia đình nên đã không theo đuổi môn đàn tranh nữa. Tôi vẫn nhớ mãi tình cảm của em, vẫn còn giữ khuôn hình đó, bức ảnh ấy".

Một trong những nét đẹp rất đáng yêu của ngày này là việc các bạn học sinh tìm về thăm thầy cô giáo cũ. Tại nhà của những thầy cô nhiều năm dạy học, người ta có thể thấy rất nhiều lứa học sinh đến thăm trong ngày 20.11. Nhìn những học trò mái tóc hoa râm cúi người chào thầy cô cũ thật là cảm động. Có người là giáo viên, dẫn theo cả học trò của mình đi thăm thầy cô giáo cũ. Có cô học trò tinh nghịch hỏi thầy giáo mình: "Thầy ơi, em phải kêu thầy của thầy là… sư tổ hả thầy?". Thầy giáo già cười hiền từ với niềm rưng rưng trong mắt: "Chỉ kêu bằng thầy thôi, em ạ!". Thầy Ngô Văn Giá, giảng viên Phân viện báo chí tuyên truyền Hà Nội kể một mẩu chuyện rất vui và cảm động về ngày 20.11 khi thầy còn là một giáo sinh đi kiến tập sư phạm: "Năm đó, tôi học năm thứ ba đại học, đi kiến tập tại một trường cấp hai ở một  huyện cách Hà Nội đến gần 30 km. Kiến tập xong, tôi về Hà Nội, không ngờ đến 20.11, các em rồng rắn đạp xe đạp vượt hàng chục cây số đến thăm. Lúc ấy, đã đến trưa, tôi thì chẳng có tiền để dẫn các em đi ăn, dạo ấy cũng chẳng có mì tôm nhiều như bây giờ, tôi bèn chạy qua phòng các bạn nữ sinh viên mượn tiền để mua mì sợi, bánh đa với ít thịt về nấu thành một nồi to đùng, lõng bõng nước là nước, cả thầy, bạn thầy và học trò ngồi xì xụp ngon lành. Sau đó, các em lại đạp xe gần 30 km về nhà. Tôi nhìn theo mà cảm động đến rơi nước mắt...".

Và một chút trăn trở

Một giáo viên giấu tên bùi ngùi: "Giáo viên tụi mình có cần gì đâu, chỉ cần các em học tốt, nên người là mừng lắm rồi. Đâu có cần đến 20.11 thì đem quà đến tặng mà ngày thường thì học hành lẹt đẹt. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng hễ mua quà cho thầy cô giáo thật nhiều, thật đắt tiền là tôn sư trọng đạo, chúng tôi đâu cần như thế!". Tâm sự của người thầy này có thể cũng là tâm sự của nhiều nhà giáo chân chính. Niềm vui lớn nhất của mỗi người thầy trong ngày Nhà giáo là được nhìn thấy học trò cũ của mình thành đạt, học trò mới của mình ngoan ngoãn. Chỉ có vậy thôi! Một cô giáo khác không giấu được nỗi buồn khi nhớ lại: "Có ngày 20.11 kia, phụ huynh một em học sinh chậm tiến đến nhà tôi, đưa cho tôi một phong bì, nói gọn lỏn là tôi biết điều với cô rồi đó, cô nhớ biết điều với con tôi nghen!".

Với mỗi thầy, cô giáo ngày 20.11 luôn rất đặc biệt, rất thiêng liêng. Chính vì thế, họ luôn mong mình có được những ấn tượng đẹp, những kỷ niệm đáng nhớ và càng mong mỏi là đừng có những nỗi buồn, sự xúc phạm một cách vô tình hay cố ý. Để tôn vinh nghề giáo thực sự, không chỉ cần có hoa và quà mà còn cần một sự quan tâm chia sẻ đích thực. Tôi xin mượn lời của thầy giáo Văn Giá để kết cho bài viết này: "Xin đừng tôn vinh chúng tôi bằng những mỹ từ sáo mòn cùng những món quà có giá trị vật chất với  một thái độ vô cảm. Món quà lớn nhất dành cho chúng tôi là các em học sinh thực sự trưởng thành, là những công dân tốt cho xã hội. Chỉ có thế thôi!".

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.