Việt Nam trước diễn biến kinh tế thế giới

20/06/2014 09:00 GMT+7

GS Dwight Perkins, Đại học Harvard, đã cùng Thanh Niên nhận định về diễn biến của kinh tế thế giới gần đây.

Việt Nam trước diễn biến kinh tế thế giới
Một công nhân khóa van đường ống dẫn khí đốt tại thành phố Striy ở Ukraine sau khi Nga cắt nguồn cung cho Ukraine  Ảnh: Reuters

Dầu và vàng cùng tăng giá, USD suy yếu

 

Việt Nam trước diễn biến kinh tế thế giới 1
Ảnh: gwu.edu

Bức tranh tổng thể trên thế giới không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam, dù Việt Nam sẽ xuất khẩu tốt hơn nếu kinh tế thế giới khởi sắc hơn
GS Dwight Perkins, Đại học Harvard

Những ngày gần đây, tình hình bất ổn ở Iraq cũng như sự kiện Nga vừa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine khiến giá dầu thô tăng cao.

Ngày 19.6, Bloomberg đưa tin giá brent, giao hàng vào tháng 8, đã tăng lên 54 cent, tương đương 0,5%, đạt mức 114,8 USD/thùng trên thị trường London (Anh). Đây là mức cao nhất tính từ ngày 9.9.2013. Tương tự, giá dầu thô WTI giao vào tháng 7 cũng tăng thêm 66 cent, đạt mức 106,63 USD/thùng trên thị trường giao dịch New York (Mỹ). Bloomberg dẫn lời ông Hans van Cleef, kinh tế gia chuyên về thị trường năng lượng của Ngân hàng ABN Amro, nhận định: “Trong ngắn hạn, giá dầu brent có thể sẽ tăng mạnh và thậm chí đạt mức 120 USD/thùng vào tuần tới cũng chẳng phải là điều gây ngạc nhiên”. Thậm chí, kênh CBS còn đặt ra câu hỏi liệu thế giới sắp đối mặt với một cú sốc về giá dầu hay không. Ngày 18.6, tạp chí The Financial Times ngày 18.6 đăng bài cảnh báo các nhà đầu tư cần phải sẵn sàng tự bảo vệ mình trước nguy cơ giá dầu có thể bùng nổ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế thế giới.

Không riêng gì giá dầu thô tăng cao, chuyên trang thị trường MarketWatch ngày 19.6 đưa tin giá vàng, giao hàng vào tháng 8, cũng tăng thêm 8,5 USD, tương đương 0,7%, đạt mức 1.281 USD/ounce. Trong khi đó, chỉ số DWY định giá USD lại giảm 0,21% sau khi lãnh đạo Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa qua đưa ra công bố sẽ thắt chặt tiền tệ. Theo MarketWatch, chính lý do USD yếu đi cùng với tình hình Iraq đang khiến giá vàng tăng lên.

Các xung đột không ảnh hưởng lớn tới VN

Việt Nam trước diễn biến kinh tế thế giới
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam - Ảnh: Độc Lập

Việt Nam trước diễn biến kinh tế thế giới 2
Nhà máy lọc dầu ở Iraq bị tấn công - Ảnh: Reuters

Trả lời Thanh Niên về các diễn biến trên, GS Perkins cho rằng: “Cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn, kết quả và thời gian diễn ra cuộc chiến ở Iraq sẽ tác động trực tiếp đến giá dầu. Nếu xung đột kết thúc nhanh, việc giá dầu lên giá sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Ngược lại sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài. Nhưng dù sao thì ở một góc độ nào đó tôi không thấy rõ một tác động lớn đối với các nước bên ngoài khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp (trong các sự kiện trên - NV)”. Thế giới đã quen với các biến cố này và biết cách điều chỉnh trong những trường hợp như vậy”.

Ngoài ra, ông nhận định thêm rằng: “Tuy tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng tốt hơn nhiều so với cách đây 4 - 5 năm, nhưng tốc độ tăng trưởng của các nước thu nhập cao vẫn chưa đạt mức trước khi xảy ra khủng hoảng. Trong nhóm những nước có thu nhập cao, các quốc gia EU gặp nhiều khó khăn nhất. Các nước có thu nhập trung bình nhìn chung có thể hiện khá tốt, nhưng 3 nước thuộc nhóm này là Ấn Độ, Brazil và Nga lại thực sự có vấn đề”.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về kinh tế Đông Á tại ĐH Harvard, GS Perkin cũng đưa ra nhận xét về tác động của diễn biến kinh tế thế giới đối với Việt Nam. Ông nói: “Bức tranh tổng thể trên không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam, dù Việt Nam sẽ xuất khẩu tốt hơn nếu kinh tế thế giới khởi sắc hơn”. Theo ông, vấn đề lớn nhất của kinh tế Việt Nam là các chính sách đối nội về kinh tế. 

Kinh tế Mỹ gặp khó

Gần đây, kinh tế Mỹ liên tục đón nhận nhiều thông tin không mấy lạc quan. Ngày 11.6, các chỉ số chứng khoán trên thị trường New York đã giảm sau khi Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) ngày 10.6 công bố dự báo mới nhất về kinh tế thế giới. Theo WB, thời tiết không thuận lợi tại Mỹ, khủng hoảng ở Ukraine và quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Trung Quốc, bất ổn chính trị tại một số nước thu nhập trung bình, tốc độ tái cơ cấu chậm chạp và hạn chế năng lực đã kéo tỷ lệ tăng trưởng các nước đang phát triển xuống dưới mức 5% trong năm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, mức dự báo tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển bị hạ thấp xuống 4,8% đối với năm nay, trong khi mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1 là 5,3%. Dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 7,6% năm nay nhưng điều đó còn tùy thuộc vào kết quả quá trình tái cân đối. Nếu nền kinh tế Trung Quốc không tái cơ cấu hiệu quả sẽ tác động mạnh lên khu vực châu Á.

Sau dự báo của WB, thị trường tài chính Mỹ lại hứng chịu thêm một đánh giá tiêu tực khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay. Dự báo này thấp hơn rất nhiều so với mức 2,8% mà IMF đưa ra hồi tháng 4.

Ngô Minh Trí

>> Nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc
>> HSBC: Kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất
>> Xếp hạng cạnh tranh kinh tế: Việt Nam tăng 5 bậc
>> Báo Mỹ: Kinh tế Việt Nam đang lấy lại cân bằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.