1/3 công chức trong bộ máy quản lý nhà nước là "có chuyện"

01/11/2006 23:11 GMT+7

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, các đại biểu đã chỉ ra rằng, chi ngân sách hằng năm lớn là vì bộ máy quá cồng kềnh. Có ý kiến đề nghị từ nay đến năm 2010 phải giảm được 1/4 biên chế. Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (ảnh) cho biết:

- Mọi người nói nhiều về bộ máy nhưng hiểu không chính xác. Người hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách khác với cái mà mình gọi là bộ máy. Hiện nay, công nhân viên chức hành chính sự nghiệp có khoảng 1.779.000 người, trong đó cán bộ công chức hành chính quản lý nhà nước, gồm Đảng, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, kể cả cấp xã là khoảng gần 544.000 người. Số còn lại là các đơn vị sự nghiệp, gồm giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học... Dân số của ta 84 triệu dân, bộ máy gồm 544.000 người thì có gọi là cồng kềnh không? Và phải so với tiêu chí nào để đánh giá là cồng kềnh hay không cồng kềnh?

Nhưng về hiệu quả thì đúng là có vấn đề. Chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cho đến tinh thần thái độ, trách nhiệm của công chức có vấn đề. Trong đội ngũ bộ máy quản lý hành chính nhà nước thì cỡ khoảng 1/3 là "có chuyện". Đã có cơ quan đánh giá rằng, nếu có giảm 1/3 đó đi thì cũng chẳng có ảnh hưởng gì. Nhưng mà bây giờ giảm thế nào, giảm ai, không phải là dễ. Người ta không có trình độ nhưng khi kháng chiến thì người ta tham gia ở chiến trường, người ở lại được cử đi học. Bây giờ tham gia trong bộ máy nhà nước thì chuyên môn tôi yếu nhưng tinh thần, thái độ, trách nhiệm lại tốt. Anh có trình độ thì tinh thần, thái độ, trách nhiệm lại không tốt. Cho nên vừa thừa lại vừa thiếu.

*Có nghĩa ngân sách chi cho bộ máy sẽ không giảm mà còn tiếp tục tăng?

- Bao nhiêu năm rồi ta làm nhưng có giảm được đâu. Số tỉnh thì tăng lên, không phải là 53 tỉnh, thành phố nữa mà đã lên 64 tỉnh, thành rồi. Tách tỉnh, tách huyện thì bộ máy biên chế phải tăng lên, không khác được. Cứ bàn là giảm trong số 544.000 người, trong khi đơn vị sự nghiệp lại hơn 1 triệu người, gồm giáo dục, y tế. Đơn vị sự nghiệp tăng là vì họ đi theo dân số tăng, người bệnh tăng, học sinh tăng. Họ phải tăng, không tăng thì làm sao đảm bảo được nhu cầu. Nếu chỉ giảm bộ máy quản lý nhà nước nhưng đơn vị sự nghiệp cứ tăng thì có giải quyết được gì vấn đề ngân sách ở đây ?

*Theo ông, nếu đột phá thì đột phá ở khâu nào?

- Tất cả mọi người đều có một tiêu chuẩn. Căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh, tổ chức các đơn vị phải rõ ràng về chức năng nhiệm vụ. Khối lượng công việc như thế nào, đi theo khối lượng công việc thì đòi hỏi biên chế là bao nhiêu và với chất lượng công việc đòi hỏi cơ cấu cán bộ công chức như thế nào. Đó là những việc mà các cơ quan quản lý nhà nước phải làm.

*Việc giảm bớt các cấp trung gian, hình thành các bộ đa ngành, liệu có tinh giản được bộ máy?

- Biên chế đi liền với khối lượng công việc. Nhập công việc về các bộ tổng hợp thì khối lượng công việc có giảm không? Nếu khối lượng công việc không giảm thì biên chế cũng sẽ không giảm. Vấn đề của ta là làm sao cho số ở lại làm cho ra làm. Giảm cấp phó trung gian cũng là việc cần thiết nhưng nhìn chung chức năng, nhiệm vụ chưa rõ ràng thì làm sao có thể biết được cần có bao nhiêu người, cần có bao nhiêu trưởng, bao nhiêu phó.

Xuân Toàn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.