Học chỉ để được thưởng ?

31/10/2005 23:39 GMT+7

Không bàn nhiều đến việc nên bỏ hay giữ chế độ điểm thưởng, những ý kiến dưới đây tập trung phân ý kiến của bạn T.L.Trang. Qua những lý do mà bạn Trang đưa ra để bảo vệ quan điểm không nên bỏ điểm thưởng, nhiều người đã lo lắng về một “lỗ hổng” trong việc xác định mục tiêu việc học tập trong nhà trường hiện nay: đạt danh hiệu và được thưởng. Đây phải chăng cũng là một dạng của “bệnh thành tích” trong giáo dục mà bấy lâu vẫn làm nhức nhối cả xã hội?

Thư bạn Anh Hoa ở Huế: “Theo tôi, suy nghĩ của bạn Trang thật là ... "cổ lỗ". Đi học là bổn phận của mọi thanh thiếu niên và cố gắng học cho thật tốt là trách nhiệm của người đi học. Phần thưởng dù dưới hình thức nào cũng chỉ là sự ghi nhận, cổ vũ mà những người có trách nhiệm dành cho các học sinh tích cực và cũng để khuyến khích vận động những ai chưa tích cực noi theo. Đó không phải là quyền lợi phải có. Có hay không có những phần thưởng đó ta vẫn phải cố gắng hết sức để học cho thật tốt bởi vì kết quả của sự nỗ lực (học) đó là dành cho chính bản thân chúng ta. Vừa nghe dự định bỏ điểm thưởng đã vội nản là thế nào. Vậy thì bạn đi học là vì cái gì ? Suy nghĩ như vậy thì bao giờ đất nước mới có thể trông cậy vào thế hệ trẻ chúng ta ?”.

Bạn Thuy Anh: “Sau khi đọc bài của em, tôi thấy rằng mục đích học tập của em chỉ là để học thật giỏi để có điểm thưởng chứ không phải vì kiến thức mà em cần có đươc. Cố gắng để học thật giỏi là một điều rất tốt nhưng vì một mục đích nào đó mà không đạt được mà thành ra chán chuyện học hành chẳng muốn học nữa thì tôi nghĩ em cần nên suy nghĩ lại. Kiến thức tiếp thu được qua việc học là của mình, là cho mình chứ không phải là để lấy thành tích. Ý kiến em đưa ra là tích cực: không nên bỏ điểm thưởng nhằm khuyến khích học sinh học đều các môn. Nhưng tôi thấy em cũng không nên có phản ứng quá gay gắt về vấn đề này dẫn đến sự chán nản, ảnh hưởng đến việc học tập”.

Bạn Trần Đình Thư (180/38 Ba Cu, Vũng Tàu): “Tôi đọc bài viết của em học sinh lớp 12, càng thấy cần phải bỏ điểm thưởng . Thiết nghĩ những lý do em nêu, đâu phải chỉ đến với một mình em. Mà nó đến với 100% thí sinh dự thi. Tại sao em lại cho rằng học giỏi thì làm tốt bài thi là một triết lý đơn giản? Không phải đó là một triết lý đơn giản, mà là một logic khá chặt chẽ”.

Bạn đọc ký tên Dương: “Tôi đã đọc bài viết của bạn và thấy rằng bạn hơi thiếu tự tin trong thi cử. Bạn đã là học sinh giỏi 11 năm rồi cơ mà. Chẳng lẽ mục tiêu chính của việc đạt học sinh giỏi chỉ là được điểm thưởng thôi ư? Giả sử Bộ bỏ chế độ điểm thưởng, chẳng lẽ bạn lại chán nản, không học các môn khác nữa sao? Vậy bạn đi học nhằm mục đích gì ?”.

Bạn Xuan Thom ở Cầu Giấy (Hà Nội) nhìn thấy nguyên nhân sâu xa của những suy nghĩ của em Trang – cũng đáng buồn không kém so với căn bệnh thành tích – tư tưởng ăn thua, vòi vĩnh đãi ngộ. Thư bạn viết: “Tôi vừa đọc bài của cháu Trang. Cháu đưa ra các lý lẽ chán học vì sẽ không được cộng điểm khi thi vào đại học, nếu cháu có kết quả thi giỏi. Té ra, việc học chỉ cốt lấy điểm, không cốt lấy tri thức. Điểm là thang đánh giá không những trình độ mà cả nhân cách một học sinh trong nhà trường, vì nhiệm vụ chính trị hàng đầu của học sinh là học. Tôi rất tin những học sinh giỏi thực sự, khi thi, kiểu gì cũng đỗ, không cần cộng điểm. Những học sinh còn "mơ" đến việc được cộng điểm (có khi là điểm "thưởng đểu", như có báo đã đăng), mà nếu không được cộng thì chán học như cháu Trang, chắc chắn không phải là những học sinh hiếu học thực sự. Còn là học sinh mà đã suy nghĩ theo kiểu có thưởng thì làm không thưởng không làm thì thật là nguy hiểm. Suy nghĩ lệch lạc, tư tưởng ăn thua, vòi vĩnh đãi ngộ, ưu tiên, thường là suy nghĩ của kẻ yếu, khi thấy mình không xứng đáng với một công việc nào đó”.

Nếu cho rằng những suy nghĩ của em Trang là lệch lạc, thiết nghĩ đó cũng không phải là lỗi của cá nhân em. Gia đình, nhà trường và cả cộng đồng không thể đứng ngoài trách nhiệm đã tạo ra sự lệch lạc và nay phải định hướng lại tư tưởng cho thế hệ tương lai.

TNO (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.