Phải có lộ trình bỏ độc quyền in sách giáo khoa

16/11/2006 21:58 GMT+7

Lượng sách giáo khoa (SGK) xuất bản hàng năm hiện chiếm trên 70% tổng số sách xuất bản của cả nước, trong đó Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục chiếm phần lớn nhất, còn lại 20-25% thị phần được chia cho 51 NXB trên toàn quốc. Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, ông Phan Khắc Hải cho rằng đã đến lúc phải thay đổi cơ chế.

* Ông từng giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, phụ trách báo chí xuất bản trước khi giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản, vậy theo ông giải pháp xóa độc quyền SGK có phải là bài toán quá khó?

- Hiện nay, rất nhiều NXB có khả năng làm được SGK. Bộ GD-ĐT nên đứng ra tổ chức đấu thầu xuất bản SGK. NXB Giáo dục và các NXB khác cùng tham gia đấu thầu một cách bình đẳng. Cách làm này sẽ đem lại chuẩn về hình thức, nâng chất lượng SGK, và đặc biệt nhiều NXB tham gia đấu thầu sẽ làm giá thành SGK giảm, có lợi cho người tiêu dùng. Phương án thứ 2 là trên cơ sở bộ chương trình chuẩn hiện nay, Bộ GD-ĐT tổ chức đấu thầu khâu biên soạn SGK. Cách làm này sẽ huy động được nhiều lực lượng tham gia. Tác giả nào, hay nhóm biên soạn nào được Hội đồng biên soạn quốc gia đánh giá cao sẽ được lựa chọn làm SGK chính thống trong cả nước.

Muốn phá bỏ độc quyền SGK, bên cạnh việc phá độc quyền xuất bản, phải phá độc quyền khâu in và phát hành. Hiện nay, NXB Giáo dục huy động 80 nhà in trong cả nước in SGK với hai hình thức: đấu thầu công khai và in gia công. Thực tế, đấu thầu công khai hằng năm chỉ chiếm khoảng 25%, còn in gia công chiếm tới 75%. Thực chất của in gia công vẫn là cơ chế xin-cho.

Không thể phủ nhận là việc in SGK hằng năm đã giải quyết được khá lớn nguồn lao động ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, nếu muốn phá độc quyền SGK phải phá bỏ tất cả những mắt xích "đẻ" ra sự độc quyền ấy, mà cụ thể là Bộ GD-ĐT phải có một lộ trình tăng số lượng các nhà in đấu thầu công khai, dần xóa bỏ in gia công.

Về phát hành, trước kia ở miền Bắc số lượng SGK phát hành ít và được giao cho Tổng công ty phát hành sách Việt Nam (nay là Tổng công ty sách Việt Nam). Tổng công ty sách khi đó rất ít người, do chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nên không thể đi xuống các vùng sâu, vùng xa phát hành SGK. Chính vì vậy ra đời Công ty sách và thiết bị trường học của Bộ GD-ĐT. Vô hình trung, Bộ GD-ĐT "vừa đá bóng lại vừa thổi còi".

Đã có thời kỳ Bộ VH-TT và Bộ GD-ĐT đã ngồi với nhau bàn về vấn đề phát hành SGK nhưng chưa ngã ngũ. Cần phải cho các hệ thống phát hành nhà nước, các đại lý tư nhân cũng có quyền tham gia phát hành sách bằng cách thức đấu thầu nhằm giảm chiết khấu sách, đưa SGK đến tay học sinh sớm hơn. Đây là vấn đề mà nhiều NXB bức xức trong nhiều năm qua.

* Còn sách tham khảo thì sao ?

"Khi còn phụ trách lĩnh vực báo chí xuất bản tại Bộ VH-TT, tôi đã đề nghị lãnh đạo Bộ GD-ĐT nên để các NXB cùng làm sách tham khảo". (Phan Khắc Hải Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam)

- Năm 1999, Bộ VH-TT và Bộ GD-ĐT có một thông tư nói rằng sách tham khảo giao cho NXB Giáo dục làm. Thời điểm đó có thể phù hợp, vì số lượng SGK ít. Người tiêu dùng chỉ quan tâm SGK mà không quan tâm sách tham khảo. Đúng là có chuyện NXB Giáo dục độc quyền cả sách tham khảo, nhưng gần đây có hơn 20 NXB cũng nhảy vào mảnh đất này.

Cái được là sự tham gia đông đảo của các nhà sách làm sách tham khảo phong phú hơn về nội dung và hình thức, phụ huynh học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Nhưng mặt trái của nó là do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, sách tham khảo đang bị dư luận xã hội đặt cho cái tên "loạn" sách tham khảo, vì quá nhiều sách tham khảo, sách nâng cao... Chất lượng các loại sách này ngày càng thấp, giá thành còn đắt gấp 10 lần SGK.

* Vậy ông có cho rằng, nếu giải quyết được bài toán độc quyền SGK thì thị trường sách sẽ trở lại trật tự ?

- Cái gọi là "loạn" sách tham khảo là hệ quả tất yếu của việc 51 NXB chỉ chia nhau tỷ lệ thị phần quá nhỏ bé. Tuy nhiên, trước mắt, Bộ VH-TT quản về nghiệp vụ xuất bản, Bộ GD-ĐT và các NXB cần ngồi lại với nhau để tìm giải pháp chấn chỉnh lại tình hình xuất bản sách tham khảo thời gian qua.

Thu Hồng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.