Một góc nhìn giao lưu văn hóa Việt - Hàn

04/11/2007 22:07 GMT+7

Tại trụ sở Trung tâm Quỹ văn hóa Hàn Quốc ở Seoul đã diễn ra triển lãm mỹ thuật đương đại Good morning Vietnam, Good morning Korea (từ 23.10 đến 3.11) của 19 họa sĩ hai nước.

Trung tâm Quỹ văn hóa Hàn Quốc là nơi diễn ra hoạt động giao lưu văn hóa giữa Hàn Quốc và các nước, nên triển lãm này là cơ hội giới  thiệu mỹ thuật Việt Nam với công chúng Hàn Quốc và quốc tế đến với trung tâm này. Có hơn 30 tác phẩm của Nguyễn Trung, Thành Chương, Đinh Quân, Lê Thiết Cương, Lê Công Thành, Đỗ Hoàng Tường, Quách Đông Phương, Trịnh Tuấn, Phạm Luận, Đào Hải Phong, Đặng Xuân Hòa được trưng bày trong triển lãm. Phía Hàn Quốc góp mặt với 8 họa sĩ tiêu biểu của mỹ thuật Hàn Quốc, thuộc thế hệ như các họa sĩ Việt Nam.

Gặp giáo sư Ha Hye-Hoon tại triển lãm, ông nhận xét tuy ý nghĩa đầu tiên của triển lãm là kỷ niệm 15 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hàn nhưng đây cũng là cơ hội lớn để công chúng Hàn Quốc biết đến mỹ thuật Việt Nam.

Nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam, nếu có, thì cơ hội đến đâu? Qua Hàn Quốc từ tháng 7.2007, đến nay tôi chỉ thấy một bộ phim tài liệu ngắn về cố đô Huế được giới thiệu trên truyền hình Hàn Quốc. Thỉnh thoảng là một đoạn phim quảng cáo khác giới thiệu hình ảnh Việt Nam với cô bé đội nón lá, cưỡi xe đạp từ nông thôn vào thành phố với những đèn điện sáng choang như hình ảnh một Việt Nam đang thay đổi về kinh tế, chứ không còn gì nữa.

Phim ảnh, diễn viên Hàn vẫn xuất hiện thường trực trên truyền hình, báo chí Việt Nam, nhưng mức độ hiểu biết văn hóa hai bên không thể nói là thông hiểu. Khi tôi đến nhà sách vào loại lớn nhất Seoul tại tòa nhà Coex thuộc Trung tâm Thương mại thế giới ở Seoul chỉ thấy sách về về đầu tư vào Việt Nam, du lịch Việt Nam, lịch sử… tuyệt nhiên không có đầu sách giới thiệu văn hóa Việt Nam nào. Gắn liền mục đích về kinh tế, hôn nhân…  nhưng mù mờ về hiểu biết văn hóa lẫn nhau, hậu quả thật rõ ràng: Xung đột giữa công nhân Việt với giới chủ Hàn, thảm nạn của các cô dâu Việt trên đất Hàn Quốc… cũng như những hậu quả khác nữa không kém phần nặng nề.

Trong hoàn cảnh đó, những hoạt động triển lãm trên, hay những tác phẩm văn học đã dịch ra tiếng Hàn như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là những hoạt động giao lưu văn hóa rất tích cực và cần đẩy mạnh hơn nữa. Còn lại, nếu thăm các bảo tàng Hàn Quốc mới thấy rằng di sản văn hóa của họ cũng không thể gọi thuộc hàng phong phú. Nhưng năm 1996, khi bộ phim Ô - sin của Nhật Bản tạo nên cơn sốt ở Việt Nam thì người Hàn Quốc đã nhận ra ý nghĩa của việc đầu tư cho văn hóa bằng cách ban hành các chính sách sáng tạo, gửi nhân tài ra nước ngoài đào tạo... Kết quả, hơn 10 năm qua làn sóng Hàn Quốc không ngừng mang lại cho xứ sở này biết bao lợi ích về kinh tế, quảng bá văn hóa… Trong khi chúng ta gọi là phát triển kinh tế, nhưng lĩnh vực nghệ thuật đều có nỗi "đau khổ" chung là chưa có tác phẩm đỉnh cao, chưa theo kịp đời sống đương đại. Từ bao lâu rồi, sự so sánh này nói ra không phải để suy ngẫm nữa, mà phải hành động!

Bài và ảnh: Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.