"Hai nỗi đau" và điệp khúc buồn

17/12/2005 00:39 GMT+7

Tôi rất chia sẻ với anh Nguyễn Công Khế qua bài Hai nỗi đau... trên Báo Thanh Niên số ra ngày 15/12. Tôi không có công và tâm huyết với thể thao, nhất là với bóng đá như anh Khế, nhưng với tư cách là người VN, tôi lại có cảm giác "chai lì" về những điệp khúc buồn, về những "bề trái" của những tấm huy chương, hay nói đúng hơn là những chuyện phi thể thao, phi văn hóa của một số ít nhân vật quyền lực, quản lý ngành thể thao ở một vài cấp và một số "sao" ở một ít bộ môn, trong đó lại là bóng đá mới ngặt. Chuyện xảy ra hằng năm như "chuyện hằng ngày ở huyện"!

Điệp khúc buồn mà tôi cảm nhận được là từ sau SEA Games 18, bóng đá VN dù chỉ giành huy chương bạc nhưng  đã tạo ra sự hưng phấn chưa từng thấy. Nhưng rồi sau đó, mỗi lượt, mỗi mùa và trong nhiều giải, ở nhiều U... đều có vấn đề nhiều ít. Dư luận luôn quan tâm và bày tỏ thái độ. Chính phủ và quản lý ngành cấp bộ thấy được và đã thay thầy (cán bộ quản lý), thay thuốc (chế độ, chính sách) nhưng con bệnh thì vẫn trầm kha! Chỉ trong một thời điểm mà anh Khế có đến hai nỗi đau. Riêng tôi, trong  cái điệp khúc buồn nhiều năm, tôi cũng có hai nỗi buồn là văn hóa Việt Nam và bản chất cao thượng của thể thao đã bị chính một số không ít người làm quản lý và một số "sao" chà đạp hết sức thô bỉ. Tôi không là "tín đồ" của môn thể thao nào nên chỉ buồn, còn người hâm mộ thì nổi giận là phải. Cái thiếu văn hóa nổi rõ nhất là khi thua thì biểu hiện cay cú như trận chung kết giải Báo Thanh Niên tại An Giang năm 2002, đội thua không dự lễ phát thưởng, ngoảnh mặt với ca sĩ Mỹ Tâm khi cô xuống tận sân hát giao lưu với các cầu thủ. Điển hình nhất là một số trận lại xảy ra ẩu đả (ở trong nước và cả ngoài nước) mà chúng ta đã mục sở thị qua ống kính truyền hình. Còn về nhân cách của người dẫn dắt, tôi nhớ có lần anh Lê Bửu "lỡ lời" chỉ nói "trái banh mấy múi" đã gây sốc thế nào mà nay mấy ông quan chức dẫn dắt và HLV đoàn TTVN tại SEA Games 23 khi trả lời các báo ngày 14/12 có kiểu ăn nói đốp chát và thái độ không thể hình dung là "yếu" văn hóa đến thế - mặc dù họ văn bằng học vấn hơn các anh Hai lúa miền Tây. Còn việc ăn gian tuổi các U thiếu niên và chuyện không minh bạch về tài chính cũng là chuyện hà rầm của người lớn - người quản lý, thể hiện qua nhiều giải, nhiều trận đấu mà báo chí phanh phui. Nhiều nhà tài trợ đã quay lưng với thể thao - nhất là với bóng đá cũng do sự gian dối và thiếu minh bạch ấy. Có lần một giám đốc doanh nghiệp trả lời khi tôi vận động tài trợ: "Cho để tụi nó ăn hả?". Tôi hiểu ý anh ta nói "tụi nó" chắc chắn không phải là vận động viên.

Tôi có thói quen xem xét vấn đề qua góc nhìn chủ thể. Câu "mũi dại lái chịu đòn" của người xưa được Quốc hội và Thủ tướng thể chế hóa mới đây bằng việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu - người quản lý. Người quản lý dự án ở sân vận động Mỹ Đình, ở trường đua Phú Thọ. Người quản lý LĐBĐ khóa trước để xảy ra tiêu cực tùm lum và khóa này cũng đã bắt đầu đánh dấu từ SEA Games 23 v.v... là hệ quả của mọi thứ bê bối, kể cả một chi tiết nhỏ là một số cầu thủ U23 VN làm reo về tiền nong trước giờ phút quyết liệt ở đoạn kết của giải khu vực vừa rồi. "Thượng bất chính thì hạ tắc loạn" là vậy. Không chỉ là thể thao mà ở ta thường những người trực tiếp lao động sáng tạo như vận động viên, nhà khoa học, nhà văn, nhạc sĩ...,  sự nổi danh hay nói đúng hơn là giá trị cống hiến thường tỷ lệ nghịch với sự hưởng thụ - sự đãi ngộ của xã hội đối với họ. Trong khi đó cái gọi là lực lượng quản lý họ, hay người ăn theo tác phẩm của họ thì no nê, sung túc bởi sự chia chác trong bóng tối hay theo những quy định, cơ chế lỗi thời hoặc vì một lẽ thường tình nào đấy. Vả lại, cầu thủ hay văn nghệ sĩ, tài hoa của họ khi nở và tàn, mọc và lặn như hoa, như sao - "vạn biến"  đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Còn nhà quản lý là ngự trị bất diệt(!).

Thể thao, nhất là bóng đá VN là thế mạnh về văn hóa và cũng là thế mạnh kinh tế không phải nhiều tiền mà có được. Năm 1990, lần đầu tôi ra nước ngoài, thật tủi thân khi tiếp xúc, nhiều người ngơ ngác khi nói đến Việt Nam, thậm chí họ còn hỏi ở VN có trường đại học không? Nhưng sau trận chung kết bóng đá ở SEA Games 18, cũng những quốc gia ấy, tôi có dịp trở lại, khi gặp gỡ, nói đến VN thì họ ra hiệu "VN đá bóng số 1"! Bây giờ, đọc báo nói chuyện thế hệ cầu thủ đội tuyển miền Nam trước giải phóng đã từng làm nên những kỳ tích trong sự kính trọng của bạn bè khu vực và người hâm mộ mà tôi còn thấy đã trong mình như xem đội tuyển VN thi đấu ở các mùa SEA Games gần đây. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh cái "bất biến" như nói trên thì cái "vạn biến" sẽ có thêm không chỉ là danh dự, văn hóa mà sẽ còn có kinh tế đi theo. Nhưng trên hết vẫn là chất anh hùng thượng võ của người Việt Nam. Hàng triệu con tim từng rưng rưng xúc động khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng cùng lúc kéo lên trên hai lá cờ "bạc" và "đồng" trong nhạc Tiến quân ca hùng tráng.

Long Xuyên, 16/12/2005
Nguyễn Minh Nhị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.