Người đem Hollywood về Việt Nam - Kỳ 3: Trở thành "ông trùm" đồ cổ

11/11/2008 23:18 GMT+7

Đang rất thành đạt với nghề làm tóc, Liêm làm mọi người ngạc nhiên khi ông chuyển sang kinh doanh đồ cổ. Nhiều người bảo ông "khùng", nhưng sau đó lại lắc đầu thán phục khi biết ông lần lượt mở đến 7 cửa hàng kinh doanh đồ cổ ở West Hollywood...

Những bài học vỡ lòng

Chuyện kinh doanh đồ cổ của Liêm cũng tình cờ không kém chuyện học nghề hớt tóc. Sát tiệm Orlando Beauty Salon (138 Orlando St) Liêm làm chủ là một tiệm đồ cổ của Jack Andrew. Jack là một người nghiện ngập, không chí thú làm ăn nên buôn bán lỗ lã, khách vắng tanh. Đã vậy, khi thấy những tiệm hớt tóc của Liêm đông khách, Jack quay qua gây sự về chỗ đậu xe, thậm chí còn gạch trầy sơn xe của khách vào làm tóc. "Nhưng đó không phải là người xấu. Khi tỉnh táo hay những lúc kẹt tiền qua tiệm tôi hỏi mượn, trông Jack rất hiền lành và tôi thường khó từ chối được. Cho đến một ngày, Jack nghiện quá không thể đứng tiệm được nữa, anh ta đặt một tay lên vai tôi nói chân tình: "Mày lên làm công việc của tao, mày sẽ giàu mà không cần phải cắt tóc. Làm đi, một ngày kia mày sẽ mê nó". Lúc đó, có người trả Jack 5.000 USD để lấy tiệm, nhưng Jack bảo tôi chỉ cần đưa 1.200 USD, Liêm nhớ lại.

Tiệm đồ cổ của Jack có tên Antique Out of the Pass. Liêm thú thật là khi đó thấy rẻ quá thì mua, vì "khu vực này giống như đường Đồng Khởi của TP.HCM vậy", nhưng mua rồi chẳng biết kinh doanh ra sao vì ông đâu có kiến thức gì về đồ cổ. Vậy là tiệm mua xong để đó vì chủ của nó lo chúi đầu vào những tiệm làm đầu đang đông khách, để kiếm tiền trang trải đủ thứ. "Chỉ riêng tiền thuê nhà ở cũng 2.400 USD/tháng, tiền công của 15 nhân viên tại 2 tiệm cắt tóc, tiền ăn uống, tiền thuê ba cửa tiệm... Nếu ngưng làm là chết", Liêm liệt kê chi phí đắt đỏ tại Mỹ. Kẹt nỗi, khi thấy tiệm đồ cổ đóng cửa, chủ nhà liền ra "tối hậu thư" yêu cầu Liêm phải sơn phết lại và kinh doanh, nếu không sẽ lấy lại nhà. Xót tiền sang sạp, Liêm và Bart Cleary, một người giúp việc thân tín, cứ khi tiệm làm tóc vãn khách là lại nhào sang sơn sửa cửa tiệm đồ cổ...

Tiệm làm xong, Liêm cũng chi tiền mua một chiếc xe tải nhẹ phục vụ cho kinh doanh đồ cổ. Đúng lúc đó, đọc báo thấy có người rao bán một số đồ cổ, ông lái xe hơn 100 km đến hỏi mua. "Tôi không có chút kinh nghiệm nào, nên nghe người bán nói hay quá, lại bị lôi cuốn bởi cách họ trưng bày tủ rượu, đèn trang trí, đá màu, ly pha lê... nên bỏ ra 9.500 USD để mua 9 tủ rượu làm từ khoảng thế kỷ 19. Tủ mua về, cả năm trời chẳng ai hỏi mua, đồng nghĩa với việc chôn vốn. Sau này, tôi hiểu ra họ cần bàn ghế, giường, tủ là những thứ cần thiết cho cuộc sống chứ mấy ai cần đến tủ rượu cả", Liêm kể về bài học kinh doanh đồ cổ đầu tiên.

Sau vố "mất cả chì lẫn chài", Liêm đâm ra sợ "đồ cổ". Vì thế, khi có người đến tận nơi kêu đến xem đồ cổ để bán, ông nghĩ đi cũng để cho vui. "Cả một căn nhà, với rất nhiều thứ đồ cổ. Họ đòi 10.000 USD nhưng tôi chỉ trả 5.000 USD. Trả cho vui vậy thôi vì mình đâu có ý định mua", Liêm kể. Nhưng đó lại là bài học đắt giá gấp trăm lần bài học đầu tiên. Hai ngày sau, Liêm nghe người ta rao đấu giá các cổ vật trong ngôi nhà đó, ông quay lại và tim như muốn rớt ra khỏi lồng ngực: người ta trả một bộ bàn ghế tới 32.000 USD, tổng giá trị đồ cổ trong căn nhà đó lên đến 350.000 USD. "Tôi tiếc cả tháng trời, cứ mỗi lần đi ngang căn nhà đó là tim tôi vẫn đau. Nhưng cũng từ đó, tôi quyết định lao vào nghề này", Liêm tâm sự.

Người khai sinh chợ vỉa hè ở Cali

Có một câu chuyện khá thú vị về Nguyễn Thanh Liêm. Thời gian mới kinh doanh đồ cổ, khi có khách chọn mua đồ là Liêm khiêng ra vỉa hè cho khách lựa. Dần dà thành thói quen, sáng sáng Liêm cho bày rất nhiều đồ cổ ra vỉa hè để thu hút khách. Nhưng thói quen này cũng khiến Liêm bị cảnh sát phạt không biết bao nhiêu lần vì việc chiếm dụng trái phép vỉa hè. Phạt nhiều không xuể, Liêm bị lôi ra tòa về hành vi này. "Cũng may, nhờ có hàng chục người dân mua bán ở khu vực này lên tiếng bênh vực, luật sư cũng bênh vực, nên tòa tha bổng. Từ đó về sau ở khu vực này người ta bắt chước đem hàng ra vỉa hè bày bán, hình thành văn hóa bán hàng vỉa hè ở Cali và nhiều nơi khác", Liêm kể.

Trở thành chuyên gia

Tìm mua sách báo viết về đồ cổ, tham gia nhiều buổi bán đấu giá... Liêm tích lũy dần kinh nghiệm thương trường và kiến thức về cổ vật. Ông cũng cẩn thận tìm hiểu thật kỹ khách hàng và vạch ra chiến thuật hẳn hoi để mua bằng được món hàng, dù trong túi có khi... rỗng tuếch. "Tôi thường áp dụng cách này: hễ có ai kêu bán bàn, tủ là tôi đến mua. Thỏa thuận giá xong, tôi đặt cọc một ít rồi tháo hết các hộc tủ, hộc bàn chở về tiệm, chỉ để lại xác bàn. Vậy là họ không thể bán được cho ai, đành phải chờ bán cho tôi", Liêm "bật mí". Bằng thủ thuật này, Liêm trúng một vố khá đậm, có vốn thoát khỏi cảnh làm ăn nhỏ lẻ. "Lần đó, một bà họa sĩ tên Blonca vừa qua đời. Con trai bà ta từ thành phố khác về, kêu tôi đến bán những đồ vật trong nhà vì không có người chăm sóc. Biết anh ta chỉ có 3 ngày ở lại, tôi hẹn lần, hẹn nữa và đến ngày thứ ba mới đến xem hàng, trả giá. Rốt cục, tôi mua được rất nhiều thứ giá rẻ, trong đó có 300 cây bonsai chỉ với 9.500 USD. Món này, sau đó tôi bán được 500.000 USD. Đó là một món hời lớn đầu tiên", Liêm hào hứng kể.

Giai đoạn sau, khi có nhiều tiền Liêm chuyển sang kinh doanh thêm xe hơi cổ. Ông bảo vào thời cao điểm, trong hệ thống các cửa hàng của ông có cả trăm chiếc xe hơi cổ đủ loại. Cũng có thời gian, ông về Việt Nam mua Vespa cổ, Lambretta đem sang Mỹ chất đầy trong cửa hàng để bán. Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc xe mô tô BMW biển kiểm soát BMT 001 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Báo Thanh Niên từng đề cập vào đầu năm 2007. Chiếc xe này hiện đang thuộc sở hữu của ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM...

Từ lúc khởi nghiệp đến khi dừng bước giang hồ vào đầu năm 2008, Liêm có trong tay một hệ thống 7 cửa hàng đồ cổ. Có cửa hàng rộng trên cả mẫu với đủ thứ đồ cổ, nằm ngay West Hollywood. Nhiều người biết tiếng ông là người Việt đầu tiên thành công với nghề kinh doanh đồ cổ ở Mỹ. Không ít người Việt có dịp đến Mỹ, tham quan Hollywood cũng bất ngờ khi gặp Liêm tại những tiệm đồ cổ hoành tráng của ông... Còn những tay kinh doanh đồ cổ gạo cội ở đường Lê Công Kiều, Q.1, TP.HCM khi nghe tên ông cũng phải ngả nón chào, không phải vì cách vung tiền hàng trăm ngàn USD mua đồ cổ, mà còn về kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực này. "Nhìn vào đồ vật, tôi có thể biết chính xác nó có phải cổ vật hay không, bao nhiêu tuổi, giá trị ra sao" - Liêm tự hào.

Kỳ 1: Giấc mơ Mỹ và những ngày tủi nhục
Kỳ 2: Làm tóc cho “sao”

(Còn tiếp)

Minh Đức - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.