Vàng “máu” ở CHDC Congo

13/11/2010 22:54 GMT+7

Sau kim cương "máu", giờ đây Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang báo động về việc vàng "máu" gây ra những hệ lụy khôn lường ở CHDC Congo.

Trong bối cảnh xung đột xảy ra không ngớt ở CHDC Congo, các công ty khai thác vàng ra sức lôi kéo lãnh đạo quân sự vào những thỏa thuận bất hợp pháp. Và cũng đã có cáo buộc rằng binh lính chính phủ CHDC Congo chẳng khác gì phiến quân, đang tranh thủ kiếm lợi từ vàng khai thác lậu và lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ nhân dân.


Khai thác vàng ở CHDC Congo - Ảnh: Reuters

Hợp đồng "đen"

Một cuộc điều tra do BBC vừa công bố cho thấy tướng Gabriel Amisi, chỉ huy số hai của quân đội CHDC Congo (FARDC), đã cắt đặt một công ty khai thác vàng tại mỏ Omate, phía đông nước này để đổi lấy phần chia 25%. "Người đứng đầu Công ty Geminaco ở CHDC Congo, Rene Mwinyi, là bạn của tướng Amisi. Họ ký thỏa thuận khai thác mỏ Omate và Amisi sẽ nhận 25% sản lượng vàng thô hằng tháng", BBC dẫn lời một quân nhân giấu tên cho biết.

Theo BBC, suốt năm 2009, Geminaco cố gắng tiếp cận tướng Amisi để nhờ ông này giúp họ giành quyền khai thác mỏ Omate. Để rồi vào tháng 2 năm nay, viên tướng viết thư cho chỉ huy quân đội khu vực Kivu Bắc, yêu cầu ông này đuổi công ty đối thủ

Socagrimines để lấy chỗ cho Geminaco. "Tôi ra lệnh cho ông đuổi ban quản lý mỏ hiện nay và toàn bộ các lực lượng quân sự tham gia vào các hoạt động ở Omate, đồng thời để Geminaco thay vào vị trí đó", tướng Amisi viết trong thư.

Điều quan trọng là phải xác lập chuẩn mực cho các công ty quốc tế hoạt động ở những nước đang phát triển, đặc biệt là những nước trong khu vực xung đột

Patricia Feeney
Chủ tịch Hiệp hội Chống quyền miễn tội Canada

Hồi tháng 9.2010, Tổng thống Joseph Kabila ban hành lệnh cấm khai thác khoáng sản ở ba tỉnh miền đông nhằm diệt trừ tận gốc "những nhóm mafia" kiểm soát hoạt động khai khoáng và gây mất ổn định đất nước. Đây là một phần nỗ lực của LHQ và chính phủ giúp ngành công nghiệp này trở nên minh bạch hơn. Kể từ đó, Geminaco bị "trục xuất" khỏi mỏ Omate và giám đốc quản lý khu mỏ của công ty bị bắt giữ. Tuy nhiên, theo điều tra của BBC, ông này bị bắt không phải vì lệnh cấm của Tổng thống Kabila mà là do tướng Amisi không nhận được phần chia như đã cam kết.

Khu vực miền đông CHDC Congo đã trở thành đấu trường của cuộc đua giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên. Các nhóm phiến quân đương nhiên không xem sắc lệnh cấm khai thác mỏ của chính phủ ra gì và tiếp tục khai thác vàng bất hợp pháp. Mặt khác, khi các công ty khai thác vàng bị đuổi khỏi các khu mỏ ở miền đông, quyền khai khoáng ngay lập tức rơi vào tay quân đội. Theo nguồn tin của LHQ, FARDC đang tăng cường khai thác ở Walikale, nơi có mỏ vàng Omate và khu vực mỏ thiếc Bisie rộng lớn.

Một báo cáo điều tra của LHQ về vụ phiến quân cưỡng hiếp hơn 300 người ở Walikale hồi cuối tháng 7 cho thấy binh lính đã rời vị trí canh gác để đến các khu vực khai khoáng gần đó. Báo cáo mật của LHQ mà Reuters thu thập được cho thấy binh sĩ của FARDC, những người có nhiệm vụ bảo vệ dân thường, đã bỏ vị trí để "tham gia vào các hoạt động béo bở ở Omate và Bisie". Sự vắng mặt của binh lính chính phủ khiến các ngôi làng trở thành "mồi ngon" của các lực lượng phiến loạn khét tiếng tàn bạo.

LHQ lên tiếng

CHDC Congo vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, bất kể việc đang sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản lớn như vàng, đồng, cassiterite và coltan. Khu vực phía đông của nước này đang trải qua chiến tranh khốc liệt với sự tham gia của các lực lượng Congo, Uganda và Rwanda. Khoảng 5 triệu người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở CHDC Congo.

Theo số liệu chính thức, CHDC Congo chỉ xuất khẩu 200 kg vàng trong năm 2009. Thượng viện nước này ước tính gần như toàn bộ vàng thu được ở nước này bị buôn lậu ra nước ngoài, với các chuyến hàng trị giá 1-2 tỉ USD trong năm qua.

Gregory Mthembu-Salter, thành viên nhóm chuyên gia của LHQ về CHDC Congo, nói bất kỳ số vàng khai thác thủ công nào ra khỏi CHDC Congo đều là "vàng máu", tức vàng khai thác lậu, để làm nguồn tài chính cho các lực lượng vũ trang giằng xé nước này. Chuyên gia này khẳng định ông có bằng chứng cho thấy quân đội đã cấu kết với phiến quân thực hiện các vụ thảm sát và cưỡng hiếp "nhằm duy trì tình trạng mất an ninh để biện minh cho sự hiện diện của họ tại các khu vực khai khoáng".

Theo ông Mthembu-Salter: "Vàng là nguồn tài chính chủ yếu của các nhóm phiến quân nhưng quân đội CHDC Congo cũng đang kiếm được bộn tiền từ nó". Các chuyên gia của LHQ nói rằng hầu như mỗi khu vực khai khoáng ở miền đông CHDC Congo đều do một nhóm vũ trang kiểm soát, và phi quân sự hóa các khu mỏ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc làm trong sạch ngành công nghiệp khai khoáng ở nước này.

Những văn bản, thư từ trao đổi nội bộ của quân đội CHDC Congo cho thấy lãnh đạo FARDC đã biết từ lâu rằng binh lính chính phủ tham gia vào hoạt động bất hợp pháp ở các khu mỏ. Thư của tướng Amisi gửi chỉ huy quân đội khu vực Kivu Bắc để chỉ đạo việc dành quyền khai thác mỏ Omate cho Công ty Geminaco là một trong những văn bản đó. Và sau khi quân đội trực tiếp kiểm soát các mỏ ở đây, binh lính thường xuyên đánh đập, hành hạ công nhân đào vàng. Dĩ nhiên, tình hình ở các mỏ do phiến quân chiếm được cũng không thể khá hơn.

Theo các nguồn tin LHQ, căng thẳng trong nội bộ FARDC đang gia tăng do tác động của cuộc đua giành quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên. Cách đây vài tuần, một binh sĩ đã bắn chết chỉ huy của mình tại mỏ Omate. Đây có thể xem là dấu hiệu chia rẽ mới nhất trong các lực lượng vũ trang CHDC Congo.

Vai trò của nước ngoài

Nhắc đến hoạt động khai khoáng ở CHDC Congo, không thể không đề cập đến các công ty Canada. Theo website Towardfreedom.com, một báo cáo hồi năm 2005 của tổ chức Human Rights Watch buộc tội Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới khi đó, và vài công ty khác ký các thỏa thuận khai thác vàng với 2 nhóm phiến quân. Đổi lại, các tay súng có nhà, xe và nhiều tiện nghi khác. Điều đáng nói là cả hai nhóm này bị buộc tội giết chết hàng trăm dân thường nhưng các công ty phương Tây chỉ quan tâm lợi nhuận và không cần biết đến "nhân thân" của đối tác.

Hồi năm 2001, một báo cáo do LHQ công bố cho thấy trong số 29 công ty đa quốc gia bị cáo buộc đánh cắp tài nguyên khỏi CHDC Congo có 8 công ty của Canada, trong đó có Banro. Công ty này hồi đầu năm ngoái đã kêu gọi các nhà đầu tư giúp họ khai thác "những mỏ vàng cuối cùng của châu Phi" ở CHDC Congo.

Cho đến nay, chưa có công ty khai thác vàng nào ở CHDC Congo phải ra tòa. Tuy nhiên, những nhà hoạt động xã hội tin rằng việc trong sạch hóa ngành khai mỏ ở nước này sớm muộn cũng sẽ đến. Một lý do cho sự lạc quan của họ là Anvil Mining, nhà sản xuất đồng hàng đầu Canada, đang phải đối mặt với vụ xử sau cáo buộc có vai trò trong một vụ thảm sát cách đây hơn 6 năm.

Hồi tháng 10.2004, binh lính CHDC Congo bị cáo buộc đã cưỡng hiếp và sát hại hơn 70 dân thường khi họ chiếm lại thị trấn Kilwa sau một vụ nổi loạn và Anvil Mining bị buộc tội hỗ trợ hậu cần cho lực lượng chính phủ. Đứng nguyên đơn trong vụ kiện lên một tòa án ở thành phố Montreal là Hiệp hội Chống quyền miễn tội Canada (CAAI). Tổ chức này quy tụ những người sống sót và người thân của những nạn nhân, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ của Anh, Canada và CHDC Congo.

BBC dẫn lời Chủ tịch CAAI Patricia Feeney khẳng định vụ thảm sát sẽ không bị bỏ qua cho đến khi mọi chuyện cũng như vai trò của Anvil Mining được làm rõ. "Điều quan trọng là phải xác lập chuẩn mực cho các công ty quốc tế hoạt động ở những nước đang phát triển, đặc biệt là những nước trong khu vực xung đột", bà khẳng định.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.