Việt Nam và vốn ODA

05/12/2008 00:55 GMT+7

* Triển vọng dài hạn của VN vẫn sáng sủa * Nhật Bản tạm dừng các khoản ODA mở rộng đến khi vụ PCI được làm rõ * Căng thẳng quanh vốn ODA và chất thải nguy hại tại kỳ họp HĐND TP.HCM Mời nghe đọc bài

Khai mạc hôm qua 4.12, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG) đã chọn chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng" - một mục tiêu khá sát với tình hình thực tế của VN hiện nay.

Tham dự hội nghị năm nay có hơn 200 đại biểu, đại diện hơn 50 nhà tài trợ song phương, đa phương và các cơ quan chức năng của Chính phủ. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng như chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô; thực hiện kế hoạch năm 2008 và giữa kỳ của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010; cải cách hành chính và chống tham nhũng...

VN trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ VN sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Trong phát biểu của mình, ông James W.Adams, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ tin tưởng các giải pháp của Chính phủ VN về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch WB, tình hình khó khăn của kinh tế thế giới sẽ còn tác động đến VN, trong đó người nghèo là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. "Để vượt qua "cơn bão" này, điều quan trọng là VN phải tiếp tục duy trì các chương trình cải cách. Cần có sự hỗ trợ để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, cộng đồng tài trợ cam kết sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực đó vì sự phát triển của VN" - ông James Adams nhận định.

Chính phủ VN đã hành động kiên quyết trong việc giải quyết tình trạng kinh tế quá nóng trong nửa đầu năm và xứng đáng được ghi nhận trong nỗ lực bình ổn kinh tế. Hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt khi phải đối mặt với khủng hoảng lần hai ngoài ý muốn trong năm. (Báo cáo của WB tại VN)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Chính phủ và nhân dân VN đánh giá cao và cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó nguồn vốn ODA có vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng nhấn mạnh: "VN trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ VN sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA".

Hội nghị đã nghe báo cáo của Diễn đàn doanh nghiệp (DN) VN 2008. Theo đó, các đại biểu tham dự diễn đàn khuyến nghị: trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, VN cần tập trung duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình. VN có thể giảm nhẹ tác động của các khó khăn từ bên ngoài bằng cách kích thích kinh tế trong nước thông qua việc tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho DN và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng.

Kể từ năm 1991, Nhật Bản liên tục dẫn đầu danh sách các quốc gia viện trợ ODA cho Việt Nam, năm ngoái khoản tài trợ cam kết ODA của Nhật Bản lên đến 1,1 tỉ USD. Trong số các công trình xây dựng trọng điểm trên cả nước suốt gần hai thập kỷ qua, nhiều công trình được xem là biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa hai nước như cầu Bãi Cháy, nhà ga hành khách quốc tế mới sân bay Tân Sơn Nhất, đường hầm Hải Vân, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ...

(Nguồn: Số liệu của Đại sứ quán Nhật Bản tại VN)

Báo cáo của WB khuyến cáo: các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu cần phải được thực hiện song hành với quyết tâm cải cách, tránh nguy cơ lặp lại tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả và bong bóng thị trường như trước đây. Trưởng đại diện của Bộ Phát triển quốc tế Anh, bà Fiona Louis Lappin hoan nghênh Chính phủ VN tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế xã hội của mình và duy trì các khoản chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội trong năm 2009.

Ông Shogo Ishii, đại diện IMF cho rằng, triển vọng kinh tế trung hạn, dài hạn của VN còn sáng sủa, nhất là khi Chính phủ VN cam kết tiếp tục cải cách. Ông đưa ra một số lời khuyên đối với VN như thúc đẩy cải cách cơ cấu trong hệ thống ngân hàng, DN; cần xử lý ngay những vấn đề về tài chính, giám sát chặt chẽ các DN nhà nước lớn.

Đại diện ADB, EU, Hoa Kỳ và Điều phối viên thường trú LHQ, đại diện cho các tổ chức LHQ tại VN đều bày tỏ nhất trí với chủ đề của hội nghị và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực phát triển của VN.

Tạm dừng các khoản ODA mở rộng 65,3 tỉ yen cho đến khi vụ PCI được làm rõ

"Đầu năm nay Chính phủ Nhật đã công bố ý định mở rộng nguồn vốn vay ODA tổng cộng khoảng 65,3 tỉ yen (trên 700 triệu USD) trong nửa đầu năm tài khóa năm 2008 cho các dự án cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, tất cả các thủ tục liên quan đến các dự án đó đã bị tạm dừng khi vụ PCI bị phát hiện. Hai chính phủ đã thành lập một Ủy ban hỗn hợp để thảo luận về các biện pháp cơ bản nhằm ngăn chặn tham nhũng liên quan đến viện trợ ODA của Nhật Bản cho VN. Rất khó để giành lại được sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản đối với sự hỗ trợ thêm ODA cho VN và chúng tôi cũng chưa thể đưa ra cam kết đối với khoản vay mới bằng đồng yen chừng nào Ủy ban hỗn hợp hai nước chưa đưa ra các biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa trong việc chống tham nhũng. Chúng tôi thấy khích lệ khi lãnh đạo Chính phủ VN tiếp tục bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng, và Nhật Bản mong muốn thúc giục Chính phủ VN tiếp tục các nỗ lực ngăn chặn sự tái diễn của tham nhũng".

(Đại sứ Nhật Bản tại VN Mitsuo Sabaka phát biểu tại hội nghị)

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.