Mít tinh kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2006)

19/12/2006 00:16 GMT+7

Hôm qua 18/12, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng nhiều lãnh đạo cấp cao, các lão thành cách mạng và đông đảo người dân thủ đô đã tham dự mít tinh trọng thể kỷ nhiệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến - Hà Nội "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tổ chức.

Mở đầu diễn văn khai mạc buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị ôn lại bản anh hùng ca mùa đông năm 1946 của quân và dân Hà Nội, đại diện cho ý chí quật cường của toàn dân tộc. Ông nói: "Trong lịch sử lâu dài và vẻ vang của thủ đô và của dân tộc, cuộc chiến đấu ngoan cường 60 ngày đêm giam chân địch ở Hà Nội là quãng thời gian ngắn ngủi song tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này được đúc kết thành những bài học vô cùng quý báu, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí quật cường, dũng cảm, về sự kết hợp tài tình tinh thần yêu nước với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo".

Phát huy tinh thần kiên cường, anh dũng và những bài học kinh nghiệm quý báu của 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội sẽ quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đặc biệt là "tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội". Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Các cấp ủy, chính quyền thành phố phải xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là khâu đột phá nhằm xóa bỏ những rào cản đang tồn tại ngay trong bộ máy và cán bộ". Ông Phạm Quang Nghị yêu cầu cụ thể: chính quyền thành phố cần làm tốt công tác tiếp dân; tăng cường đối thoại, nắm bắt kịp thời những yêu cầu chính đáng của công dân, nhằm mục tiêu giảm thiểu việc người dân phải đi khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp; kiên quyết xử lý những cán bộ cố tình vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết công việc liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

Cũng trong ngày hôm qua 18/12 tại TP.HCM, đông đảo các vị lão thành cách mạng, các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo Đảng - chính quyền, đại diện tuổi trẻ TP... đã tham dự hội thảo khoa học kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến do Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy phối hợp với Viện Nghiên cứu xã hội TP tổ chức. Tại hội thảo, PGS-TS Phan Xuân Biên - Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy có bài tham luận tựa đề "Nam Bộ với toàn quốc kháng chiến" và nhận định: Chỉ sau 29 ngày đêm, nhân dân Nam Bộ được hưởng độc lập tự do của chế độ Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thực dân Pháp được sự yểm trợ, đồng lõa của quân Anh đã gây hấn, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2. Một lần nữa, lịch sử trao cho quân và dân Nam Bộ nhiệm vụ đi đầu, thay mặt cả nước nổ súng chống lại thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Cùng chung nhận định với ông Biên, nhiều đề tài khoa học trình bày tại hội thảo cũng đã đề cao vai trò, vị trí của quân và dân Nam Bộ trong giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến. Theo ông Hồ Sơn Diệp - Trưởng ban Lịch sử Viện Nghiên cứu xã hội TP, ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến bùng nổ. Tuy nhiên, trước đó thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn. Ông Diệp: "Về thực chất, nhân dân Việt Nam đã bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ 23/9/1945".

Tuyết Nhung - N.Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.