Biến phụ phẩm thành nhiên liệu

02/11/2009 11:49 GMT+7

Các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ hạt điều, vỏ cà phê đến cám xấu, mùn cưa... qua lò hơi tầng sôi của TS Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) đều trở thành những nhiên liệu tiết kiệm chi phí.

Lò hơi tầng sôi tuần hoàn đốt nhiên liệu xấu của TS Quang đang được lắp đặt
Vẻ đồ sộ của lò hơi tầng sôi tuần hoàn đặt tại Khu công nghiệp Quảng Nam không hề ồn ào bởi những quy trình xử lý khép kín bên trong.

Chỉ cần một công nhân phụ trách phễu nhiên liệu, các phụ phẩm nông nghiệp được cho qua bộ cấp liệu tự động và cháy liên tục trong lớp vật liệu sôi là cát thạch anh, hoặc tro, xỉ than, tạo ra hơi bão hòa có áp suất và nhiệt độ yêu cầu cung cấp cho sản xuất của doanh nghiệp.

TS Quang cho biết, lò hơi hoạt động hoàn toàn tự động và liên tục gần giống như lò dầu FO: tự động cấp liệu, tự động giữ áp suất, tự động bơm cấp nước, tự động ổn định lớp sôi, chất lượng hơi ổn định, công nhân vận hành thuận tiện, không có thao tác cấp than và lấy xỉ thủ công.

Đặc biệt, để đảm bảo tiêu chuẩn khói thải, lò hơi được trang bị hai cấp thu bụi khô và ướt, rửa khói không gây ô nhiễm môi trường, do đó lượng khí thải độc hại ước tính giảm từ 5 - 6 lần so với sử dụng công nghệ lò hơi than và dầu FO.

Từ năm 2007 - 2008, đề tài buồng đốt tầng sôi các phụ phẩm nông nghiệp, lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu cám được TS Quang bảo vệ thành công tại đề tài trọng điểm cấp Bộ GD&ĐT, Ươm tạo công nghệ của Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT.

Hiện lò hơi tầng sôi tuần hoàn của TS Quang được áp dụng rộng rãi tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh thành ĐBSCL.

Tuy nhiên, điểm nổi bật của lò hơi này còn là sử dụng chính các loại phụ phẩm nông nghiệp tưởng như vô dụng. “Nhìn những phụ phẩm nông nghiệp hầu như vứt đi, không tái sử dụng được tôi thấy lãng phí quá, trong khi các lò hơi phổ biến ở nước ta lúc bấy giờ chỉ là các loại dùng dầu FO hoặc than đá, chi phí cao và ô nhiễm.

Tôi nảy sinh ý tưởng phải biến chúng thành những nhiên liệu có ích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường”, TS Quang tâm sự

Triển khai từ năm 2005, ròng rã hai năm trời đánh vật với đề tài khi đang là giảng viên trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, phải qua năm lần chỉnh sửa kiểu dáng, nghiên cứu chế tạo, chi phí vượt cả số tiền được cấp, lò hơi tầng sôi tuần hoàn của TS Quang mới ra hình hài.

Đây được coi là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam tự nghiên cứu chế tạo và triển khai ứng dụng trong công nghiệp. ­

“Mình hầu như phải bắt đầu từ con số không, do lò hơi trong nước sản xuất chưa có công nghệ này. Cấu tạo của lò hơi dùng dầu FO và than đá không phù hợp để đốt các nhiên liệu xấu nên mình phải thiết kế lò hơi tầng sôi mới hoàn toàn” - TS Quang kể lại.

Giảm gần một nửa chi phí nhiên liệu

Không chỉ thân thiện với môi trường, lợi ích kinh tế của lò hơi tuần hoàn do TS Quang sáng chế là không nhỏ. Lò được thiết kế để có thể dùng nhiều loại nhiên liệu trên một hệ thống thiết bị: bột gỗ, mùn cưa, than cám, trấu, vỏ điều... nên thuận lợi trong việc thay đổi nhiên liệu.

Khi thay đổi nhiên liệu (trừ than) không phải thay đổi thiết bị - TS Quang cho biết - Đặc biệt do sử dụng các loại nhiên liệu xấu, phụ phẩm trong nông nghiệp rẻ tiền nên khi áp dụng lò hơi tuần hoàn đốt nhiên liệu xấu, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm đến gần một nửa tiền nhiên liệu so với dùng lò dầu FO.

Mặt khác, do tất cả các khâu thiết kế, thi công lắp đặt và nguyên vật liệu chế tạo lò hơi đều ở trong nước nên chi phí đầu tư ban đầu so với lò hơi tuần hoàn nhập ngoại rẻ hơn nhiều lần. Công việc bảo trì, bảo dưỡng và thay thế thiết bị cũng rất thuận lợi.

Theo Nguyễn Huy / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.