Chặn bàn tay ăn cắp

25/11/2008 11:12 GMT+7

Một người dũng cảm quên mình chống lại bọn trộm cướp bảo vệ tài sản cho một số người dân được gọi là "Hiệp sĩ săn bắt cướp".

Một người chống lại được cả một nạn cướp cạn, công khai bảo vệ tài sản của vô số người dân trên khắp cả nước mình thì nên gọi là gì?

Là người tiêu dùng, chắc hẳn bạn sẽ rất bực mình, khó chịu, thậm chí là phẫn uất khi biết mình bị móc túi công khai mà bất lực, không biết... mần chi cả. Như mỗi ngày đổ xăng cho ôtô, xe máy hoặc mua xăng về chạy các loại động cơ nổ như máy phát điện, máy xay xát, máy đẩy tàu thuyền... mà lại bị "nhà xăng" pha độn một tỉ lệ dầu hoả, diesel, madút là 5-10-15-20 hay 30%... chẳng hạn? Bực lắm!

Bạn vừa bị trấn lột, vừa bị hao tuổi thọ của máy, lại vừa phải ngửi khói bẩn vì ô nhiễm môi trường. Thế là "nhất tiện" của "thảo dân" bán xăng dẫn tới những "tam tứ hại" của "thượng đế" - khách hàng là bạn. Nhưng bây giờ thì bạn có thể yên tâm, vì đã có người đồng hành giúp bạn chống lại cái ác - chặn bàn tay ăn cắp của kẻ bất lương. Người bạn "bình dị" mà "cao quý" này là kỹ sư Lê Đình Nội - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Thanh Hoá.

Ơrêka từ nguyên tắc bốc hơi

Xới ra một bát cơm, không cần phơi để từ sáng đến tối, lớp cơm trên cùng đã khô queo. Hay rót ra một ly nước đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên mỗi dịp giỗ chạp, như phong tục người Việt mình vẫn làm, mà vô ý quên, vài tháng sau nhớ lại, sẽ chỉ còn chiếc ly không trơ đáy. Đó là nguyên tắc bốc hơi nước - ông Nội bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.

Ông còn nhớ, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang còn làm Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Thanh Hoá, trong những cuộc hàn huyên bên cốc bia, chén trà, ông đã nhận được thông tin về việc xăng bị độn dầu. Bạn ông bảo: "Xe xả khói đen ngòm, kiểm tra điện, bugi đen kịt. Nhưng như thế cũng chưa can gì. Đau nhất là xe bị chết máy đột ngột giữa đường. Nếu không bị xe sau nhỡ tông vào đít thì cũng bị nhỡ việc".

 

Kỹ sư Lê Đình Nội - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh Thanh Hoá.

Là người đứng đầu một cơ quan cầm cân nảy mực về TCĐLCL của Nhà nước, ông Nội đã chia sẻ với bạn bè là người tiêu dùng bằng cách cho quân lấy mẫu xăng nghi pha độn mang ra Hà Nội làm xét nghiệm. Nhưng các cơ quan chức năng ở Hà Nội chỉ xác định được mẫu xăng không đạt tiêu chuẩn xăng Việt Nam. Còn độn chất gì, tỉ lệ bao nhiêu thì họ chịu, không xác định được.

Chỉ bấy nhiêu thôi mà tốn tới hơn 1 triệu đồng cho một lần xét nghiệm (giá vàng lúc ấy chừng 500.000đ/chỉ); nếu cộng cả tiền tàu xe, công tác phí cho 2-3 ngày đi, về và chờ đợi kết quả thì quá đắt. Họ lại còn bảo: "Nếu bắt được quả tang thằng nào pha độn thì đánh một trận nhừ tử cho nó chừa thói ăn cắp". Bắt quả tang rất khó. Càng không thể đánh nhau được. Nhưng bó tay chịu trấn lột công khai thì cũng không chịu nổi.

Ông Nội bực lắm. Cái gọi là "máu nghề nghiệp" TCĐLCL đang chảy ngày đêm trong huyết quản không cho phép ông chấp nhận gian dối. Nhưng mà lật tẩy kẻ gian bằng cách nào? Cách nào để định tính, định lượng được chất pha độn trong xăng? Ông suy nghĩ lung lắm.

Một bữa vừa dọn cơm vừa mải nghĩ, đầu ông gục xuống đúng vào lúc tay ông mở nắp nồi cơm điện. Hơi nóng bị ép trong nồi với áp suất lớn bật ra phả vào mặt ông rát bỏng. Ông bừng tỉnh: Bốc hơi! Nguyên tắc bốc hơi! Ông bỏ bữa cơm, lục trong đống tài liệu mà ông từng học và đọc thời còn là sinh viên ra, xem lại, thì mới... ớ người ra: Ơrêka!

Về mặt lý thuyết, xăng bốc hơi nhanh hơn các loại dầu, vì tỉ lệ ốctan ở xăng luôn luôn cao hơn các loại dầu.

Thiết bị thí nghiệm mà ông Nội chuẩn bị cho cuộc "tuyên chiến" với các kẻ bất lương là hết sức đơn giản: Một ống đong, một cốc thuỷ tinh có vạch (hay là bình thuỷ tinh định mức), một bếp điện cách cát và một nhiệt kế 2000C.

Quy trình thí nghiệm sau rất nhiều lần làm thử, lặp đi lặp lại mà kỹ sư Nội đúc rút được, hoá ra lại vô cùng đơn giản và rất dễ thao tác: Đong 1 lít xăng nguyên chất vào cốc thuỷ tinh có vạch (gọi là cốc đối chứng) và 1 lít xăng độn dầu vào một cốc tương tự, cho cả 2 cốc lên bếp điện cách cát đun, sẽ cho ra kết quả: Trong cùng thời gian và cùng một nhiệt độ sôi, xăng nguyên chất trong cốc đối chứng sẽ bốc hơi nhanh hơn và bốc hơi hết trước so với cốc xăng pha độn dầu.

Tỉ lệ pha độn dầu càng lớn thì tốc độ và thời gian bốc hơi càng chậm, càng lâu hơn (chỉ từ 500C xăng nguyên chất đã bắt đầu bốc hơi. Xăng độn dầu bốc hơi chậm hơn, ở nhiệt độ 80-900C, tỉ lệ thuận với phần trăm dầu pha độn).

Lấy cặn đọng lại ở đáy cốc, cho hoá chất vào phân tích sẽ xác định được chất độn trong xăng là chất gì (dầu hoả, diesel, madút hay dầu thải từ máy bay). Ghi các thông số, vẽ đồ thị, dóng nối 2 trục tung, hoành sẽ thu được chính xác tỉ lệ dầu pha độn ở trong xăng.

Nên nhớ cho, vào thời điểm 1996-1997, giá xăng và dầu chênh nhau là trên - dưới 2.000đ/lít tuỳ loại. Và xăng pha độn là một thực tế phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành cả nước. Vì vậy, số tiền mà người tiêu dùng bị móc túi công khai trên địa bàn cả nước là một con số khổng lồ!

Thí nghiệm đơn giản mà hết sức hiệu quả của kỹ sư Lê Đình Nội được lập thành báo cáo khoa học, trình lên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh. Quy chế xử phạt các kẻ bất lương được ký duyệt và trở thành cơ sở pháp lý để Thanh Hoá xử lý vi phạm chất lượng xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nội, "sáng chế" này là để ngăn chặn hành vi ăn cắp chứ không phải để trừng trị kẻ ăn cắp. Vì vậy, trước khi áp dụng nó, ông đã tế nhị "cảnh cáo" các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh xăng dầu bằng cách triệu tập tất cả họ lại, công bố quyết định của cơ quan chức năng. Kèm theo những hướng dẫn tỉ mỉ cách thức định lượng, xác định tỉ lệ dầu pha độn trong xăng.

Còn với người tiêu dùng - là "thượng đế" của các "thảo dân" bán xăng kia - ông Nội khuyến cáo họ một phương pháp định tính xăng pha độn vô cùng đơn giản mà cũng vô cùng chính xác: Nhỏ một giọt xăng vào tờ giấy trắng tinh.

Nếu là xăng nguyên chất, sau 10 giây sẽ bốc hơi hết, không để lại vết ố. Nếu là xăng pha độn đầu, thời gian bốc hơi là gấp 2-3 lần xăng nguyên chất và để lại vết ố lem trên giấy. Vết ố to hay nhỏ là tuỳ loại dầu và tỉ lệ pha trộn lớn hay bé mà người ta đã gian dối pha độn vào xăng.

Hiệu quả bất ngờ ngoài mong đợi

Phương pháp định tính, định lượng xăng pha độn siêu tốc, rất nhanh và rất đơn giản do kỹ sư Nội "sáng chế" được thực thi, người tiêu dùng toàn tỉnh Thanh Hoá đã nhiệt liệt hoan nghênh ủng hộ. Chỉ trong vòng 1 năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu (tỉ lệ pha độn từ 2-20,5%) với tổng giá trị hàng tỉ đồng.

Khi đó, được phỏng vấn về tính ưu việt của sáng chế này, ông Nội nói: "Vào thời điểm năm 1996, muốn xác định xăng pha độn dầu ở mức định tính thôi, phải mua một thiết bị giá 1,5 tỉ đồng và chi trả 1 triệu đồng cho kết quả của mỗi lần xét nghiệm. Trong khi định lượng cụ thể tỉ lệ của chất độn, thiết bị này không làm được. Vậy thì "sáng chế của tôi tiết kiệm được khoảng vài tỉ đồng thôi".

Ấy là ông nói khiêm tốn như thế; chứ thực tế thì không phải như thế. Chúng ta hãy hình dung, nếu thực tế xăng pha độn mà không bị ngăn chặn bằng sáng chế của ông trên địa bàn một tỉnh như tỉnh Thanh Hoá của ông, thì mỗi năm có bao nhiêu vụ xăng pha độn dầu không bị phát hiện? Từ đó nhân với số người tiêu dùng bị móc túi? Từ đó có bao nhiêu xe máy, ôtô và động cơ nổ phải đại tu trước hạn định? Từ đó có bao nhiêu người phải hít thở khói bẩn? Từ đó phải chi trả bao nhiêu tiền để "đại tu" sức khoẻ cho con người?

...Ông Nội kể tiếp: Sau khi nạn xăng pha độn được ngăn chặn ở Thanh Hoá, đã có hàng chục tỉnh, thành bạn đến Thanh Hoá để học hỏi kinh nghiệm. Máy điện thoại của ông ngày nào cũng "nóng" vì hàng chục cú gọi từ khắp mọi nơi. Ông Nội đã nhiệt tình hướng dẫn từ A-Z, nhiệt tình cung cấp mọi tài liệu liên quan. Tất nhiên là bằng tiền túi, không tơ hào một xu nào của nhà nước.

Cẩn thận hơn, ông còn bảo họ rằng: Hãy coi đây như là sáng kiến của các anh. Nhưng nhớ trình lên UBND tỉnh nhà để họ ra văn bản pháp quy cho mà thực hiện. Văn bản của Thanh Hoá tôi đưa cho các anh chỉ là để tham khảo. Vì nó là của Thanh Hoá, mang áp dụng ở Hà Nội hay Sài Gòn coi chừng các anh bị... "vạ lây" đấy.
 
Thấy ông ban phát chất xám một cách hồn nhiên và hào phóng đến ngoài cả mức tưởng tượng, một cộng sự của ông đã hỏi, vừa ngạc nhiên, vừa xót của: "Té ra là bác cho... hết sạch à?". Ông nhìn người cộng sự trẻ bằng đôi mắt độ lượng rồi tủm tỉm cười bảo rằng: "Chứ không cho thì giữ làm gì? Làm ra là để cho kia mà!".

Và, cho đến lúc đã có hơn 40 tỉnh, thành áp dụng "sáng chế ông Nội" ngăn chặn thành công nạn xăng độn dầu, hiệu quả của sáng chế được chứng minh bằng thực tế trên địa bàn rộng lớn hầu như là toàn quốc; ấy là lúc ông Nội sắp... "rũ áo"... cáo quan; bạn bè ông mới giục "làm hồ sơ xác lập bản quyền để... kỷ niệm một đời làm TCĐLCL"; lúc ấy ông mới thong thả ngồi vào bàn máy tính. Hồ sơ gửi đi Hà Nội.

Ngay trong năm cuối cùng của đời công chức, năm 2007 ấy, ông Nội đã làm một cú "hat-trick" ngoạn mục: Giải nhì Vifotex, bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN, Huân chương Lao Động hạng Ba của Chủ tịch nước CH XHCNVN.

Nhưng còn một việc có ý nghĩa hơn nữa là ông được người tiêu dùng tỉnh nhà tin cậy, giao phó trách nhiệm bảo vệ quyền lợi giúp họ với chức danh Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Thanh Hoá.

Ông cười bảo với tôi: "Cái chức danh "vác tù và hàng tổng" này thế mà lại hoá hay, vì mục đích của nó là vì người chứ không phải vì mình. Đỡ phải phân vân cảnh giác với chính mình vì mấy cái khoản lằng nhằng tham ô, lãng phí đang là "quốc nạn" nan giải hiện nay".

Tôi cười theo ông và cứ băn khoăn tự hỏi: Không biết phải đặt cho "ông tiêu chuẩn" này một cái biệt danh chi đó cho nó vừa đúng, vừa chuẩn với cái chất gàn gàn bất cần mà lại rất lãng tử của các cụ đồ nho xưa?

Theo Minh Tâm / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.