Tiền ăn của trẻ cũng bị đánh thuế !

26/11/2007 22:09 GMT+7

Trong khi các trường mầm non công lập đang được Nhà nước hỗ trợ nhiều thứ thì các trường mầm non tư thục đang phải tự "bơi" trong các loại thuế vô lý.

Mức thuế tiền ăn của trẻ: 7,4%!  

Thành lập trường từ năm 1993, đến nay trường Mẫu giáo Hướng Dương (TP.HCM) mới được thông báo đánh thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 28%, thuế tiền ăn 7,4%, thuế học phí, bán trú phí, vệ sinh phí và các khoản khác là 8,4%. Tháng 7.2007, cùng với các trường mầm non tư thục khác trên địa bàn quận, nhà trường bắt đầu làm báo cáo thuế, nhưng nghe đâu luật thuế quy định truy thu 5 năm. Một khoản tiền lớn, không biết lấy gì đắp vào.

Anh Lâm Thanh Hoàng, kế toán nhà trường cho biết: "Chi cục thuế chỉ hướng dẫn chung chung, chúng tôi không biết đâu mà làm. Báo cáo thuế thì có 2 phần tổng thu và tổng chi, trong khi việc đánh thuế TNDN lại dựa vào phần lợi nhuận, còn thuế tiền ăn, thuế học phí lại đánh riêng trong khi trong báo cáo thuế lại khai chung". Theo anh Hoàng, việc đánh thuế tiền ăn là không hợp lý. Theo quy định của ngành giáo dục, tiền ăn và tiền vệ sinh của học sinh nhà trường phải dùng hết mới đảm bảo chất lượng nuôi dạy các cháu. Nếu đánh thuế, sẽ làm giảm chất lượng nuôi dạy trẻ. Người thiệt thòi vẫn là các cháu.

Trường Mầm non tư thục Hoa Mai Q.9 (TP.HCM) thành lập từ tháng 2.2006 với quy mô 260 học sinh, phần lớn là con em dân lao động. Mức học phí hiện nay là 450.000 đồng/tháng, bao gồm cả tiền ăn. Chị Huỳnh Tố Trang - chủ trường cho biết: "Chúng tôi đang tính toán tăng tiền ăn từ 10.000 đồng/ngày/cháu lên 12.000 đồng/ngày/cháu khi giá cả thị trường tăng để đảm bảo khẩu phần ăn của trẻ. Phụ huynh đã phàn nàn, nếu chi cục thuế xuống thu thuế, chắc nhà trường tạm thời đóng cửa".

Trẻ bị thiệt thòi chứ không phải chủ trường!

Theo Nghị định 53/2006/NĐ-CP ngày 25.5.2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, quy định các đối tượng được áp dụng mức ưu đãi trong thuế TNDN, trong đó có các cơ sở giáo dục - đào tạo ngoài công lập các bậc học mầm non, phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo dục đại học sẽ được miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo, các năm tiếp theo chịu 10% thuế TNDN. Để được hưởng ưu đãi theo Nghị định 53, chủ trường phải đăng ký với UBND quận, huyện, đảm bảo đúng các thủ tục về pháp lý thành lập, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc nhà nước, thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách kế toán theo quy định.

Trong khi Q.12 khởi đầu cho việc truy thu thuế tại địa bàn quận, nhiều quận, huyện khác vẫn đang nhấp nhổm chờ xem động thái của dư luận thế nào. Tuy Chi cục Thuế Q.3 vẫn chưa đả động gì nhưng nhiều trường mầm non tư thục tại Q.3 đang lên kế hoạch "ổn định doanh thu". Chị Chi - chủ trường Mầm non tư thục Họa Mi (Q.3) vẫn không đồng ý với các khoản thu thuế mà các quận khác đang áp dụng. Chị nói: "Nếu đánh thuế tiền học phí, tiền cơ sở vật chất tôi đồng ý. Còn các khoản khác nên xem lại. Việc thu thuế sẽ trực tiếp ảnh hưởng xấu đến các cháu, chứ không phải chủ trường. Có lợi nhuận mới tổ chức kinh doanh, chứ không ai dại gì kinh doanh không lợi nhuận".

Dân lao động chịu sao nổi!

Năm 2006, mức học phí của trường Mẫu giáo Hướng Dương (Q.7) là 280.000 đồng/tháng, tiền ăn là 10.000 đồng/ngày. Sang năm 2007, học phí tăng lên 320.000 đồng/tháng, tiền ăn là 12.000 đồng/ngày. Một phụ huynh có con học tại trường cho biết với thời giá hiện nay, chắc chắn nhà trường sẽ tăng học phí. "Chúng tôi là dân lao động, không có suất vào học các trường công lập nên khổ càng khổ thêm. Nếu Nhà nước có nhiều trường công lập, chắc đâu phải chịu cảnh thuế đè trên vai người dân kiểu này". Còn anh Hải - một phụ huynh có con học tại trường Mầm non Sơn Ca - Q.Tân Phú bức xúc: "Nghe thông tin các trường mầm non tư thục bị đánh thuế tiền ăn, tiền học phí, tôi thấy vô lý. Vô lý hơn là có quận thu, quận không thu. Trường công lập không bị đánh thuế, học phí thấp nhưng không phải ai muốn vào học cũng được. Các trường quận ven có tỷ lệ dân nhập cư cao, thu nhập thấp, làm ngày nào ăn ngày đó mà Nhà nước tăng thuế, nhà trường đòi tăng học phí, dân lao động như chúng tôi sao chịu nổi!".

Thuế cao, học phí sẽ tăng, người dân phải gồng mình chịu. Cùng với học phí còn rất nhiều khoản chi phí khác tăng vùn vụt, nhất là thời điểm cuối năm. Do đặc thù của loại hình trường ngoài công lập là hình thức tự chủ tài chính, chủ cơ sở có quyền được thỏa thuận giá cả dịch vụ chăm sóc, mức học phí... với phụ huynh trong quy định của Luật Giáo dục. Do đó, nếu mức thuế trên vẫn cứ áp dụng thì các trường sẽ tăng thu đối với các em học sinh. Còn phụ huynh thì không thể cho con em nghỉ học.

Đành rằng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của công dân nhưng việc áp các loại thuế vô lý sẽ dẫn đến những tác dụng ngược. Nhiều trường mầm non tư thục bị lỗ sẽ đóng cửa, hoặc tăng học phí. Phần lớn trẻ em - đặc biệt là trẻ nhập cư sẽ thiếu chỗ học hoặc không đủ khả năng để đến trường. 

Cơ quan thuế: Chủ trường phải chịu các mức thuế như doanh nghiệp!

"Ngành thuế TP đang có chủ trương áp dụng truy thu thuế TNDN tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Không riêng bậc mầm non, tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập đều bị áp thuế. Cụ thể: các trường thành lập theo Nghị định 53 sẽ được áp dụng mức thuế suất 10% kể từ tháng 6.2006 đến nay (ngày Nghị định 53 có hiệu lực thi hành); từ tháng 5.2006 trở về trước sẽ áp dụng mức thuế  suất 25% theo Nghị định 73/1999/NĐ-CP và Thông tư số 18/2000/TT-BTC. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động tự phát, không có sổ sách kế toán chứng từ theo quy định sẽ áp mức thuế suất 28%...

Chủ trường là một chủ thể doanh nghiệp nên phải chịu các mức thuế theo quy định. Trong đó tiền ăn và các khoản học phí, vệ sinh phí, bán trú phí... thuộc danh mục ăn uống và dịch vụ phải chịu thuế. Trong trường hợp này, các trường không đóng thuế VAT mà đóng thuế ấn định (thuế khoán) được tính theo quy định là 7,4% tiền dịch vụ ăn uống và 8,4% dịch vụ khác"  - ông Đỗ Đăng Tăng - Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ Cục Thuế TP.HCM (ảnh)

"Từ trước đến nay, khi thành lập trường học, chủ trường chỉ đến UBND quận xin giấy phép thành lập trường, đăng ký hoạt động chuyên môn với phòng giáo dục quận rồi hoạt động. Nhưng chủ trường không đăng ký thuế, không đăng ký sổ sách chứng từ kế toán theo quy định nên chi cục tiến hành thu thuế theo danh mục doanh nghiệp không được ưu đãi với mức thuế 28%. Ngoài ra, các trường phải đóng thuế 7,4%/suất ăn, 8,4% trên học phí, bán trú phí, vệ sinh phí. Đây là mức thuế quy định do Tổng cục Thuế ban hành"  - bà Đỗ Thị Xuân Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.12, TP.HCM

Cơ quan giáo dục: Hoàn toàn không đồng ý với việc đánh thuế trên tiền ăn của trẻ!

"Sở GD hoàn toàn không đồng ý với việc đánh thuế trên tiền ăn của trẻ. Hiện nay, mỗi suất ăn của trẻ có giá từ 8.000đ -12.000đ cho bữa trưa và bữa xế chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu năng lượng cho trẻ. Nếu đánh thuế trên tiền ăn, chất lượng bữa ăn sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như trẻ suy dinh dưỡng, thiếu chất đạm, thiếu canxi, dẫn đến tế bào não, tế bào thần kinh phát triển không tốt. Nếu đảm bảo nghĩa vụ thuế, buộc các trường phải tăng tiền ăn và nhiều khoản thu khác, Sở GD sẽ không ngăn cản được" -  bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM

Như Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.