Kết quả IPO Vietcombank sẽ không tác động lớn

13/12/2007 23:16 GMT+7

Ngày 13.12, trong cuộc đối thoại trực tuyến với các nhà đầu tư (NĐT) do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức, các chuyên gia chứng khoán đã thể hiện những quan điểm khác nhau về đợt phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu (IPO) của Vietcombank (VCB)...

- Ông Lâm Minh Chánh, Cố vấn cao cấp của Công ty chứng khoán Đại Việt: Theo đánh giá của riêng tôi, VCB ở mức giá 140.000 đồng/CP, tương đương với STB ở mức giá 70.000 đồng/CP, tương đương với ACB mức giá 170.000 đồng/CP. Nếu cao hơn mức 140.000 đồng/CP, tiền có thể đổ ngược lại vào các CP khác.

- Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Hà Nội: Dựa trên các căn cứ như kết quả hoạt động của VCB, yếu tố cung cầu, ảnh hưởng thị trường cũng như chính sách kinh tế thì theo tôi, giá bình quân hợp lý là 110.000 đồng/CP, dao động 20% trên giá khởi điểm. Nếu giá đấu bình quân là 200.000 đồng/CP thì quá cao, đối tác nước ngoài khó có thể chấp nhận được.

* IPO Vietcombank sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán (TTCK)?

- Ông Phan Phương Anh, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Hà Nội: Theo tôi, dù giá đấu của VCB là bao nhiêu đi nữa thì nó cũng góp phần tạo ra một mặt bằng giá mới cho các CP ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của IPO Vietcombank đối với TTCK trong bối cảnh hiện nay sẽ là không lớn.

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Công bố kết quả đấu giá có ảnh hưởng đến thị trường nhưng không nhiều lắm. Có chăng chỉ có yếu tố các NĐT phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình vì số vốn đổ vào đấu giá VCB khá lớn.

Nếu VCB chọn được nhà đầu tư chiến lược thì tôi nghĩ kết quả đấu giá lần này sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn vì một số quỹ, cũng như tổ chức nước ngoài đã dành một số tiền để tham gia vào đợt đấu giá VCB này.

- Ông Lâm Minh Chánh: Sau đợt IPO này của VCB, theo tôi, thị trường sẽ khởi sắc hơn. IPO này chắc chắn có tác động đến thị trường, và tôi nghĩ tác động này là tích cực.

* Tại sao lại có chuyện VCB để Nhà nước giữ 70% thặng dư, khoản này phải giữ lại cho VCB chứ?

- Ông Phan Phương Anh: Việc Nhà nước quyết định tỷ lệ thặng dư vốn cổ phần giữ lại tại VCB 30% hoặc hơn nữa thực sự là một vấn đề mà các NĐT quan tâm bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến việc định giá CP VCB. Theo quan điểm cá nhân tôi, số cổ phần mang đấu giá thực chất là phát hành mới chứ không phải bán phần vốn hiện có của Nhà nước.

* Có ý kiến cho rằng, TTCK đang bị NĐT nước ngoài đè giá để có thể mua được CP của VCB với giá thấp? Các chuyên gia nhìn nhận như thế nào về ý kiến này?

- Ông Phan Phương Anh: Tôi không đồng ý với quan điểm này. Thực tế cũng có khá nhiều NĐT nước ngoài bị thua lỗ trong năm 2007 vừa qua. Ngoài ra, các NĐT nước ngoài chỉ nắm khoảng 20 - 30% tổng giá trị đầu tư tại TTCK Việt Nam cho nên sẽ rất khó để họ có thể chi phối giá thị trường.

* Tình hình TTCK những ngày qua suy giảm liên tục có phải do các tổ chức tài chính đầu tư vào các công ty bán ra, vừa để hiện thực hóa lợi nhuận vừa để mua được VCB với giá hời? Các NĐT nhỏ nên làm như thế nào?

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Theo đánh giá của tôi, về trung hạn thị trường vẫn tốt nên trong việc đánh giá cơ hội đầu tư, NĐT cần bình tĩnh và phải xem xét trên nhiều yếu tố, ví dụ đầu tư vào doanh nghiệp thì cần chú ý đến phân tích cơ bản. NĐT nhỏ nên tham khảo các ý kiến tư vấn để cơ cấu danh mục của mình, tránh việc chạy theo các xu hướng biến động ngắn hạn trên thị trường mà bỏ qua yếu tố nội tại. Tôi cho rằng vẫn nên chọn số lượng CP nhỏ mà mình ưa thích để có thể theo dõi được, và phải được đảm bảo bằng chỉ số tài chính lành mạnh.

- Ông Phan Phương Anh: Quan điểm cá nhân tôi thì không phải như vậy. Chúng tôi cũng đã hiện thực hóa lợi nhuận từ đợt sốt nóng của thị trường và chúng tôi cũng như những quỹ đầu tư khác đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt IPO này. Đối với các NĐT nhỏ, tôi nghĩ rằng không nên quá đặt mục tiêu vào việc mua được VCB.

* Cơ sở nào để so sánh giá của VCB và ACB, STB?

- Ông Hoàng Anh Tuấn: Cơ sở chính là so sánh ngành, về mặt định tính thì VCB có những lợi thế về thương hiệu, thị phần thanh toán, xuất nhập khẩu, dịch vụ thẻ, quản lý và công nghệ. Tuy nhiên hai ngân hàng đang niêm yết lại có lợi thế về mảng đầu tư và tín dụng tiêu dùng, và sự năng động vì đã cổ phần hóa nhiều năm.

Về mặt định lượng, so sánh thông qua các chỉ số P/E thì P/E của VCB với lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2007 là 1.500 tỉ, ước tính 2007 là 2.200 tỉ, với tốc độ tăng trưởng cho là 50% năm thì 2008 cũng chỉ có lợi nhuận là 3.300 tỉ, như vậy EPS tương ứng 2008 là 2.200 đồng/CP. Như vậy, nếu tính với giá khởi điểm 100.000 đồng/CP thì P/E là 45 mà đây là P/E của tương lai 2008 chứ không phải hiện tại, như vậy là tương đối cao so với ACB và STB (khoảng 27 và 25).

- Ông Phan Phương Anh: Nếu để nói thật sự cụ thể và chi tiết thì thời gian của buổi giao lưu là quá ngắn. Ở đây, tôi chỉ nêu lên một số chỉ tiêu cơ bản để bạn tham khảo. Tốc độ tăng trưởng và chỉ tiêu tài chính của ACB và STB là tốt hơn VCB (theo công bố thông tin). Động lực làm việc, chế độ đãi ngộ của ACB, STB là tốt hơn hẳn so với VCB. Tuy nhiên, VCB hiện đã có quy mô lớn hơn, lịch sử hoạt động lớn hơn và ít nhiều, tâm lý là ngân hàng thương mại quốc doanh vẫn có ảnh hưởng tích cực hơn đến tâm lý khách hàng.

Tôi nghĩ rằng, IPO VCB là một đợt IPO đáng được quan tâm vì IPO các ngân hàng lớn luôn là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Nhưng tôi cũng đồng quan điểm là TTCK sẽ không bị tác động nhiều sau đợt IPO này.

Mạnh Quân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.