Phía sau những bản báo cáo "đẹp"

21/10/2007 23:35 GMT+7

Báo cáo ở đây là báo cáo tài chính của các công ty niêm yết. Từ quý 3 đến cuối năm là khoảng thời gian dồn "sức nặng" hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các công ty niêm yết. Và thông thường đây cũng là thời đoạn thị trường chứng khoán sôi động nhất.

Vì vậy, không chỉ có kết quả kinh doanh của công ty tác động đến thị trường cổ phiếu mà chính thị trường cũng là nhân tố quan trọng để nhiều báo cáo trở nên "đẹp" hơn.

Báo cáo tài chính gồm các "món": bản cân đối kế toán, kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh. Qua các con số đó, công ty báo cáo với cổ đông về doanh thu, chi phí, lợi nhuận, thay đổi tổng giá trị tài sản, các khoản đầu tư… Tựu trung, qua các món dọn lên mâm, cổ đông sẽ biết được lời lỗ của công ty trong quý mới nhất, so với khoảng thời gian tương ứng trước đó.

Trong kế toán, lời lỗ ngắn hạn trong nhiều trường hợp là thuộc về kỹ thuật (tức phương pháp tính). Dù đã cổ phần hóa, vẫn không loại trừ chuyện công ty thiết lập hai hệ thống sổ sách, một công khai, một bí mật. Có không ít báo cáo tài chính được lập ra chỉ chủ yếu để đối phó với thuế và làm hài lòng cổ đông. "Làm xiếc" với các con số không phải là không thể. Chỉ một nhóm lãnh đạo công ty và cổ đông lớn biết được thực chất. Đa số cổ đông nhỏ không có cơ hội tiếp cận với sự xác thực của các con số.

Lấy ví dụ hay gặp nhất: công ty mẹ mở công ty con rồi đưa công ty con lên sàn niêm yết. Khi "chế tạo" báo cáo tài chính, lợi nhuận đổ hết vào công ty con; chi phí thì công ty mẹ chịu cả. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thấy công ty con làm ăn hiệu quả thì đổ xô vào mua. Giá cổ phiếu công ty con tăng vù vù. Công ty mẹ lẳng lặng lấy khoản chênh lệch do bán cổ phiếu bù vào khoản chi phí. Mặt khác, trong cùng hệ thống, các công ty con bán lòng vòng sản phẩm cho nhau rồi ghi vào doanh thu. Để cùng lúc có thể "bắn mấy con chim", báo cáo kết quả kinh doanh của cả "mẹ" lẫn "con" đều đẹp, với doanh thu và lãi cao.

Một khoản "lãi" lớn nữa là thặng dư do phát hành cổ phiếu tăng vốn. Chiêu bài phát hành cổ phiếu tăng vốn được không ít công ty sử dụng đúng vào thời điểm thị trường tăng nhiệt. Trong khi đó, có những công ty tăng vốn theo phong trào để kiếm lợi trước mắt, chứ không có kế hoạch để sử dụng khoản thặng dư nói trên. Vốn chủ sở hữu tăng quá nhanh, lợi nhuận khó mà theo kịp. Như vậy hiệu quả sử dụng vốn của công ty giảm.

Khoản lãi đó một phần được biến báo để chi trả cho cổ đông. Đó là cái hay được gọi là "lấy mỡ nó rán nó", lấy tiền của cổ đông trả cho cổ đông, không phản ánh thực chất hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Cái lợi ngắn hạn đã đè bẹp lợi ích dài hạn, bền vững.

Ngay báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2007 của một số công ty cho thấy khoản lãi quyết định đến từ kinh doanh cổ phiếu. Lãi cao chót vót, nhưng hoạt động kinh doanh chính của công ty chỉ là danh nghĩa. Cái lợi ăn xổi là điều đáng lo ngại chứ không đáng hồ hởi.

Minh bạch kế toán và minh bạch thông tin là nguyên tắc cơ bản trong hành xử, hoạt động của công ty niêm yết. Tuy nhiên, không quá lời khi nói rằng nguyên tắc bắt buộc đó vẫn còn là một "mức xà" quá cao đối với nhiều công ty ở xứ ta. Trên cái nền tranh tối tranh sáng ấy, các bản báo cáo đẹp không thực sẽ làm cho thị trường xấu thực. Vấn đề "bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ" bị phớt lờ.

Ở các nước thị trường chứng khoán đã phát triển, hành vi che giấu thông tin sẽ bị phạt nặng, thậm chí đi tù. Chuyện đi tù vì che giấu thông tin của công ty niêm yết ở thị trường Việt Nam có lẽ còn ở thì tương lai, khi pháp luật chứng khoán phát triển hơn. Còn với những vi phạm bị phát hiện thời gian qua, mức phạt không mang tính răn đe. Vài chục triệu đồng tiền phạt không thấm tháp gì so với khoản lợi hàng tỉ, nhiều tỉ đồng từ chuyện làm xiếc thông tin. Làm sai để bị phạt vẫn có lợi hơn là làm đúng! Thật nghịch lý.

Nghịch lý sẽ kéo dài đến khi nào?

Vũ Thượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.