Mưa đá sẽ “chuyển dịch” vào Nam?

26/11/2006 15:17 GMT+7

Tuần qua, nhiều trận mưa đá liên tục gieo tai họa một số tỉnh, thành miền Bắc gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh. Đặc biệt, sáng 21/11, một cơn dông kèm theo gió lốc và mưa đá đã bất ngờ đổ xuống TP Hạ Long khiến các hoạt động của thành phố gần như bị tê liệt trong nhiều giờ.

Thông tin ban đầu cho biết đã có ít nhất 14 người thiệt mạng, 3 người mất tích và hơn 50 người bị thương, nhiều tài sản, cửa hàng đã bị phá hủy... Liệu những cơn mưa đá này sẽ “chuyển” dịch vào Nam? Nó liên quan gì không với hiện tượng El Nino đã được các cơ quan khí tượng thế giới và VN báo động?

Cảnh giác với mây đen hình bầu vú

Cùng ngày 21/11, khi được tin này, Tiến sĩ Khí tượng và Môi trường Trần Tiễn Khanh (Mỹ), khá bất ngờ vì theo ông: “Mưa đá chỉ thường xảy ra lúc có mưa giông, sấm sét ở miền núi, khi hơi nước bốc lên cao gặp không khí lạnh đông lại thành đá. Và mưa đá chỉ xảy ra bất chợt trong một vùng nhỏ nên thường không có dự báo trước”. Nhận xét này tương tự một tài liệu về mưa đá của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây giông gây ra.

Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 đến 10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 đến 30 phút. Trong cơn dông mưa đá thường kèm theo gió rất mạnh, có khi là gió lốc kèm theo mưa đá, sức tàn phá hết sức khủng khiếp do gió mạnh và xoáy gây ra. Ngoài gió rất mạnh ra thì bản thân những hòn mưa đá cũng có khi gây ra đổ nhà, tàn phá cây cối, thậm chí chết người. Vì vậy mưa đá được xếp vào những hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Khi thấy mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi giông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì mọi người hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi, có thể mưa đá đã kéo đến”.

Mưa đá sẽ diễn ra ở phía Nam?

Hiện tượng này từng diễn ra hồi các tháng đầu năm 2001 ở một số tỉnh thành, miền Bắc như Lào Cai, Sơn La với những hạt mưa to khoảng 5cm - 10cm, thậm chí có hạt được mô tả "to bằng quả trứng gà" làm chết gia cầm, tốc mái, hư hại nhà cửa, vườn tược.

Khoảng giữa tháng 4/2001, lốc xoáy "chuyển" vào miền Trung mang theo mưa đá xuống huyện miền núi Phước Sơn, Trà My, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) và huyện Củ Chi (TP.HCM) với những hạt "to bằng đầu ngón tay" gom thành đống. Đến năm 2002, sau khi quần thảo tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ rồi Sơn La, Yên Bái làm chết và bị thương hàng chục người, đến tối 18/4/2002, mưa dông kèm theo lốc và mưa đá kèm gió giật cấp 5 đến cấp 6 đã theo nhau “kéo” vào tận Tà Lài (Đồng Nai), Thủ Đức (TP.HCM). Thậm chí trước đó, tối ngày 10/4/2002 mưa đá đã làm cho hơn 300 căn hộ tại ấp 1, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) bị tốc mái và hư hại nặng.

Hai năm sau, ngày 29/5/2004, một cơn mưa đá kèm gió lốc mạnh đã bất ngờ xảy ra và kéo dài hơn một giờ tại Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Lốc lớn đã làm đổ sập hoàn toàn 25 căn nhà, làm tốc mái hơn 950 căn nhà khác và 9 phòng học, gây ngã đổ 200 ha bắp, bông vải và cây ăn trái. Trong cơn lốc, một cháu bé 7 tuổi đã chết do cây ngã đè lên người và 6 người khác bị thương. Chỉ 3 ngày sau, từ 14 giờ đến 15 giờ 30 ngày 31/5/04, tại địa bàn phường Phước Thới (Ô Môn, TP Cần Thơ) đã xuất hiện một cơn giông và lốc lớn. Cùng lúc đã xuất hiện mưa đá với những hạt mưa cứng và lớn cỡ gấp đôi hạt bắp. Do kích cỡ nhỏ và xuất hiện trong thời gian ngắn nên trận mưa đá này không gây thiệt hại cho hoa màu, nhà cửa.

Như vậy, các trận mưa đá và gió lốc tuần tự xảy ra từ Bắc vào Nam là không lạ, chỉ lạ chăng khi chúng xảy ra vào thời điểm không phải mùa Hè, lại kéo dài hơn bình thường và kích cỡ hạt đá to hơn những mùa mưa đá các năm trước, trông tương tự những viên mưa đá đã được một người Pháp chụp hình tại Lạng Sơn hồi 30/4/1907. Điều đáng lo hơn, hiện tượng thời tiết nguy hiểm này chưa có dấu hiệu dừng lại, do trời mùa Đông mà nhiều nơi tăng cường nắng nóng, lượng hơi nước bốc lên cao rồi ngưng tụ rất nhiều. Phải chăng đây là hệ quả từ ảnh hưởng El Nino đang ngày càng rõ?

Mưa đá trong lịch sử

Ở VN, từ nghìn năm trước, mưa đá được các sử gia nước ta ghi nhận cạnh các biến động bất ngờ của thiên nhiên như động đất, núi lở, cửa biển bị lấp. Theo sử liệu, thời nhà Đinh, năm Mậu Dần (978), sau động đất tháng giêng, tiếp đến mưa đá tháng hai và hạn khô vào tháng sáu. Người xưa cho chúng là "điềm" báo nhưng với các nhà khoa học ngày nay, chúng xảy đến tự nhiên theo qui trình biến hóa của "tứ đại". Như mưa đá do hơi nước theo lốc mạnh bốc lên đến độ cao bốn, năm nghìn thước đông cứng thành "hạt tuyết", những "hạt tuyết" ban đầu ấy tiếp tục lớn dần trong cuộc du hành và rơi xuống thành mưa đá. Chúng "lớn dần" do được nhiều lớp hơi nước đông lạnh khác bồi đắp, có hạt đến bốn, năm chục lớp có thể nặng hàng ký lô.

Ở nước ta, mưa đá lớn được ghi nhận ở đời Trần nhằm tháng bảy năm Kỷ Dậu (1249). Năm đó cũng có nhật thực vào mùa hạ và tháng tư nhà vua xuống lệnh đại xá. Sang năm Quí Hợi (1263) tháng hai mưa đá, tháng ba sét đánh điện Thiên An. Trận mưa đá lớn khác xảy ra các năm Quí Mùi (1283), Mậu Thìn (1448), Canh Tý (1480). Thường các trận mưa đá xảy ra đều sau những con giông gió nổi trời.


Mưa đá tại Lạng Sơn 30/04/1907

Theo tài liệu để lại, trận mưa đá lớn nhất ở nước ta trút xuống Hà Giang đêm 12/4/1960 trên diện tích khoảng 120 km2 suốt 10 phút, phủ một lớp dày 10cm, các hạt đá có đường kính từ 3cm đến 30cm. Những đống "hạt đá" đóng cứng ngoài đường phải mất hai ngày sau mới tan hết. Dưới hố sâu mưa đá tích tụ cả thước phải ngót tuần mới tan. Một tác giả đã thuật lại núi rừng, cây cối sau trận mưa đá trên bị tàn phá tan hoang và "chim chóc thú rừng chết thối khắp nơi, quang cảnh giống như một vùng bị bom đạn tàn phá nặng nề".

 

Mưa đá trên toàn thế giới

Trong lịch sử thế giới, những hạt mưa đá rơi tại Mỹ năm 1973 cân nặng từ 1,5kg đến 2kg. Thuộc hạng vô địch là hạt nặng 4,3 kg rơi tại Trung Quốc, Với trọng lượng và tác động bất ngờ, mưa đá không chỉ đe doạ tính mạng con người và hoa màu dưới đất, mà còn uy hiếp các máy bay đang bay trên trời. Một máy bay hành khách gặp mưa đá ngày 4/4/1977 đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống đường cao tốc ở New Hope (Mỹ) gây thiệt mạng 68 người.

Hiện nay, với hiện tượng ENSO (bao gồm El Nino, La Nina) được dự báo sắp diễn ra thì không chỉ VN hứng chịu những loại hình thời tiết nguy hiểm, bất thường. Mới đây, gió bão, tuyết và mưa đá đã gây nhiều thiệt hại tại Bắc u. Bản tin của Tổ chức Khí tượng Thế giới  ngày 2/11/06 cho biết: Một giàn khoan dầu với 75 người ở trên đó đã bị trôi giạt trên biển Bắc cách xa bờ sau khi một cơn bão làm đứt các dây cáp nối liền giàn khoan với các tàu kéo đang đưa nó về Ba Lan để bảo trì.

Một tàu Thụy Điển với 14 người trên tàu cũng gặp tình trạng nguy hiểm trong vùng biển Baltic. Đến 21/11/06, mưa lớn gây ngập lụt ở Srilanka. Theo Trung tâm Quản lý Thảm họa Quốc gia Srilanka, đã có ít nhất 45 người chết và 91.000 gia đình bị lũ lụt cô lập do hệ thống giao thông bị chia cắt nhiều ngày liền. Mưa to đến gần 150mm suốt 24 giờ đồng hồ ngày chủ nhật 19/11/06 ở thủ đô Colombo. Trước đó 2 tuần, vòi rồng (tornado) giết chết ít nhất 9 công nhân ở Hokkaido (Nhật bản) và làm bị thương 15 người. Trước đó, hồi tháng 9/06, đã có 3 người thiệt mạng cũng do vòi rồng ở đảo Kyushu.

Đặng Ngọc Khoa (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.