Ôi, đừng hát những bài ca đáng sợ ấy... (*)

25/11/2007 23:30 GMT+7

Lần đầu tiên, tác phẩm của hai nhà thơ vĩ đại trong "thế kỷ vàng" của thơ Nga - Aleksandr Blok (1880-1921) và Fedor Ivanovits Chiutchev (1803-1873), đến với độc giả Việt Nam.

Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây đã công bố bản dịch Thơ trữ tình Aleksandr Blok của nhà giáo Nguyễn Xuân Hòa. Trước đó, bản dịch Thơ Fedor Chiutchev của Thúy Toàn cũng ra mắt độc giả.

Cả hai - Fedor Chiutchev và Aleksandr Blok đều là những cây bút trữ tình kiệt xuất. Tên tuổi Chiutchev được đặt bên cạnh những A.Puskin, Baratunxki, Lermontov, Nekraxov..., thậm chí Chiutchev còn được coi là người thay thế Puskin trên thi đàn Nga.

"Ôi, đừng hát những bài ca đáng sợ ấy/ Về cái hỗn mang cổ xưa, cái hỗn mang thân thuộc.../ Ôi, đừng đánh thức giông bão vừa ngủ yên/ Dưới chúng hỗn mang đương cựa quậy". Hỗn mang, tức là bản thân cái xấu xí, là cái phông thiết yếu cho mọi sự đẹp đẽ trên trần gian. Vẻ đẹp kỳ vĩ của những cơn giông hè, cũng như của biển động, phụ thuộc vào cái hỗn mang đang cựa quậy và vào cường độ được kích thích của các sức mạnh tự nhiên đương tranh chấp cái thắng lợi cuối cùng của trật tự thế giới tươi sáng... Thơ Chiutchev không hề đơn điệu và đơn giản. Chiutchev phát triển tính triết lý vốn có trong thơ Nga thế kỷ XVIII trước đó và biến nó thành một dòng mạch mạnh mẽ, với chiều sâu của suy tư, sự trau chuốt của ngôn từ, cùng những hình tượng ẩn dụ, so sánh độc đáo...

Với độc giả Nga, thơ Chiutchev không đến nỗi "bí hiểm", nhưng để dịch sang ngôn ngữ khác lại là một chuyện không dễ dàng. Bản dịch thơ Chiutchev của dịch giả Thúy Toàn hoàn toàn chuẩn xác về mặt ngữ pháp, văn phạm, song không tránh khỏi những đoạn, những chỗ phải "diễn nôm", kiểu như: "Mặc cây tùng, cây bách/ Sừng sững suốt mùa đông/ Thu lu trong bão tuyết/ Cứ say sưa giấc nồng/Lá cứ xanh mốc xỉn/ Khác nào lông nhím rừng/ Dù suốt đời không úa/ Suốt đời chẳng tươi hơn/ Lũ chúng tôi, phận mỏng/ Nương nhờ trên tán cành/ Chỉ một thời gian ngắn/ Cứ phương trưởng, lung linh/ Suốt mùa hè rực rỡ/ Khoe sắc đẹp của mình/ Ngày vui đùa cùng nắng/ Tắm mát trong sương đêm".

Còn Aleksandr Blok, sáng tác của ông là một trong những hiện tượng xuất sắc nhất của thơ ca Nga nửa cuối thế kỷ XIX cùng với những tên tuổi như Anna Akhmatova, Chiutchev. Mảng thơ trữ tình Blok chiếm vị trí nổi bật trong đời sống thơ ca Nga cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nhất là trong phái trẻ tượng trưng. Vì thế, muốn dịch thơ Blok, người dịch phải am hiểu nội hàm triết học, mỹ học của phái tượng trưng - vốn chẳng hề đơn giản, vì là những ký hiệu chứa tính đa nghĩa, còn ở cấp độ thấp hơn thì nó là một dạng chuyển nghĩa tương tự như phúng dụ (khi kết hợp hai bình diện: nội dung "vật thể" và nghĩa bóng của nó sẽ tạo thành đối sánh tượng trưng). Đấy là chưa kể, sáng tác của Blok đậm chất lãng mạn thần bí do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nhà thơ và nhà triết học duy tâm Vladimir Soloviev - người cổ vũ nhiệt tình cho tính Nữ vĩnh hằng và thuyết Thần - Nhân luận. Thế nhưng, không phải dịch giả nào cũng "tiêu hóa" được triết học Soloviev bởi tính phức tạp của nó...

Nỗ lực để đưa Chiutchev và Blok đến với độc giả Việt Nam của Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây là đáng được chia sẻ. Chỉ có điều, nói theo nhà triết học Nga Soloviev, cái đẹp hoàn hảo không chỉ như là sự phản chiếu từ bề mặt của vật chất (ngôn ngữ). "Thổi" được tinh - khí - thần vào cái xác ngôn ngữ hoàn toàn không phải là việc đơn giản...

(*) Thơ Chiutchev

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.