Người "buôn tiền" trở thành bộ trưởng - Kỳ 7: Lấy thực học thay bằng cấp

10/10/2006 22:54 GMT+7

Khi từ Campuchia về Sài Gòn ngày 13/4/1970, bà Trần Ngọc Điệp, vợ ông Ba Châu cùng đi với một Việt kiều khác cũng là cơ sở cách mạng, đó là bà Nguyễn Thị Kim (Hai Minh). Bà Hai Minh có mẹ là bà Lê Thị Nghĩa, ở 36 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Trong những người con của bà Nghĩa có ca sĩ Duy Mỹ.

Ban đầu bà Điệp đến ở nhà bà Nghĩa, sau đến ở nhà ca sĩ Duy Mỹ trên đường Phạm Viết Chánh. Bà Nghĩa rất tận tình giúp đỡ bà Điệp, vợ chồng ca sĩ Duy Mỹ cũng tận tình không kém. Hồi đó nhóm Tam Ca của Duy Mỹ được nhiều người biết, ông Duy Mỹ có quan hệ rộng, nên bà Điệp có một chỗ dựa rất an toàn. Dựa vào gia đình này, bà Điệp hợp thức hóa giấy tờ tùy thân, tìm việc làm sinh sống để nuôi con và chuẩn bị đón chồng.

Sau khi có căn cước thật, ông Ba Châu về Sài Gòn, lại đoàn tụ với vợ. Bà Lê Thị Nghĩa nhận ông làm con nuôi và ông đăng ký cư trú tại 36 Phạm Ngũ Lão. Sau đó, ông "cắt hộ khẩu" (hồi đó gọi là "tờ khai gia đình") ra Đà Nẵng. Chỉ chuyển thủ tục thôi, còn người vẫn ở Sài Gòn, thủ tục này do ca sĩ Duy Mỹ nhờ người làm giúp. Một thời gian sau, vợ chồng ông chuyển chỗ ở đến đường Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự), sau đó nữa về Chợ Lớn...

Tôi hỏi ông "cắt hộ khẩu" ra Đà Nẵng để làm gì, ông cười: "Nếu phát hiện ra điều gì thì địch sẽ lần theo những nơi mình từng cư trú để truy tìm. Tôi phải đề phòng tình huống xấu nhất, địch lần đến đây thì phải ra miền Trung tìm. Còn tại Sài Gòn tôi chuyển chỗ ở đến đường Minh Mạng, khi đăng ký tạm trú ở đó thì nói chuyển từ Phạm Ngũ Lão sang. Chính quyền ở Minh Mạng biết tôi từ Phạm Ngũ Lão đến, còn chính quyền ở Phạm Ngũ Lão thì chỉ biết tôi ra miền Trung. Nếu bọn họ truy tìm, tìm đến Phạm Ngũ Lão thì hết tìm được, nếu có ra miền Trung thì ở đó không ai biết tôi đi đâu nữa. Sau này khi đã làm việc ở ngân hàng, có nhà ở Chợ Lớn, tôi đăng ký tờ khai gia đình tại đó, do ông Duy Mỹ quen biết với phường trưởng nên mọi thứ an toàn không lo lắng gì nữa".

Đến Sài Gòn, vừa giải quyết các thủ tục giấy tờ, vừa liên lạc với các đầu mối để bắt tay tổ chức lại mạng lưới, ông Ba Châu vừa đi làm kế toán cho một số công ty xuất nhập cảng. Ông nói phải có việc làm ngay mới có thể tính kế lâu dài, nếu không có việc làm thì rất dễ bị nghi.

Theo chỉ đạo của ông Phạm Hùng, kế hoạch vào Sài Gòn của ông Ba Châu có thể đi theo một trong ba hướng: Một là lập một ngân hàng, tiền cách mạng sẽ bỏ ra. Hai, hùn vốn vào một ngân hàng nào đó thích hợp nhất. Ba, vào làm việc tại một ngân hàng để "làm bình phong". Sau một thời gian khảo sát trực tiếp và thông qua đường dây tình báo kinh tế do ông Mười Tiến phụ trách cung cấp tin tức, ông Ba Châu thấy không nên lập ngân hàng riêng, cũng không nên hùn vốn vào ngân hàng khác. Vì thời điểm đó viện trợ của Mỹ cho miền Nam đã giảm nhiều, kinh tế đang suy yếu trong khi các ngân hàng đã mở ra quá nhiều, kinh doanh không có lãi. Ông báo cáo về Trung ương Cục tình hình đó và đề nghị cấp trên chấp thuận cho ông "vào làm trong ngân hàng của nó". Trung ương Cục chấp thuận.

Hồi đó đi làm ngân hàng "sang như quý tộc", lương rất cao. Ông tuy tốt nghiệp đại học, nhưng là đại học ở Liên Xô, ở đây coi như không có bằng cấp. Không bằng cấp, không thân thế, làm sao ông có thể chen chân vào được ? Khó khăn, nhưng tin vào trình độ thực học của mình, ông không nản chí. Ông đăng ký học một lớp nghiệp vụ ngắn hạn do Ngân hàng quốc gia mở. Học 6 tháng được cấp chứng chỉ, ông nộp đơn thi vào Ngân hàng Việt Nam thương tín. Đây là một ngân hàng lớn, trên 90% vốn của Nhà nước. Và ông đã thi đậu vào ngân hàng này. Vào được đây là "bề thế" nhất.

Thi đậu, nhưng đến khi bố trí công việc, người ta phân công ông làm ở... quầy tiếp khách. Ông quá thất vọng. Làm một công việc "không có tương lai" như vậy, lại cột chân ngày 8 tiếng, làm sao ông có thể "cựa quậy" gì được nữa. Ông đành bỏ không đi làm. Phải tìm một ngân hàng khác, nhỏ hơn. Ông thi vào Ngân hàng Sài Gòn tín dụng. Lại thi đậu. Có lẽ ở những tổ chức kinh tế hồi đó người ta cần thực học chứ không cần bằng cấp, nên ông mới trúng tuyển. Lần này ông được bố trí làm thư ký Hội đồng quản trị. Vị trí đó là "quá được". Ông tìm hiểu thấy Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn tín dụng "không phải là người xấu", là người Hoa, học ở Pháp về, có người bên vợ theo cách mạng, nên có cảm tình với kháng chiến, ông thấy rất dễ chịu. Và ông đã làm việc rất tốt. Một thời gian người ta thấy ông có năng lực, bố trí ông vào bộ phận đi mở chi nhánh tại các địa phương, sau đó đề bạt ông lên hàng giám đốc, phụ trách "sở chi nhánh" của ngân hàng này.

Việc làm tại ngân hàng đã tạo điều kiện rất nhiều để ông làm công việc chính của mình tại Sài Gòn. Ông thường đi lại Sài Gòn - Cần Thơ, Mỹ Tho, Gò Công, Ban Mê Thuột... tạo thế rất thuận lợi cho ông. Thỉnh thoảng ông về căn cứ, thậm chí khi ông Mười Phi ra Bắc ông còn về "thay thế ông Mười Phi suốt hai tháng" mà không ai để ý nghi ngờ gì.

Từ 1970 đến 1975, khi ông Ba Châu có chân đứng vững chắc giữa Sài Gòn, dòng đô la Mỹ biến hóa thành tiền Sài Gòn chuyển vào chiến trường nhiều nhất, nhanh nhất và có hiệu quả nhất...

(Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.