Đào tạo nghề đang làm theo quy trình ngược

17/11/2009 15:34 GMT+7

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của QH vừa hoàn tất báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.

Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban, đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh những vấn đề liên quan đến quá trình đào tạo nghề cho thanh niên. Bà Minh nói:

- Mặc dù Chính phủ đã đầu tư nhiều hơn so với giai đoạn trước, các cơ sở đào tạo nghề nhiều hơn, thu hút người học hơn, tuy nhiên đào tạo ngắn hạn còn chiếm tỷ lệ quá lớn, trên 70%, trong khi đào tạo nghề dài hạn còn rất hạn chế. Điều đáng nói là đào tạo nghề đang theo quy trình ngược, tức là trường có gì đào tạo nấy thay vì đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chính phủ hỗ trợ đào tạo nghề nhưng vẫn phân theo chỉ tiêu tuyển sinh, cũng chưa quan tâm đến đầu ra nhiều, đào tạo nghề chưa gắn với tạo việc làm.

 

Bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban

 * Theo bà, Chính phủ cần làm gì để doanh nghiệp và nhà trường bắt tay nhau dễ dàng hơn và chặt hơn?

- Chính phủ chỉ cần chuyển một bước thì xã hội sẽ thay đổi. Ví dụ, hiện nay Chính phủ hỗ trợ cho các trường nghề dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm để phân kinh phí. Bây giờ Chính phủ chỉ nên tạm ứng kinh phí, chỉ đến khi học viên học ra có việc làm, Chính phủ mới quyết toán. Làm như hiện nay, Chính phủ cho tiền cơ sở đào tạo nghề ngay từ đầu, không quan tâm người học ra trường có việc làm hay không thì bản thân các trường cũng không phải lo về đầu ra cho học viên. Họ chưa thấy cấp thiết để đầu tư đổi mới chương trình, theo dõi học sinh từ khi nhập trường đến khi ra trường. Thậm chí ngay khi nhận hồ sơ các trường phải xem xét điều kiện của học viên để tư vấn cho em đó ra trường có thể làm được gì, cơ hội xin việc vào đâu, họ có vốn thế nào, có thể mở doanh nghiệp riêng không...? Nếu Chính phủ vừa có ràng buộc như vậy, vừa có chính sách nới rộng đối tượng cho học viên vay vốn học nghề thì các trường mới thấy trách nhiệm của mình, người học cũng yên tâm vay tiền để học tại các trường nghề chất lượng cao.

* Có tâm lý hiện nay là nhiều học sinh THPT vẫn muốn lao vào đại học thay vì đi học nghề, dù họ khó lòng thi đỗ hoặc học xong ĐH không biết làm gì. Làm thế nào để thay đổi tâm lý này, thưa bà?

- Những trường nghề phải đổi mới từ bản thân họ, phải cam kết với người học là khi học xong sẽ có việc làm. Trường nghề phải tạo thương hiệu đã. Chính phủ cũng cần chọn ra các cơ sở đào tạo nghề tốt và có cơ chế bảo đảm: nếu học viên học những trường trong danh sách đã chọn (học xong ra trường đảm bảo sẽ có việc làm với mức thu nhập công khai từ trước), Chính phủ sẽ cho người học vay tiền, sau đó trừ dần vào lương người vay. Nếu có Chính phủ đứng ra bảo đảm và cho vay thì thanh niên sẽ vào học nghề. Hiện nay thanh niên chưa dám bỏ tiền để đầu tư học nghề dài hạn, vì họ còn băn khoăn, họ chưa tin là học xong sẽ có việc làm tốt. Tôi được biết Chính phủ cũng đang có kế hoạch lựa chọn 10 trường nghề tiêu biểu để thí điểm làm theo cách trên.

* Theo bà, chúng ta phải làm gì để thúc đẩy xuất khẩu lao động có tay nghề và thu nhập cao?

- Tiềm năng xuất khẩu lao động rất lớn, nhưng đến nay ta vẫn chưa phát triển có chiều sâu, khâu đào tạo vẫn chưa tốt. Chúng ta nên ưu tiên đào tạo những ngành nghề kỹ thuật cao để đưa sang làm việc tại môi trường chuyên nghiệp ở Nhật, Hàn Quốc... Điều này không chỉ mang lại lợi ích về đồng lương mà xa hơn là khi họ trở về, đất nước sẽ có một nguồn lao động chất lượng cao, tay nghề khá, có kỷ luật tốt để phục vụ cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Ví dụ, các công nhân từng làm việc ở Nhật sẽ rất phù hợp cho các công ty Nhật đang làm ăn ở Việt Nam. Nhưng đi nhiều trường nghề, chúng tôi thấy sự chuyển mình còn hơi chậm, chưa theo kịp nhu cầu. Trong đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy thực hành của mình còn quá yếu.

* Là người theo dõi lĩnh vực việc làm, thanh niên, theo bà, trong tương lai gần ngành nào sẽ có triển vọng tại Việt Nam?

- Với thanh niên nông thôn, xu hướng mở trang trại, xưởng sản xuất tại chỗ đang và sẽ tiếp tục có triển vọng, vì họ có đất, có nhân lực, giờ chỉ thiếu kiến thức quản lý và vốn. Ngoài ra, những ngành nghề như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử viễn thông, lắp ráp, sửa chữa máy móc kỹ thuật cao cũng sẽ tiếp tục phát triển mạnh cùng với quá trình công nghiệp hóa, toàn cầu hóa.

Káp Thành Long
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.