Nhạc sĩ Vũ Quốc Việt: Tôi mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ

09/12/2005 16:33 GMT+7

Từ khi album Bình thường thôi với 14 ca khúc "tự biên tự diễn" được phát hành, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt bỗng trở nên đắt show... ca sĩ! Cũng với sự xuất hiện khá liên tục trong các chương trình ca nhạc truyền hình, anh còn được nhiều nơi mời hát.

Vừa hát, anh vừa tự đệm đàn, khi với piano, lúc với guitar, khi hứng lên còn đeo cả cây melodion. Nhưng mấy ai biết, để mọi cái trở nên "bình thường" như hôm nay, Vũ Quốc Việt đã trải qua một chặng đường khá dài không "bình thường", nếu suy luận theo logic thông thường...

* Anh có thể cho bạn đọc nghe về điều không bình thường đầu tiên trong cuộc đời anh là gì?

- NS Vũ Quốc Việt: Đó là khi tôi bị tai nạn giao thông, đang đi bỗng bị một chiếc xe máy ở đâu lao đến đâm sầm vào người. Tôi té một cái rầm và hôn mê đến... 2 tháng ! Lúc ấy, tôi đang là học sinh lớp 9 chuyên văn cua tỉnh Phú Yên. Khi tỉnh dậy, việc học bị trễ tràng, tôi loay hoay không biết làm gì với cái tuổi 15. Tôi là con út, trên tôi có 5 anh chị. Ba mẹ tôi lúc đó cũng đã lớn tuổi. Khi ấy cuộc sống ở Phú Yên quê tôi quá khó khăn, muốn vươn lên cũng không biết bám vào đâu. Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên quyết định bỏ xứ vào TP.HCM, với niềm tin rằng nơi đây sẽ cho mình cơ hội. Nhét vội bộ đồ vào cái ba lô sờn cũ, tôi ra quốc lộ vẫy xe đi "Sài Gòn". Túi rỗng, phải đu đưa theo xe đi nhờ từng chặng một nên từ Phú Yên, phải mất 3 ngày 3 đêm, tôi mới tới thành phố.

* Hình ảnh một cậu bé nghèo bơ vơ không cửa không nhà giữa nơi thị thành xa lạ ngày ấy và một nhạc sĩ Vũ Quốc Việt hôm nay, nghe cứ như chuyện cổ tích. Anh làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực?

- Đó là vì tôi biết "ước mơ trong tầm tay", tức ước mơ những điều khả thi nhất. Khi đặt chân đến thành phố, ước mơ đầu tiên của tôi là làm sao một ngày có ba bữa cơm. Tôi lao vào làm đủ thứ nghề. Khi làm phụ hồ bị người ta sai khiến, tôi quyết tâm vươn tới thợ chính; lúc làm bồi bàn bị người ta la mắng, tôi thầm bảo rồi sẽ có một ngày trở lại nơi này với một tư thế khác. Khi mượn xe đạp bị người ta cằn nhằn "xe chùa sao mượn hoài", tôi dặn lòng cố gắng để mai kia mua chiếc xe xịn hơn. Về chuyện xe cộ, tôi có một chuyện vui. Cũng vì không có xe phải mượn, khiến người ta phiền hà nên sau này, tôi cố dành dụm mua được chiếc xe đạp, đem về sửa chữa nâng cấp, có người thấy đẹp hỏi mua, tôi bán. Từ xe đạp, tôi tiến lên xe máy. Rồi cứ mua, cứ bán vậy khiến tôi gần như bị ghiền, xem đó như một thú vui. Đến nay, tôi đã mua sửa, bán đến 37 chiếc xe máy. Từ sự trải nghiệm của bản thân, tôi ngẫm ra rằng khi bị bầm dập, bị rơi vào tình thế phải thoát thân, con người ta mới bộc lộ hết khả năng sáng tạo. Về phần mình, tôi coi đó như một cách rèn luyện bản thân. Tôi xác định chỉ ước mơ những điều đơn giản nhất, gần gũi nhất. Nhưng những ước mơ của tôi không có điểm dừng. Được cái này, tôi tiếp tục ước mơ cái khác.

* Từ lúc nào anh có ước mơ về âm nhạc và anh "điều khiển" ước mơ ấy như thế nào?

- Cha tôi là một nha sĩ tốt nghiệp từ thời Pháp và hành nghề có tiếng ở quê nhà. Ông luôn muốn tôi nối nghiệp nhưng khi tôi bắt đầu đi học thì tuổi ông đã lớn, không còn làm việc được nữa. Chính kho sách của ông đã giúp tôi trở thành một học sinh giỏi văn và gieo vào trong tôi cái đẹp của sự lãng mạn. Khi chưa đủ lớn để xác định hướng đi nghề nghiệp cho tương lai thì tôi đã ý thức được mình có năng khiếu âm nhạc.

Một ca khúc chỉ cần nghe qua một lần, tôi đã thuộc. Một nhạc cụ chỉ cần nhìn người ta chơi là tôi mày mò bắt chước được. Khi học lớp 5, tôi đã có dịp lên sân khấu vừa hát vừa đệm đàn guitar. Khi chân ướt chân ráo vào thành phố làm bồi bàn ở nhà hàng, tôi mon men làm quen với ban nhạc đám cưới nên mỗi khi thiếu chân, họ kêu mình thay. Tôi nghĩ, đã chơi nhạc phải đào sâu kiến thức về nhạc bèn ghi danh học hệ C Nhạc viện TP. Học được một thời gian, nghe lời thầy giáo khuyên nói rằng tôi có năng khiếu, tôi thi đậu vào hệ A môn Sáng tác.

Không có đàn piano, tôi phải vẽ bàn phím ra giấy để tập. Sau này, nhờ xin vào làm nhân viên cửa hàng bán nhạc cụ Yamaha, tôi có cơ hội tập với đàn thật. Nhờ vậy, sau 4 năm, tôi tốt nghiệp loại giỏi. Được theo học ở Nhạc viện chính là niềm mơ ước sâu kín nhất của tôi ngay từ ngày còn nhỏ, song vì thấy nó quá xa vời nên tôi không dám thúc giục mình. Vậy mà không ngờ có ngày nó trở thành hiện thực. Với tôi, thật không có gì sung sướng bằng.

* Nhưng nghề viết nhạc tự do như anh không phải là một nghề ổn định, để tồn tại được, người ta phải chiến đấu với nhiều thứ. Vậy có khi nào anh hoài nghi về sự chọn lựa đó của mình?

- Để tự lập, tôi đã trải qua nhiều nghề và hầu như làm nghề nào tôi cũng được nhận xét tốt, nhưng tôi không thấy nghề nào hợp với mình cho đến khi vào trường nhạc. Tiếp cận với âm nhạc rồi, tôi không thấy mình có thể đi theo con đường nào khác cho dù cầm tấm bằng xong, tôi cũng chưa hình dung cụ thể mình sẽ làm công việc gì. Nhưng từ khi ra được album do mình vừa sáng tác vừa biểu diễn, tôi thấy rõ đích thị đó là con đường mà tôi thực sự muốn đi.

* Phải chăng vì album đã được công chúng đón nhận? Như vậy, hiện nay, anh đã có thể hoàn toàn sống được bằng âm nhạc chưa?

- Làm đĩa CD đầu tiên thật không dễ dàng bởi tôi cảm thấy mình bị nhiều áp lực, dường như cả ca sĩ lẫn nhạc sĩ không ai hài lòng. Người ta bảo tôi bon chen, viết nhạc thì cứ viết, đi hát làm gì! Nhưng tôi đã muốn rồi thì khó ai cản được. Quả là so với những ngày đi làm thợ hồ, sửa xe, bồi bàn... thì làm âm nhạc dễ thở hơn nhiều. Từ vài ba năm trở lại đây, tôi thường vừa hát vừa đệm đàn ở các quán nhạc. Trước kia hát nhạc người ta, bây giờ hát nhạc của mình.

* Có khá nhiều ca khúc của anh được ca sĩ mua độc quyền. Anh viết theo đơn đặt hàng của họ? Anh còn nhớ cảm xúc khi bài hát đầu tiên của mình được thu đĩa?

Vũ Quốc Việt

- Tốt nghiệp trung cấp ngành Sáng tác Nhạc viện TP.HCM (năm 2000).

- CD đơn đã phát hành: Như những phù vân (2003), Bình thường thôi (2005).

- Đã sáng tác trên 100 ca khúc. Một số ca khúc tiêu biểu: Còn đó chút hồng phai (Quang Dũng), Bóng cả (Mỹ Tâm), Về đây (Việt Quang), Ru lại câu hò (Cẩm Ly, Hương Lan), Trái tim tình si (Đàm Vĩnh Hưng), Giấc mơ cánh cò (Quốc Đại), Hãy hát lên (ca khúc hát được sử dụng trong nhiều buổi sinh hoạt cộng đồng).

- Tôi đã sáng tác khoảng trên 100 ca khúc và cũng gần chừng ấy ca khúc được các ca sĩ thu đĩa. Tôi không viết theo đơn đặt hàng của ai cả mà viết theo cảm xúc của mình, viết xong để sẵn, ai thích thì lấy. Tôi không bao giờ quên cảm xúc mạnh mẽ khi lần đầu tiên nghe tin ca khúc của mình được thu đĩa. Trước đó, tôi đã gửi đi mấy chục bài nhưng đều bị rơi vào im lặng, chẳng ai cho ý kiến được hay không. Tôi không nản, tự thu vào băng cassette đưa tới cho người ta nghe. Đến một ngày, phòng thu Kim Lợi gọi tôi lên báo tin sẽ chọn ca khúc Mãi cho em mùa xuân để ra CD. Quá bất ngờ, tôi có cảm giác sung sướng đến kỳ lạ, mừng đến nỗi không dám tin, đạp xe đi trong mưa mà không biết trời mưa. Niềm sung sướng ấy được nhân lên lần nữa khi biết người sẽ trình bày ca khúc của mình là Đan Trường, lúc ấy vừa mới nổi. Khi CD phát hành, thấy tên mình ghi trên bìa đĩa thật hạnh phúc không gì tả xiết.

* Bình thường thôi, CD vol2 của anh bán được với số lượng vượt quá sự mong đợi của cả anh lẫn hãng sản xuất, hơn nữa, ca khúc chủ đề Bình thường thôi luôn ở thứ hạng đầu trong top ten Làn sóng xanh trong gần 4 tháng qua. Theo anh, việc đó nói lên điều gì?

- Tôi không viết nhạc theo dạng giải trí mà theo đuổi loại nhạc để thưởng thức, để suy nghĩ. Những gì muốn nói, tôi nói được bằng âm nhạc. "Bình thường thôi mà nghe sao không bình thường vì cuộc đời không ai giống ai. Cuộc đời ơi, bội bạc nhau để được gì...". Bình thường thôi được đón nhận có nghĩa là tôi đã được nhiều người cảm thông, chia sẻ. Còn gì hạnh phúc hơn khi tôi đang chạm tới được những ước mơ của mình, được có cái để nhớ, để tin và để hy vọng.

* Với chất giọng ấm nhẹ nghe như rủ rỉ mỗi khi anh ôm đàn hát, dễ khiến trái tim phụ nữ xao động, anh có bao giờ nghĩ về người phụ nữ của mình?

- Tôi hiện còn độc thân, chưa yên sự nghiệp nên chưa dám nghĩ đến chuyện hôn nhân. Nhưng tôi vốn đi lên từ trong gian khó nên dễ cảm thông cái thiếu của người khác. Tôi không đòi hỏi người vợ tương lai của tôi phải công dung ngôn hạnh gì, chỉ "biết nghĩ" là được. Tôi cũng đang mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ đấy!

* Xin cảm ơn và chúc anh tiếp tục thành công.

Cát Vũ/PNCN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.