Tiêu thụ trong nước tăng chậm lại

31/10/2008 00:34 GMT+7

Tiêu thụ trong nước bao gồm đầu tư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Cả hai chỉ tiêu này đã tăng chậm lại trong những tháng qua.

Về vốn đầu tư, chỉ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là tăng cao, còn các nguồn vốn trong nước tăng chậm, thậm chí có nguồn còn bị giảm.

Báo cáo 9 tháng của Tổng cục Thống kê cho biết, nguồn vốn khu vực nhà nước 9 tháng chỉ tăng 8%; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 10 tháng còn đạt thấp so với kế hoạch năm (vốn Trung ương đạt 72,9%, trong đó Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng còn đạt thấp hơn; vốn địa phương đạt 79,2%). Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước 9 tháng giảm 9,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho GDP do ngành xây dựng 9 tháng năm nay bị giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 10,14%).

Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP đã giảm so với năm trước (năm trước lên đến 45,6%, 9 tháng này chỉ còn 41,6%). Nguyên nhân làm cho tỷ lệ vốn đầu tư bị sút giảm chủ yếu do giá vật liệu xây dựng tăng cao, chi phí vận tải tăng cao, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn do lãi suất cao, ngân hàng thắt chặt cho vay; gần đây lãi suất cho vay của ngân hàng giảm nhưng vẫn còn cao, ngân hàng thương mại vẫn chưa dám mạnh tay mở rộng đối tượng và tăng lượng vốn cho vay, nhiều nhà đầu tư lại có tâm lý chờ lãi suất giảm xuống nữa mới vay. Nhiều nhà sản xuất kinh doanh cũng trong tâm lý chờ đợi và còn e ngại sản xuất sản phẩm xong sẽ tiêu thụ ra sao? Nếu xuất khẩu gặp khó khăn cả về lượng, cả về giá, cả về thị trường; nếu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng chậm lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chủ yếu do tăng giá (bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 23,15%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá trên thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ còn tăng 6,1% (trong khi tháng 1 tăng 11,7%, 2 tháng tăng 14,7%, 3 tháng tăng 11,0%, 4 tháng tăng 10,1%, 5 tháng tăng 8,9%, 6 tháng tăng 8,0%, 7 tháng tăng 6,6%, 8 tháng tăng 6,4%, 9 tháng tăng 6,0%). Có nghĩa là tốc độ tăng đã giảm qua các tháng và chỉ còn bằng dưới một nửa so với tốc độ tăng của các thời gian trước.

Tiêu thụ trong nước tăng chậm lại trong thời gian qua đã có tác dụng tích cực trong việc chặn lại sự tăng lên của giá cả, chặn lạm phát cao, góp phần làm cho giá tiêu dùng tăng chậm lại từ tháng 7 và giảm nhẹ trong tháng 10 (tháng 10 giảm ở cả hai nhóm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,42%, trong đó riêng lương thực giảm 1,91%; nhóm ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,02%, trong đó nhóm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,08%; nhóm phương tiện đi lại và bưu điện giảm 0,94%).

Chính sự giảm xuống ở cả hai nhóm này vào tháng 10, trong điều kiện giá nhiều loại hàng mà VN xuất nhập khẩu đều giảm giá mạnh so với thời gian trước đã làm xuất hiện cảnh báo về thiểu phát, "nhập khẩu thiểu phát" và quan trọng hơn là tâm lý chờ đợi trong việc vay vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, tạo nên nguy cơ trì trệ, suy thoái.

Nhiều người nói rằng còn quá sớm để nói đến thiểu phát, nhưng việc cảnh báo sớm trong điều kiện biến chuyển nhanh là rất cần thiết, cũng giống như cuối năm 2007 đâu đã có nhiều người nói là đầu năm 2008 lạm phát cao, là giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế?

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.