Con chữ của đôi bạn nghèo

01/12/2008 08:35 GMT+7

Người dân huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và học sinh, thầy cô giáo Trường THCS Triệu Hòa đều rất quý mến đôi bạn Lê Thị An và Phạm Thị Hường, học sinh lớp 9 C. Thương bạn bị tàn tật, bốn năm qua, ngày nào Hường cũng tự nguyện chở An đến lớp học...

6 giờ 30 phút hằng ngày, Hường có mặt tại nhà An. Hường ngồi trên xe, một chân chống xuống đất làm trụ, hai tay giữ chặt ghi đông xe đạp, An trao chiếc nạng gỗ cho đứa em cất giùm rồi leo lên ngồi ở yên sau. Hường mím môi, gò lưng chở An đến trường trên chiếc xe cọc cạch.

Năm nào cũng phải đi cưa bớt... chân

Nhà của Hường ở cùng thôn Di Hòa với nhà An. Từ bé, mỗi lần sang nhà bạn chơi thấy hoàn cảnh của An khó khăn, Hường rất thương bạn. Cha An làm nghề sửa xe đạp, thu nhập không bao nhiêu. Ở nông thôn mà gia đình An không có đất làm nhà. Thương tình, một người hàng xóm tốt bụng tặng gia đình An 20 m2 đất. Một hôm, cha An đang loay hoay sửa xe cho khách, chưa kịp đón An đi học mẫu giáo về nhà thì nhận ngay tin dữ: Ô tô chở đất nghiến nát chân của An. Sau 5 tháng cấp cứu, chữa trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, An bị cưa mất chân trái gần đến bẹn, năm đó An tròn 4 tuổi. Thế là trong gia đình An từ đó cả hai cha con đều bị tàn tật chân bên trái. Năm cha An tròn một tuổi bị sốt bại liệt nên chân trái bị teo. Nhìn cảnh cả hai cha con đều tật nguyền, ai cũng cảm thấy nhói lòng.

Tiền sửa xe đạp hằng ngày cha An gom lại không đủ chữa bệnh cho em. An đang trong độ tuổi phát triển nên cứ gần một năm, phần xương ở chân gãy của em trồi ra làm rách da, nhiễm trùng, người nhà phải đưa em vào bệnh viện cưa bớt xương. Mỗi lần như thế, tiền viện phí đến 6-7 triệu đồng. Chưa kể, một vài năm phải thay chân giả cho An vì phần chân còn lại phát triển lên, áp vòng chân giả vào không vừa, mỗi lần thay chân giả cũng hơn 1 triệu đồng. Không có tiền, cha mẹ An phải đi vay mượn khắp làng. Ông Anh, cha của An, đỏ hoe đôi mắt: “Nhiều hôm vợ chồng tôi thức trắng đêm, nhìn đôi chân của con mà lòng quặn thắt”.

Tình nghĩa bạn bè, ái ngại làm chi

Nhà ở gần nhau nên Hường rất hiểu An. Nhiều lần, Hường chủ động xin cha An để được đưa An đi học. Nhưng nhà Hường cũng nghèo, không có nổi chiếc xe đạp. Cha của An tìm cách đi xin người này cái khung, người kia cái vành, cái lốp xe... rồi ráp thành chiếc xe cũ cho Hường chở An đến trường. Hôm có xe đạp đi học, Hường và An mừng vui đến chảy nước mắt.

Mỗi ngày, khi chở An đến cổng Trường THCS Triệu Hòa, Hường dừng xe, dắt vào cổng rồi quay lại dìu An vào sân trường. Phòng học của lớp 9C, nơi hai em đang học, nằm ở tầng hai. Đoạn lên cầu thang, Hường đưa tay chống khẽ vào lưng An để “đẩy” bạn vững bước. Bốn năm học gần đi qua, lúc nào Hường cũng sát cánh, giúp đỡ An tất cả mọi chuyện. Thấy đôi bạn học sinh gắn bó với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, nhiều thầy, cô giáo của trường rất cảm động. Cô Hoàng Thị Bình, hiệu trưởng, nhận xét về hai học trò: “Hường và An là một đôi bạn đầy nghị lực, hiếm gặp trong cuộc sống. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, hai em thực sự là tấm gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo”. An học rất giỏi, nhiều lần thi được giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Hường chăm học và học khá. Cô Nguyễn Thị Hương Loan, chủ nhiệm lớp 9C, nói: “Nhiều hôm trời mưa lũ, bùn ngập đường, Hường lặn lội chở An đi học. Đoạn đường nào ngập nước, xe đi không được thì Hường cõng An qua, không bỏ buổi học nào. Khát vọng được học con chữ của hai học trò nghèo luôn rực cháy, thật đáng quý”.

Khi biết việc con gái đang làm, cha mẹ Hường động viên con: “Cuộc sống dù có nghèo khổ nhưng con luôn phải biết hy sinh, chia sẻ. Làm thêm được một việc tốt con sẽ thấy cuộc đời thật có ý nghĩa”. Thấy Hường nhiệt tình, tốt bụng với con mình, người nhà của An cũng ái ngại. Nhưng Hường chân thật nói rằng, việc đưa đón là tình nguyện, là tình nghĩa bạn bè.

Tâm sự với chúng tôi, Hường chùng giọng: “Đường đến trường để học từng con chữ của chúng em thật nhọc nhằn. Mong sao khi lên học THPT, hai đứa vẫn được học chung lớp để có điều kiện giúp đỡ nhau. Hoàn cảnh gia đình của hai em rất khó khăn nên phải ráng học hơn nữa để mong rằng sau này vào đời sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Theo Linh An / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.