Đường đến Kukkiwon

16/11/2010 08:00 GMT+7

(TNTS) Hàng triệu người luyện tập taekwondo trên thế giới luôn coi Kukkiwon (Quốc kỹ quán) là “biểu tượng” của mọi chuẩn mực về kỹ thuật và thi đấu. Dù là một môn võ hiện đại không đặt nặng tính triết lý trong hoạt động thực tiễn, thế nhưng trong toàn bộ hệ thống quyền pháp taekwondo đã mang nặng dấu ấn văn hóa dân tộc Hàn Quốc. Được một lần đặt chân đến Kukkiwon để dự thi và nhận văn bằng luôn là điều mơ ước của nhiều võ sư taekwondo thượng đẳng.

Kukkiwon còn là một viện hàn lâm thực thụ với đầy đủ cơ sở vật chất cùng nền tảng nghiên cứu về khoa học vận động. Dựa trên một nền võ học truyền thống lâu đời và một luật lệ thi đấu khoa học đáp ứng các tiêu chí thể thao hiện đại, Kukkiwon cùng tổ chức Liên đoàn Taekwondo thế giới (WTF) đã làm một cuộc vận động bền bỉ để cuối cùng môn võ này trở thành môn thi đấu chính thức tại Olympic. Thành công vang dội này đã thúc đẩy taekwondo ngày nay trở thành một trong vài môn võ có số đông người tập luyện trên thế giới.

Được xây dựng năm 1971 và chính thức khánh thành tháng 11.1972, Kukkiwon nằm trên ngọn đồi chung quanh là rừng cây cổ thụ quanh năm xanh tươi. Bầu không khí ở đây mang dáng vẻ trầm mặc, gần như lánh xa mọi sinh hoạt ồn ào của thủ đô Seoul. Là nơi có thẩm quyền tổ chức những cuộc tranh tài đỉnh cao, mở những hội nghị quốc tế cùng các seminar khoa học, Kukkiwon còn có những cuộc thi đặc biệt chỉ dành cho các đẳng cấp đại sư.

Đã có 4 võ sư Việt Nam đặt chân tới đây chứng tỏ thực lực của mình trước một Hội đồng giám khảo toàn các võ sư 9 đẳng. Họ đã có vinh dự là những người Việt Nam đầu tiên mang 8 đẳng, đẳng cấp cao nhất Việt Nam hiện nay. Đó là các võ sư Nguyễn Quốc Tâm, Trương Ngọc Để, Nguyễn Sơn, Nguyễn Kim Châu. 

Một luận văn võ học mang tính đột phá

Là người yêu thích và chơi nhiều môn thể thao, Nguyễn Quốc Tâm đến với môn võ taekwondo từ rất sớm. Ông học võ năm 1965 tại Sài Gòn, nhưng lại đoạt giải vô địch toàn năng tổ chức tại khu vực Ninh Hòa, miền Trung. Suốt một chặng đường dài ông bám trụ tại thành phố biển Nha Trang phụ trách công tác huấn luyện võ thuật. Thời gian đằng đẵng 8 năm, ông đào tạo cả ngàn võ sinh có trình độ từ đai nâu cấp 2 đến đai đen 1 đẳng.

Sau ngày đất nước thống nhất, sát cánh cùng các vị võ sư lão thành như Khúc Văn Bón, Nguyễn Long Vân, ông đã chung tay xây dựng lại phong trào võ thuật Taekwondo tại TP.HCM và cả nước. Ông đã đảm nhiệm các cương vị chủ chốt như Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Taekwondo TP.HCM 5 nhiệm kỳ liền. Là một trong vài người trực tiếp nhiều năm tham gia dẫn dắt đoàn VĐV taekwondo thi đấu gặt hái nhiều huy chương khu vực và quốc tế, đem lại vẻ vang cho nền thể thao nước nhà. Từ năm 2006 đến nay, ông làm Phó chủ tịch, rồi quyền Chủ tịch Liên đoàn võ thuật TP.HCM.


Giám khảo

Tháng 12.2008, võ sư Nguyễn Quốc Tâm bay qua Seoul, đến Viện Hàn lâm Kukkiwon thi và bảo vệ luận văn 8 đẳng cùng với võ sư Trương Ngọc Để. Đặc biệt trong luận văn có đề cập đến phương hướng đưa taekwondo trở thành một nghệ thuật sống với những số liệu phân tích và dẫn chứng rất thuyết phục. Từ các giải đấu trong nước và thế giới, qua bảng biểu thống kê các đòn kỹ thuật tấn công, ông chứng minh sự nghèo nàn, đơn điệu trong các trận đấu, không thể hiện hết sự phong phú và đa dạng của kỹ thuật taekwondo. Từ đó ông mạnh dạn đề xuất cải tổ cách tính điểm và cách cho điểm các đòn kỹ thuật để các trận đấu thể hiện hết tuyệt kỹ, sao cho có sức hấp dẫn, lôi kéo được khán giả đến với sàn đài. Đó là luận điểm mới mẻ và táo bạo, gần như chống lại suy nghĩ cố hữu là mọi khuôn thước được hoạch định từ “cái nôi” taekwondo đều đúng. Luận văn đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao. 

“Căng thẳng đến ngộp thở”!

Nếu có ai hỏi về cảm tưởng của hai võ sư Nguyễn Sơn và Nguyễn Kim Châu trong cuộc hành trình đến Kukkiwon hồi tháng 6.2010 thì đều nhận được câu trả lời nói trên. Hai vị võ sư vừa chính thức nhận bằng vào những ngày cuối tháng mười, giữa thời tiết nắng mưa bất thường. Hôm ấy trời nắng gắt, nhìn khuôn mặt đỏ gay pha lẫn sự mãn nguyện cùng đôi chút nét tự hào của họ, tôi tự hỏi không biết ở cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” này các vị còn khổ công lấy đẳng cấp quốc tế để làm gì (?). Thế rồi những lúc như tình cờ trong các cuộc mạn đàm võ thuật, tôi chợt hiểu như những hành giả khác đi trên con đường dài, sự vượt qua những giới hạn chính mình luôn là một khát khao trong mỗi con người khổ luyện.


Thi quyền cấp cao

Là những người có quá trình hoạt động taekwondo hơn 40 năm, đây không phải lần đầu họ đến xứ sở khai sinh ra môn võ taekwondo nổi tiếng. Thế nhưng kể từ lúc đặt chân xuống Inchow họ đã thật sự hồi hộp. Võ sư Nguyễn Sơn kể: “Chúng tôi đón xe bus về Kangnam nơi Kukkiwon đặt đại bản doanh. Quãng đường dài 60 km không mấy chốc đã lùi lại phía sau. Khi chúng tôi nhận phòng xong ở một khách sạn có giá cả phải chăng thì cũng vừa đúng 4 giờ sáng”. Không dám chợp mắt, cả hai chỉ kịp tập những động tác thư giãn và điều khí để ổn định tinh thần.

8 giờ sáng có mặt tại văn phòng đối ngoại Kukkiwon, thật bất ngờ là nhân viên lễ tân nơi đây đón tiếp rất nhiệt tình. Sau khi làm mọi thủ tục theo quy định, một lịch trình tập huấn được ấn định chặt chẽ cho đến ngày sát hạch. “Bám sát chương trình, có so sánh đối chiếu các phương pháp tập luyện và diễn đạt kỹ thuật và quyền pháp (Poom) trong nước mới thấy ta cũng không thua bạn nhiều lắm”, một vị võ sư đã nói như vậy. Cái chính là phải nắm bắt được “linh hồn” của mỗi bài quyền và “giải mã” được những chiêu thức độc đáo ẩn giấu trong từng động tác. Ngoài thời gian tập huấn ra cả hai không hề bước chân ra khỏi khách sạn, thức ăn hằng ngày của họ chỉ có mì gói và thực phẩm đóng hộp.


Đón nhận văn bằng

Ngày quyết định cuối cùng đã đến. Đó là một buổi sáng trời âm u, không lạnh lắm nhưng không hiểu sao chân ai cũng thấy run. Không run sao được bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ trong mỗi động tác là tất cả công sức của họ đều hóa thành con số không. Ngoài ra còn là danh dự và sự tin cậy của biết bao bằng hữu, đồng môn. Kỳ thi được chuẩn bị hết sức chu đáo này chỉ có 3 thí sinh quốc tế. Một công dân Canada thi 9 đẳng và 2 là người Việt Nam. Hội đồng giám khảo gồm có 3 đại sư, một chánh chủ khảo và hai phó chủ khảo. Gương mặt của các vị giám khảo ai cũng nghiêm nghị, trong suốt cuộc khảo thí không ai để lộ một nét cười.

Không như dự đoán, hai võ sư Việt Nam đều thi riêng biệt, dù cả hai cùng thi chung một nội dung. Theo quy định mỗi người phải thi một bài quyền bắt buộc là bài Hansu, sau đó chọn một bài bốc thăm và trình luận văn. Dù ở trong nước hai võ sư Việt Nam chỉ mới mang 6 đẳng, nhưng do đã vượt quá niên hạn nên họ được thi đặc cách. Vì vậy mỗi người đều phải qua 2 đợt sát hạch và thực hành 4 bài quyền cấp cao: Hansu, Chanwon, Sipjin và Pionwon. Điều thật lạ lùng là khi thực sự bước vào cuộc thi, hai võ sư Việt Nam dường như quên hẳn sự căng thẳng và thể hiện thật xuất sắc các bài quyền. Hội đồng giám khảo đã có người mỉm cười, tán thưởng. Riêng những vị võ sư đã đến Kukkiwon một lần trong đời và đã gặt hái chiến thắng, họ xứng đáng với danh hiệu “đại sư” được phong tặng.

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.