Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (Phần mở đầu)

07/10/2005 23:18 GMT+7

LTS: Thông tin về Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký lần đầu tiên được đăng trên Thanh Niên, tiếp đó báo Tuổi Trẻ đã lần lượt giới thiệu cuốn nhật ký và sau đó được in thành sách, Đặng Thùy Trâm trở thành một huyền thoại.

Trong nỗ lực đi tìm dấu vết thượng sĩ Nguyễn Trung Hiếu, người đã ngăn Fred đừng đốt nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng tôi đã liên lạc được với anh Lê Thành Giai, nguyên là một thông dịch viên cùng đơn vị với anh Nguyễn Trung Hiếu, hiện định cư tại Mỹ. Qua hàng loạt thư điện tử trao đổi giữa hai bên, cận cảnh chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi giai đoạn 1967- 1970 ngày càng hiện rõ với rất nhiều chi tiết chưa ai từng biết. Đồng thời, trên cái nền chiến trường ác liệt ấy, hình ảnh bác sĩ Đặng Thùy Trâm nổi lên như một huyền thoại, như lời của toán trưởng viễn thám Danny L.Jacks, người chỉ huy các cuộc săn đuổi chị, đã khẳng định.
Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài của anh Lê Thành Giai viết cho Thanh Niên, phần mở đầu là bài giới thiệu của phóng viên Đặng Ngọc Khoa - người đã trực tiếp liên lạc và đề nghị anh Giai viết loạt bài này.

Định cư tại Milpitas, California năm 2000, hiện anh Giai đang theo học tại Đại học Mission, Santa Clara. Ngay sau khi nhận được thư đầu tiên của chúng tôi, anh đã đáp lời.
"...Chung quanh sự kiện bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi là thông dịch viên độc nhất biết nhiều chi tiết nhất, có thể do tôi là thông dịch viên thâm niên nhất thuộc Lữ đoàn 11 của Sư đoàn Americal (tức sư đoàn Mỹ duy nhất được thành lập tại Việt Nam đóng tại Chu Lai, Quảng Nam). Thùy Trâm từng bị quân Mỹ săn đuổi như thế nào, đơn vị nào được phân công săn đuổi tôi đều nhớ rõ. Một số người còn sống, trong số đó, đang ở Mỹ, tôi đều có thể liên lạc được. Thùy Trâm là một kỷ niệm lớn trong đời lính của tôi và của nhiều người khác. Do vậy, tôi rất muốn viết tất cả những gì tôi biết mà mấy chục năm qua không thể thổ lộ cùng ai. Có hai anh Hiếu biết rõ về Thùy Trâm: Hiếu Nguyễn, thông dịch viên Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4 và anh Nguyễn Trung Hiếu, thông dịch viên của Lữ đoàn 11, Sư đoàn Americal, Bộ binh Hoa Kỳ. Hiếu Nguyễn ra trường trước tôi 6 tháng và anh ấy đã "đánh hơi" Thùy Trâm từ cuối năm 1967. Chính anh đã vẽ chân dung Thùy Trâm dù chưa bao giờ gặp. Tôi biết về Thùy Trâm qua Hiếu Nguyễn và các đơn vị phân công săn đuổi người nữ bác sĩ này. Chỉ có một điều mãi đến nay, tức 35 năm sau, tôi mới biết, Thùy Trâm đã hy sinh tại Đức Phổ, nơi chị và cái trạm phẫu thuật thoắt ẩn thoắt hiện trong suốt mấy năm liền!".

Jacks (thứ 2 từ phải sang)

"...Tôi cũng chưa đọc nhật ký của Thùy Trâm và không biết Thùy Trâm tập kết vào miền Nam năm nào. Nhưng tôi tin rằng Thùy Trâm bắt đầu viết nhật ký vào năm 1968, sau Mậu Thân. Tôi nhắc lại, tôi nghe về Thùy Trâm cuối năm 1967. Hiếu Nguyễn là thông dịch viên tham gia trận tấn công vào trạm phẫu thuật của Thùy Trâm tại núi Tam Cọp, đông đông bắc Landing Zone Liz (tức căn cứ Núi Chóp, tên tiếng Việt ghi trong nhật ký của chị Trâm) cuối năm 1967. Danny L.Jacks (hiện còn sống ở bang Arkansas), toán trưởng toán viễn thám Oregon của Lữ đoàn 11, là người truy đuổi Thùy Trâm suốt năm 1969. Công tác của Thùy Trâm và của trạm phẫu thuật lưu động, trong đó có một số việc na ná như công tác dân sự vụ của đơn vị chúng tôi như phát thuốc, cứu chữa người bị thương nên giữa chiến trường ác liệt, cái tên Thùy Trâm có ảnh hưởng khá lớn với những thông dịch viên Việt Nam và không ít những người lính Mỹ".

"...Tôi cũng đã chuyển ngay một số câu hỏi của bạn (tức Đặng Ngọc Khoa) đến Jacks. Jacks khá ngỡ ngàng khi nghe tin bác sĩ Thùy Trâm đã hy sinh. Mãi đến trước ngày 28/9/2005 (tức ngày Jacks biết tin chị Trâm đã hy sinh), Jacks vẫn nghĩ sau 1975, Thùy Trâm đã trở về Hà Nội tiếp tục hành nghề bác sĩ. Với Jacks, Thùy Trâm chính là một huyền thoại và nếu được, nhà xuất bản bang Arkansas sẽ hợp tác với báo Thanh Niên in một cuốn sách bằng tiếng Anh về huyền thoại ấy. Cũng như những người Việt Nam, trong tôi và Jacks, Thùy Trâm chưa bao giờ và không bao giờ chết!".

Sau lá thư đầu, anh Giai đã tranh thủ thời gian bên ngoài giảng đường để viết bài gửi về Việt Nam. Câu chuyện về bác sĩ Thùy Trâm là một câu chuyện dài, qua đó nó đang nối kết nhiều người, nhiều tấm lòng lại với nhau, trong đó có cả những người chưa từng quen biết nhau trên trái đất này. Và đây là câu chuyện của chính những người trong cuộc kể lại.

Kỳ 1: Bác sĩ Thùy Trâm - biểu trưng sức mạnh của một trung đoàn chính quy (Xem số báo ra ngày mai, 9/10)

Đặng Ngọc Khoa
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.