Chàng trai khiếm thính nặng lòng với gốm cổ

01/01/2010 03:53 GMT+7

(TNO) Người dân làng gốm Bát Tràng vẫn gọi Phạm Anh Đạo là chàng trai có “bàn tay ma thuật”. Đạo là một trong số ít người trẻ vẫn còn nặng lòng với gốm cổ vuốt, nặn bằng tay. Anh cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu được vinh danh vào tối 29.12.2009.

 

Chỉ mất 2 - 3 phút, anh Đạo đã tạo hình xong một chiếc lọ cắm hoa và tô lớn - Ảnh: Lê Quân

Trò chuyện với chúng tôi, Phạm Anh Đạo đùa: “Nếu không bị khiếm khuyết về cơ thể, chắc mình không theo nghiệp gốm”. Đạo bị khiếm thính từ nhỏ. Học hết lớp 7, anh không thể theo học được nữa. Từ ngày đó, anh bắt đầu đi phụ làm gốm ở xưởng gốm của những người trong làng. Đây là thời điểm chất “gốm” bắt đầu ngấm vào máu anh.

Năm 17 tuổi, anh xin vào làm ở xưởng của Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Sau 6 năm làm thợ kỹ thuật, chuyên phụ trách việc tạo cốt cho mỗi sản phẩm gốm, Đạo xin nghỉ để làm riêng và bắt tay vào việc “biến” những cục đất vô hồn thành các sản phẩm gốm tinh hoa.

“Sản phẩm đầu tiên em tập vuốt bằng tay là cái bát. Song, không biết thế nào lại thành ra cái… đĩa”, Đạo thật thà chia sẻ. Vì không có khuôn vuốt và kinh nghiệm chưa nhiều nên những lần đầu tiên mới vuốt, đất văng ra khỏi bàn xoay, bắn tung tóe lên người.

Không nản chí, Đạo thử đi thử lại nhiều lần, tự mày mò học hỏi và rút kinh nghiệm. Những lần sau, các tác phẩm của Đạo đã dần thành dáng, có hồn hơn. Sau những nỗ lực không ngừng, thành công đã dần đến với anh. Đến nay, sản phẩm tâm đắc nhất của anh là ba chiếc bình lớn vừa được mang đi dự triển lãm làng nghề ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội).

Đạo kể: “Phải mất ba tháng ròng rã em mới cho ra một chiếc, ba chiếc tốn quá nửa năm để hoàn thành”. Đã có người trả hơn 70 triệu đồng/chiếc, nhưng Đạo không bán vì “không muốn bán đi những cái tâm đắc”.

 

Phạm Anh Đạo và những sản phẩm triển lãm trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long hoàn toàn được vuốt, đắp bằng tay - Ảnh: Lê Quân

Mỗi dịp làng có lễ hội hay có khách quý ghé thăm, Anh Đạo đều được mời đến biểu diễn kỹ thuật vuốt gốm bằng tay. Đây cũng là cơ duyên để anh quen, yêu và cưới được cô vợ đảm là chị Nguyễn Mỹ Trinh.

Chỉ vào những bức tranh vẽ bình gốm cổ dán chi chít trên tường xưởng, Đạo kể, hiện nay, anh đang phát triển nghề theo hướng phục chế bình men rạn cổ. Vì thế, những hình hoa văn, chạm trổ tại các đình chùa, miếu mạo có sức hút kỳ lạ đối với anh.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, làng nghề cũng dần công nghiệp hóa. Cả làng làm gốm bằng máy và khuôn thạch cao, riêng anh vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống là vuốt bằng tay.

“Làm bằng tay, gốm có hồn hơn, được sờ vào đất mà nhào nặn, tha hồ tạo hình mình cảm thấy sướng tay lắm. Với lại, mỗi sản phẩm gốm làm bằng tay đều có cái hồn riêng, nên đặc biệt hơn các sản phẩm khác”, Đạo cho biết.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.