Kịch có... ma

02/12/2006 11:51 GMT+7

Xuất hiện chưa nhiều đủ để gọi là một "làn sóng mới" trên sân khấu kịch nói TP.HCM vừa qua, nhưng vệt kịch - tạm gọi là kịch có "ma" đã và đang gây sự chú ý với những xuất diễn đông khán giả. Điều gì đã tạo nên sức hút của những vở kịch này?

Nội dung hay hiệu quả sân khấu?

Có lẽ, vở Ngôi nhà của những linh hồn do Ái Như dựng trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP.HCM là vở kịch có ma... sớm nhất trong vệt kịch vừa kể trên. Mang một thông điệp sâu sắc về cách chăm sóc và gìn giữ hạnh phúc gia đình từ trong mỗi suy nghĩ của từng thành viên trong mái ấm, Ngôi nhà của những linh hồn kể câu chuyện "ma" với những nuối tiếc khôn nguôi và những tự vấn của mỗi nhân vật. Sân khấu không quá rợn ngợp với những hình ảnh ma quái mà chủ yếu là những điểm nhấn thể hiện tâm lý nhân vật. Màu trắng trên trang phục của hai mẹ con người đã khuất đủ để thể hiện họ là ma. Ngôi nhà của những linh hồn có... ma nhưng không làm khán giả sợ mà khiến họ băn khoăn trăn trở nhiều hơn. Có thể nói với vở này, nội dung chủ yếu làm nên sức hấp dẫn và yếu tố "ma" không được đặt lên hàng đầu. Điểm thú vị của vở kịch có ma này là sự sợ hãi không đến từ trang phục, ánh sáng hay âm thanh mà đến từ diễn xuất của đạo diễn kiêm diễn viên Ái Như trong vai nhà ngoại cảm Mộng Hoài. Khoảnh khắc thật tinh tế khi bà ta phát hiện ra có linh hồn của người đã khuất thật sự chứ không phải do bà ta bịa ra, khán giả chợt thấy tay mình... lạnh.

Sau đó, Hạnh phúc trên đồi hoa máu của đạo diễn Vũ Minh, tác giả kịch bản Mỹ Dung trình diễn trên sân khấu kịch IDECAF, TP.HCM, xuất hiện rất nhiều hồn ma. Những hồn ma tạo nên hạnh phúc cho ông Thịnh (NSƯT Thành Lộc đóng). Niềm hạnh phúc được sum vầy trong thế giới giữa người thực (ông Thịnh) và những hồn ma tạo nên sự khắc khoải ngậm ngùi cho khán giả.

Hạnh phúc trên đồi hoa máu khá chú trọng yếu tố liên quan đến "ma" từ những hiệu ứng sân khấu, và coi đó như một thủ pháp để xây dựng nội dung của một vở kịch tâm lý xã hội. Trang phục trắng cũng được sử dụng để biểu thị ma, những hiệu ứng sân khấu như âm thanh, ánh sáng đã tạo không gian cho kịch nhưng những âm thanh quá mức cần thiết khiến vở chưa đạt được độ lắng nhất định. Hạnh phúc trên đồi hoa máu tấn công vào nỗi sợ hãi của khán giả bằng những yếu tố "bề nổi" nhiều hơn. Chính thế, nỗi sợ hãi đó sẽ không gây tác động đến những ai "vững thần kinh". 

Tiếp nối Hạnh phúc trên đồi hoa máu của sân khấu kịch Idecaf, sân khấu kịch Phú Nhuận cho ra mắt vở Người vợ ma của đạo diễn Thái Hòa, kịch bản Xuyên Lâm. Khán giả đã bị tác động tâm lý trước khi xem kịch từ dòng cảnh báo trên áp-phích: "Không giải quyết cho người yếu tim và trẻ em". Về sau, "bà bầu" Hồng Vân còn muốn hạn chế cả phụ nữ có thai.

Và, quả thật, hiệu ứng sân khấu đã tác động mạnh đến khán giả. Dù cốt truyện đã có thể đoán trước vào những cảnh đầu tiên với màn "diễn" vụng về của người vợ sau (do Thanh Vân đóng) trước con mắt tinh tường của vị giáo sư tâm lý (do NSƯT Bảo Quốc đóng) nhưng khán giả vẫn bị những yếu tố "bên ngoài tâm lý nhân vật" chi phối. 

Ý kiến:

- Khán giả Mai Thiên, số 9 đường Trần Não, quận 2, TP.HCM: "Tôi xem kịch... có ma của TP.HCM chưa thấy sợ lắm vì phần lớn đã đoán được nội dung. Tuy nhiên, tôi thích những vở kịch làm mình sợ hãi nhưng rồi sau đó nó còn đọng lại điều gì đó trong lòng mình lâu dài, giúp mình suy ngẫm về cuộc đời". 

- Khán giả Nguyễn Thị Hảo, 25C Cư xá Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM: "Sự xuất hiện của những vở kịch có ma trên sân khấu kịch là cần thiết vì nó tránh sự nhàm chán cho khán giả. Không lý quanh năm suốt tháng cứ hài kịch hoặc bi kịch làm tới làm lui. Tuy nhiên, theo tôi cần có sự đầu tư thích đáng cho kịch bản. Kịch bản phải giàu tính thuyết phục hơn nữa và giấu những diễn biến giỏi hơn nữa thì mới tạo được bất ngờ. Một khi khán giả đã đoán được nội dung thì họ sẽ không sợ nữa hoặc ít sợ hơn, mà như vậy thì mục tiêu của kịch đã không đạt được".

Tấm ảnh chân dung to tướng giữa sân khấu thi thoảng lay động một cách cố tình, màu áo trắng - bóng ma của người vợ trước, những âm thanh "chết người" đôi lúc lại vang lên, tiếng đổ vỡ loảng xoảng của đồ vật, tiết tấu luôn được đẩy lên nhanh chóng, cửa sổ căn phòng người vợ treo cổ chợt đập mạnh... Khi thủ phạm thực sự đã lộ mặt, vở vẫn còn đủ sức làm khán giả sợ... ma với những hiệu ứng âm thanh ánh sáng tiếp tục phát triển. Có thể nói, chính hiệu ứng âm thanh và ánh sáng, tiếng động là yếu tố cơ bản làm nên thành công của vở kịch. Dĩ nhiên, không thể không kể đến diễn xuất rất tốt của diễn viên trẻ Thanh Vân và Kim Huyền. Họ đã thực sự xuất thần. 

Nhìn từ diễn viên

Diễn viên Quốc Thái bày tỏ cảm xúc khi tham gia vở Người vợ ma: "Đạo diễn cho chúng tôi tập kịch từ lúc giữa đêm nên cũng tạo ra tâm lý sợ hãi. Cả khán phòng rộng mênh mông mà chỉ có vài diễn viên. Nhưng chúng tôi chỉ sợ hãi nhiều khi tập thôi, còn lúc ra sân khấu thì không sợ nữa bởi vì đã biết trước diễn biến của vở. Vất vả nhất vẫn là Thanh Vân và Kim Huyền vì họ phải diễn tả nỗi sợ hãi thường xuyên suốt vở. Diễn cho ra cảm giác sợ hãi rất khó và... mệt". Còn diễn viên Thanh Vân thì kể: "Có những đêm tập lúc 1 đến 2 giờ sáng, ban đầu mọi người sợ đến nỗi không dám... đi toa-let một mình, khi ra về cũng chẳng dám tắt điện. Cũng giống như anh Thái, chúng tôi chỉ có cảm giác sợ khi tập, đến lúc diễn thì cái khó là mình phải truyền được nỗi sợ hãi đó cho khán giả. Vai diễn này đòi hỏi nhiều nỗ lực của diễn viên vì diễn cho ra nỗi sợ hãi rất mệt thần kinh. Phải làm sao cho khán giả thấy mình sợ thì họ mới sợ hãi theo. Những vở kịch có... ma đòi hỏi nhiều nỗ lực của diễn viên". 

Diễn viên Mỹ Uyên của sân khấu kịch 5B thì nhẹ nhàng hơn bởi chị vào vai linh hồn một người vợ với nhiều nuối tiếc vì không biết trân trọng hạnh phúc của mình đang có, không phải diễn tả nỗi sợ hãi. Thế nhưng, vai linh hồn có cái khó riêng vì "cần nhất là diễn tả những diễn biến tâm lý tinh tế của nhân vật". 

NSƯT Thành Lộc đã thật xuất thần với vai ông Thịnh trong Hạnh phúc trên đồi hoa máu. Nuối tiếc, mong đợi, phập phồng, hạnh phúc, thất vọng... Những trạng thái tâm lý đa chiều trong cuộc sống đồng hành cùng những hồn ma đã được anh diễn tả sâu sắc, góp phần tạo nên giá trị nội dung của vở.


Cảnh trong vở Ngôi nhà của những linh hồn

Kịch có ma hay kịch kinh dị?

Nhìn lại lịch sử kịch nói Việt Nam, nhà phê bình Văn Giá cho rằng: "Việt Nam ta thực sự chưa có kịch kinh dị mà chỉ có những vở kịch sử dụng yếu tố kỳ ảo. Hồn Trương Ba, da hàng thịt của kịch tác gia Lưu Quang Vũ là một ví dụ cho việc sử dụng chất liệu yếu tố kỳ ảo trong dân gian. Thật sự, kịch kinh dị yêu cầu một hệ thống chi tiết nội dung thật kín kẽ, hoàn hảo để khán giả có thể cảm nhận sự thay đổi về chất trong bản thân nhân vật từ khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu đến lúc kết thúc vở. Đó là quá trình vận động và phát triển, mang ý nghĩa tư tưởng để nhấn mạnh một triết lý nào đó. Nghệ thuật kinh dị đòi hỏi phải làm cho khán giả khiếp sợ, cảm thấy rùng rợn, sợ hãi. Nỗi sợ hãi đó toát lên từ bên trong, đánh thức cảm giác sợ hãi cố hữu trong lòng họ bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thủ pháp dàn dựng và nội dung bất ngờ của tình tiết kịch".

Nếu nhìn từ góc độ trên thì có thể nói Hạnh phúc trên đồi hoa máu lẫn Người vợ ma chưa phải kịch kinh dị mà chỉ có thể gọi là kịch... có ma! Trong đó, chính yếu tố "ngoại" là những thủ pháp sân khấu tạo ra nỗi sợ hãi hơn là nội dung kịch bản đích thực. 

Theo bật mí của một số bầu sô, do tính ăn khách của các vở kịch có ma, một số nơi đang tiếp tục dựng các vở kịch theo xu hướng này. Sự xuất hiện của các vở kịch này đã góp phần đa dạng hóa khẩu vị của khán giả và góp thêm một diện mạo mới cho làng kịch nói TP.HCM.

N.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.