Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (Kỳ 5)

12/10/2005 23:14 GMT+7

Nguyễn Trung Hiếu là người như thế nào? Anh em thông dịch viên nói chung ít giao tiếp với các chuyên viên tình báo quân sự Mỹ, MID. Tôi gọi chuyên viên vì những nhân viên MID mặc quân phục nhưng không mang cấp bậc. Hai bên cổ áo của họ chỉ đính vỏn vẹn cặp chữ U.S và trên túi áo trái là bảng tên.

Tuy nhiên, chúng tôi có quan hệ với Nguyễn Trung Hiếu qua tình đồng nghiệp. Từ Hiếu, tôi và các thông dịch viên khác như Chiến, Khải, Ninh, Chi... biết Fred (tức Fredric Whitehurst, người đã nghe lời khuyên của Nguyễn Trung Hiếu, không đốt cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm) và các chuyên viên MID. Thỉnh thoảng họ có nhờ chúng tôi phiên dịch trong các buổi điều tra sơ khởi và dịch thuật tài liệu do các đơn vị tác chiến thu được. Lều ở của Hiếu thường được anh em thông dịch viên tụ tập sau buổi cơm chiều. Bởi vì Trung Hiếu và Trần Bình chiếm ngự một căn lều rất rộng và nhất là rất hợp "gu" với chúng tôi về uống bia, tán láo - là hai đề mục diễn ra mỗi ngày. Kết quả hành quân trong ngày cũng là một nội dung được đề cập. Tôi muốn giải thích thêm, MID khai thác tin tức, có kết quả theo đối chiếu, liên hệ Ban 2 xin quân yểm trợ để thực hiện các cuộc đột kích vào hạ tầng cơ sở vùng giải phóng. Mỗi lần công tác, thường kết thúc từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ, MID gửi theo cánh quân yểm trợ một chuyên viên MID, một thông dịch viên và "một nguồn tin" dẫn đường. Các cuộc hành quân trong ngày của MID nhắm vào các mục tiêu: hầm trú ẩn, trạm xá, các cuộc họp của xã ủy, huyện ủy, trạm giao liên và lực lượng du kích gồm xã đội và huyện đội.

Tôi không nhớ rõ thời điểm cuộc tấn công bằng trực thăng của một đại đội của tiểu đoàn 3/1 (Always First), lữ đoàn 11 Bộ binh Hoa Kỳ vào một trạm xá của quân giải phóng đã diễn ra gần núi Tam Cọp, 12 km về hướng đông -đông bắc căn cứ Liz (Núi Chóp) trên bản đồ. MID cung cấp tin tình báo, Fred và Hiếu tháp tùng trong cuộc tấn công đó. Quân 3/1 đổ xuống gần mục tiêu, trực thăng võ trang bắn rocket và mini gun yểm trợ. Chỉ gặp sự chống cự nhẹ, theo lời kể sau này của thông dịch viên 3/1 là Phan Tấn Khải. Khải nói, quân Mỹ càn qua một lúc sau, Fred và Hiếu mới lên tới và tiếp nhận tài liệu. Buổi tối hôm đó, như thường lệ, thông dịch viên tụ tập tại lều của Hiếu. Chính lúc đó, Hiếu nói về bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nguyễn  Đình  Chiến và khoảng 4 thông dịch viên khác có mặt, Tuy không có mặt vào lúc đó nhưng tôi biết rõ một điều, nhân viên MID thường hay giữ làm của riêng các chiến lợi phẩm có giá trị: cờ giải phóng, sổ tay hành quân và nhật ký của cán binh Bắc Việt. Tôi cũng tin chắc rằng, bạn tôi, trung sĩ thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu đã đưa ra lời ngăn cản Fred đừng đốt cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Theo Fred, Nguyễn Trung Hiếu là thông dịch viên duy nhất dám nói chuyện thẳng thắn với ông trong thời gian anh phục vụ tại Đại đội 653 tình báo quân sự Hoa Kỳ. Khi anh nói với Fred nên giữ lại cuốn nhật ký nghĩa là anh chấp nhận đương đầu với hiểm nguy có thể trực tiếp đến từ Fred. Theo Fred, bởi vì ngoài nhiệm vụ phiên dịch, anh còn là một người lính phục vụ trong quân đội Sài Gòn lúc đó. Mới đây, trong cuộc tiếp đón người thân của bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại nhà riêng ở Mỹ, Fred tiết lộ, giữa ông và Nguyễn Trung Hiếu đã có cuộc hẹn gặp tại California, nơi anh Hiếu đang bận bịu việc mưu sinh.

Một nguồn tin khác của Thanh Niên cho hay, thông dịch viên Hiếu Nguyễn, người từng vẽ chân dung bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại chiến trường Quảng Ngãi cũng đang định cư tại Mỹ.

Đ.Ngọc Khoa

Nguyễn Trung Hiếu, người miền Nam, cao và mập. Chúng tôi gọi anh là Hiếu mập. Mấy chục năm qua tôi vẫn không quên Hiếu có khuôn mặt hiền, mắt Hiếu có nét ưu tư, miệng nhỏ và ít nói, giọng anh nhẹ như thủ thỉ khi nói đến một chuyện gì đó với tôi. Nước da anh trắng. Hiếu đơn giản. Hiếu thích đàn guitar, hát nho nhỏ những bài hát tiếng Việt. Nhưng anh chơi bóng bàn khá hay. Trong căn cứ Bronco, có nhiều tay vợt Mỹ đã thất thủ trước những cú líp xoáy, những cú bạt trái nhanh và mạnh, những cú bạt phải đầy uy lực. Khi cầm vợt, con người Hiếu khác hẳn bình  thường. Vì thế, tôi nhắc lại, tôi tin Hiếu đã dũng cảm đưa ra lời ngăn cản Fred.

Với tư cách làm việc đầy trách nhiệm, Hiếu được các nhân viên MID tôn trọng. Hiếu cũng chẳng hề làm anh em thông dịch viên mất lòng. Có dịp ngồi với nhau, trước sau gì Hiếu cũng đề cập đến cuộc chiến tại chiến trường Đức Phổ, đến những điều anh thấy anh nghe về nỗi đau của bà con cùng màu da với anh. Chẳng ai có đủ lý luận tranh cãi về chuyện đó với anh. Lúc đó, chúng tôi còn quá trẻ để nhìn thấy những điều không đúng, không phải ẩn giấu phía sau cuộc chiến đẫm máu đó. Hiếu thấy trước và tâm sự với những đồng nghiệp kém tuổi hơn. Với tôi, Hiếu là một người Việt chân chính. Nhưng nay Hiếu vẫn chưa lên tiếng! Tôi bâng khuâng nghĩ đến anh, nhớ lại và cảm phục về những gì anh đã làm trên cương vị một thông dịch viên Anh ngữ.

Một vài người bạn của tôi cho hay, sau 1971, khi quân Mỹ bắt đầu rút, có nhiều anh em đồng nghiệp đã rời nghiệp thông dịch viên để bước vào các khóa sĩ quan đặc biệt. Nhiều người được gửi sang Fort Benning, Georgia, Mỹ để học và trở về làm huấn luyện viên Trường Bộ binh Thủ Đức. Các thông dịch viên, những người một thời được mệnh danh là "cái lưỡi" của quân viễn chinh Mỹ nay có người đã chết, có người sang Mỹ trong diện H.O, có người về quê làm ruộng...

Cảm ơn Báo Thanh Niên đã có bài viết đầu tiên nhắc đến Nguyễn Trung Hiếu và cảm ơn anh Nguyễn Đình Chiến (cựu thông dịch viên), người đã hé lộ về Nguyễn Trung Hiếu trên Báo Thanh Niên. Nhờ các anh mà nhiều người đã biết đến bạn của tôi.

(Còn tiếp)

Kỳ sau: Theo chân quân y Sao Vàng, quân viễn thám Mỹ bị tổn thất nặng nề

Lê Thành Giai
(California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.