Đám tang Sài Gòn: Người sống khổ, người chết có vui?

17/12/2013 15:10 GMT+7

Không có cảnh khách đưa tang “chim nhau, cười tình nhau” hay con cháu đóng kịch khóc thương, dựng cảnh chụp hình nhố nhăng như trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhưng người ta cũng không khỏi xốn xang trước sự ồn ào, hoạt náo của những đám ma vui hơn đám cưới ở Sài Gòn.


Khiêu vũ tại một đám tang ở Sài Gòn - Ảnh chụp từ clip bạn đọc

“Và sau đây là ca khúc Teen vọng cổ, xin một tràng vỗ tay cho nữ ca sĩ XXX…”, giọng MC rộn ràng giới thiệu giữa đêm khuya, phía dưới khán giả vỗ tay rào rào tán thưởng, thỉnh thoảng lại có tiếng cụng ly “dzô, dzô…” của khách. Nếu không nói ra, thật khó ai có thể hình dung được đây là cảnh đang diễn ra trong một đám tang.

Ngày mới vào Sài Gòn học đại học, tôi và rất nhiều bạn bè của mình đã bị một phen sốc văn hóa thật sự khi chứng kiến đám ma ở đây.

 
Vẫn biết là mỗi vùng miền, phong tục tập quán khác nhau nhưng những cảnh náo nhiệt, vui vẻ thái quá trong đám ma Sài Gòn bây giờ có còn đúng với phong tục truyền thống ban đầu của nó? Không biết người nằm trong quan tài có cảm nhận được ý nghĩa việc giả vui, giấu buồn của người thân mình không, nhưng đám tang đã mất hẳn tính trang nghiêm vốn có của nó.

Gia chủ không những dựng rạp tổ chức ăn uống linh đình chẳng khác nào đám cưới ở quê tôi mà còn mời cả ca sĩ chuyên hát đám ma về làm sô ca nhạc từ hôm người thân mất đến ngày đưa tang.

Họ hát bất kể giờ giấc, khi thì giữa trưa nắng, khi nửa đêm vẫn chưa dừng. Tiếng chuông mõ trầm buồn, tiếng khóc thương của người thân nhường hẳn cho tiếng nhạc xập xình, những ca từ nhảm nhí từ các bản nhạc chế, xen lẫn là tiếng vỗ tay, cạn ly thích thú của khách viếng và cả gia chủ khi thấy ca sĩ nhảy “sung” hơn. Đó là chưa kể, một vài đám tang, thân nhân người quá cố còn thuê người biểu diễn thêm các tiết mục xiếc như múa lửa, phóng dao… giống hệt như những chương trình tạp kỹ.

Mỗi lần trong khu phố có đám tang, tôi và nhiều nhà hàng xóm chỉ biết khóc thầm, 12 giờ đêm còn chưa ngủ được vì tiếng nhạc ồn ào thì 3-4 giờ sáng đã bị kèn trống náo nhiệt dựng dậy.

Có người đi làm mệt cả ngày, tối về vẫn không được nghỉ ngơi; bức quá, phải qua nhà bạn bè, khách sạn ngủ tạm. Người ở lại thì sáng ra đi làm, đi học, chỉ biết lắc đầu mệt mỏi, ngao ngán hỏi nhau “không biết bao giờ đưa tang”. Hàng xóm láng giềng với nhau nên dù khó chịu đến đâu, chúng tôi cũng không ai nỡ và dám góp ý với gia chủ giữa lúc tang thương thế này. Nên những đám ma “lai” đám cưới lại cứ tiếp nối nhau, diễn ra trong khu phố.

Theo tôi được biết thì theo quan niệm của người miền Nam, đám tang phải được tổ chức ồn ào, vui vẻ như thế để mong người thân của mình yên tâm ra đi, sớm siêu thoát; không bị nước mắt, không khí buồn thảm của gia đình, người thân làm lưu luyến cõi trần. Hơn nữa, nhạc lễ, từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu của việc tang tế ở vùng đất Nam Bộ. Trong cuốn Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà văn Sơn Nam có viết, ở Nam Bộ thời xưa, những gia đình khá giả thường rước kép hát, ban nhạc đờn ca tài tử về diễn trong đám tang. “Đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt buồn ngủ gục, chơi nhạc vui, nhưng không lố lăng”.

Người Trung chúng tôi thì ngược lại, dù là trước đây hay bây giờ, đám tang cũng diễn ra trong tiếng đàn nhị thê lương, tiếng mõ tụng kinh trầm buồn, không khí đau thương, ảo não nhưng cũng không kém phần thiêng liêng, trang trọng. Khách đến viếng sau khi thắp hương cho người đã khuất thì ra bàn uống chén trà, tiếp chuyện chia buồn với gia chủ dăm ba phút rồi về bởi ngồi cà kê dây dưa là điều tối kỵ ở đám tang vùng miền Trung.

Vẫn biết là mỗi vùng miền, phong tục tập quán khác nhau nhưng những cảnh náo nhiệt, vui vẻ thái quá trong đám ma Sài Gòn bây giờ có còn đúng với phong tục truyền thống ban đầu của nó? Không biết người nằm trong quan tài có cảm nhận được ý nghĩa việc giả vui, giấu buồn của người thân mình không, nhưng đám tang đã mất hẳn tính trang nghiêm vốn có của nó.

Còn người ngoài chúng tôi nhìn vào chỉ biết xót xa cho người đã khuất.

Bảo Uyên*

Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là sinh viên năm 4, khoa Ngữ văn Pháp, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

>> Xử lý nghiêm việc rải tiền thật trong đám ma
>> Làm đám ma cho… người sống
>> Dùng ảnh sao quảng cáo… đám ma
>> Đám ma... “tạp kỹ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.