“Khi kịch cọt lúc thơ ca”

25/10/2008 23:03 GMT+7

Khoảng mười năm trở lại đây, trên lĩnh vực sân khấu, người ta thấy xuất hiện một cái tên hơi lạ: Văn Trọng Hùng. Những nhân vật lịch sử ngỡ như ngủ yên trong quên lãng đã được tác giả “dựng dậy” bằng cái cách của mình. Ông không chỉ có kịch mà còn có cả thơ. Có lần ông đã tự “trích ngang” một góc của đời mình qua thơ: “Khi kịch cọt lúc thơ ca”...

Bản thân câu thơ trên đã nói lên rằng: Thơ và kịch không phải là “nghề” chính của Văn Trọng Hùng. Thấy thuận cái gì thì thể hiện bằng hình thức đấy. Đó là thuộc tính của những anh chàng có máu lẳng lơ chăng? Nhưng đừng lầm tưởng rằng, làm thơ hoặc viết kịch với Văn Trọng Hùng chỉ là để “chơi chơi” như ông nói đâu! Trên tay tôi bây giờ là 3 tập thơ (NXB Hội Nhà văn) và cuốn sách Đi tìm chân chúa dày cộp của Văn Trọng Hùng. Tập kịch được NXB Sân khấu ấn hành, gồm 5 vở kịch: Đi tìm chân chúa, Phong thần, Anh hùng với giai nhân, Tiết Giao trả ngọc, Luận anh hùng ngót 500 trang và 3 tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Chỉ nghe qua các tựa đề ấy không thôi cũng đủ... toát mồ hôi rồi. Là bởi, để viết những vở kịch dưới dạng lịch sử như thế, dĩ nhiên là phải đọc nhiều, hiểu biết nhiều. Không thông làu kinh kệ, viết ú ớ, thế nào cũng có người... kiện!

Chính những vở kịch này đã đưa tên tuổi của Văn Trọng Hùng vượt ra khỏi địa phận của đất võ Bình Định quê ông, được đánh dấu bằng các giải thưởng lớn (giải ba, giải nhì...) của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thông tin trong các năm từ 1993 - 2003, hai lần được giải A về “Giải thưởng 5 năm văn học - nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn tỉnh Bình Định 1990-1995; 1996 -2000”. Các giải thưởng đã làm công việc “định vị” cho tác giả, song cái đọng lại trong lòng người đọc không phải bằng các giải thưởng. Hơn ai hết, chính Văn Trọng Hùng hiểu rõ điều đó. Có vẻ như ông không “ăn thua đủ” lắm với văn chương nhưng khi đã lao vào cuộc chơi chữ nghĩa này thì phải hết sức quyết liệt và nghiêm túc, dù trong kịch hoặc trong thơ, Văn Trọng Hùng là người hay bỡn cợt và tự giễu mình: “Dài lưng tốn vải lại ngông/Áo cơm lớt phớt lông bông cười khà”.

***

* Anh đến với kịch khi nào vậy? Có người cho rằng làm thơ là để giãi bày, còn viết kịch thì sao?

- Kịch hay thơ gì thì cũng là kết quả của những day trở trong mỗi người có chút máu me văn chương nghệ thuật. Mẹ tôi là người thuộc rất nhiều tích tuồng cổ. Chính mẹ đã gieo vào tôi niềm đam mê nghệ thuật từ thuở thiếu thời. Tôi lớn lên ở phía đầu nguồn sông Lại Giang trong tiếng rì rào của rừng dừa Bình Định lẫn với những tiết tấu bổng trầm qua từng câu hát của mẹ.

“Kịch đã đến với tôi như là sự tiếp biến của tình yêu thương và kính trọng những gì mà mẹ tôi và những đoàn văn công từng gieo vãi trong tôi. Viết kịch, với tôi như là sự giữ lửa”. Nhà viết kịch, nhà thơ Văn Trọng Hùng
Sau này lại được ở gần Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định nên tình yêu nghệ thuật được nhân lên. Từ những câu hát ấy, tôi cứ ám ảnh về những thân phận của nhân vật trong các tích tuồng cổ và các nhân vật lịch sử. Các nhân vật lịch sử đã đóng vào vận mệnh dân tộc bằng con dấu của những kỳ tích. Vì vậy, kịch đã đến với tôi như là sự tiếp biến của tình yêu thương và kính trọng những gì mà mẹ tôi và những đoàn văn công từng gieo vãi trong tôi. Viết kịch, với tôi như là sự giữ lửa. Vì vậy, nói viết kịch là để giãi bày thì cũng không sai mà nói để thử sức thì cũng không quá.

* Những nhân vật trong kịch của anh, hầu như ai cũng đã từng nghe, từng đọc đâu đó trong lịch sử. Vậy cái khó nhất với anh khi khắc họa các nhân vật ấy là gì?

- Đề cập đến những nhân vật mà ít nhiều ai cũng biết, nếu không khéo, dễ trở thành minh họa lịch sử. Tôi không quan tâm lắm đến chuyện “đồ đậm” những gì mà nhân vật ấy đã làm mà cái chính là, thông qua những việc làm cụ thể ấy, tôi muốn gửi đến người đọc, người xem một chân dung khác về nhân vật của mình, vừa cụ thể như lịch sử đã đề cập nhưng cũng rất huyền hồ theo cách nghĩ, cách cảm của người viết. Vì vậy, cái mà người viết luôn phải đối mặt trên từng trang giấy của mình không chỉ là viết làm sao đó để người đọc, người xem thêm một lần tiếp cận với nhân vật mà họ từng biết đến mà còn phải mang lại cho họ một sự vỡ lẽ nữa. Ví như Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ là kết quả của những toan tính bên trong “hậu trường” thời ấy. Xuất phát ban đầu từ một “âm mưu” nhưng mối tình lịch sử ấy đã thực sự đơm hoa. Tình yêu có thể vượt lên trên mọi toan tính đen tối. Đó là những gì tôi muốn nhắn gửi qua vở Anh hùng với giai nhân.

 
Các tác phẩm thơ, kịch của Văn Trọng Hùng

* Mới đây, độc giả lại thấy anh xuất hiện trên Báo Văn Nghệ - một tờ báo khá kén bài, nhất là với thơ. Cả hai bài thơ ấy đều nói đến các nhân vật lịch sử là Nguyễn Trãi và Hồ Quý Ly. Có vẻ như anh chưa xả hết những điều mình muốn nói trong kịch nên “sang số” qua thơ?

- Có khi cả một vở kịch, dù anh vòng vo Tam Quốc đến đâu thì cuối cùng anh cũng chỉ muốn gửi gắm một điều gì đó. Trong khi thơ chỉ cần nói dăm bảy câu, thậm chí một câu, là đủ. Tôi thấy thuận hình thức nào thì viết theo cái mình “thuận” ấy thôi.

* Chẳng hạn như trong bài thơ Đêm ấy ở Côn Sơn, chỉ có mấy câu thôi mà ông đã gửi gắm nhiều điều: “Ở Côn Sơn đêm ấy vẫn lặng yên/ Nguyễn Trãi chong đèn đọc sách/Về khuya mưa như trút nước/Lê Lợi đến thăm/Nguyễn Trãi đã đi nằm”. Ức Trai không tiếp con người đã từng nằm gai nếm mật suốt 10 năm với mình! Chuyện Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc dưới lưỡi gươm của nhà Lê, mãi về sau mới được minh oan thì ai cũng biết nhưng Nguyễn Trãi tỏ thái độ “khi quân” trong cái đêm mưa gió ấy thì chỉ có... Văn Trọng Hùng mới biết?

- Hiểu thơ theo lối quy chụp như thế sẽ rất nguy hiểm. Câu thơ ở đây là Lê Lợi đến thăm/ Nguyễn Trãi đã đi nằm chứ không phải là bỏ đi nằm (vì muộn!). Tôi thì chỉ thiển nghĩ thế này, Nguyễn Trãi là một chiến lược gia quân sự nhưng ông cũng là nhà thơ thiên tài. Cơn mưa ở Côn Sơn đêm ấy là mưa rửa hận. Nhà quân sự nghe mưa thì toan tính đến quân lương, còn nhà thơ nghe mưa thì chỉ muốn tĩnh tâm để gặm nhấm những vui buồn trần thế. Lúc ấy thì vua đến hay lính đến gì thì cũng thế. Chỉ có nhà thơ đến, Nguyễn Trãi mới vùng dậy hầu rượu mà thôi!

***

Ông Hùng chỉ “bốc” lên có chừng đó. Tôi không dám suy diễn về ông nên xin được mượn câu thơ của chính tác giả để nói về ông: Nửa muốn làm quan, nửa muốn làm thi sĩ.../Quan như lính, thơ chừng lạc điệu. Cũng là một cách “diễu” thế thôi, quan vẫn là quan mà thơ vẫn cứ nao nao đấy ạ: Thương cho sông chẳng lặng yên/Kéo nhau ra biển để quên mất mình. (Gửi người đàn bà đếm cát).

Đau đáu như thế, hèn chi “lao đao lận đận một đời” là phải! 

 
Một cảnh trong vở kịch Luận anh hùng của Văn Trọng Hùng - Ảnh: Đào Tiến Đạt
Đến nay, Văn Trọng Hùng đã in 3 tập thơ (Dạo khúc nhân tình, Bóng trúc, Đối ảnh) và viết 7 vở kịch (Phong thần, Tiết Giao trả ngọc, Đi tìm chân chúa, Anh hùng với giai nhân, Luận anh hùng (đã được gộp lại thành tập kịch bản Đi tìm chân chúa), thêm vở đầu tay Nước mắt Diêm vương và mới đây là Nhìn lại một vương triều). Ông đã đoạt 3 giải thưởng kịch bản văn học (Phong thần, Anh hùng với giai nhân, Nhìn lại một vương triều), nhiều giải thưởng sân khấu và 2 tác phẩm được tuyển vào Kịch hát Việt Nam chọn lọc nửa cuối thế kỷ XX (Đi tìm chân chúa, Anh hùng với giai nhân). Mới đây, Nhìn lại một vương triều vừa được giải thưởng kịch bản Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, 2007. Ông hiện là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Định.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.