Bi hài chuyện trang phục đóng phim

09/12/2009 14:13 GMT+7

(TNTS) Trang phục cho phim chuyện tưởng nhỏ nhưng luôn khiến nhà sản xuất đau đầu, còn với diễn viên thì đó nhiều khi là chuyện bi hài.

Nhà sản xuất, đạo diễn đau đầu

Nếu tinh ý, nhìn vào trang phục người ta có thể đoán đó là thời kỳ nào, nhân vật ấy ra sao, hiền dữ, trung thần hay gian nịnh… Đã có nhiều phim gần như lĩnh “án tử hình” bởi trang phục không khắc họa được tính cách nhân vật khiến người xem cứ tức anh ách vì không hiểu chuyện gì đã xảy.

Quả thật, người xem rất khó chịu khi thấy một ông vua Hồ lại đóng khố một cách thô sơ, hay một cô thôn nữ lại có thể ăn mặc như một cô tiểu thơ con ông… hội đồng. Rồi những cậu ấm cô chiêu lại có thể nhởn nhơ trong trang phục của các tay chơi hip-hop, quần thun áo phông như muốn chứng minh mình là tay chơi thứ thiệt.

Trang phục đóng phim, chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ. Bởi đây là một trong những yếu tố chính để tạo nên sự thành công của bộ phim. Đó cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, sự nghiêm túc của nhà sản xuất và đạo diễn. Tiếc rằng, lâu nay tại các liên hoan phim của VN, vẫn không có giải Nhà thiết kế trang phục xuất sắc. Nên chăng cần có hạng mục này trong cơ cấu của giải để tôn vinh những người làm nghề.

Trong phim Hương phù sa của đạo diễn Võ Tấn Bình khi đưa hình ảnh của hai cô Út Ráng và Út Nhỏ trong trang phục đầm ngắn, váy màu, quần tây, áo sơ mi mỏng bỏ thùng, lái chiếc xuồng một cách sành điệu, khiến nhiều khán giả “ngờ ngợ” vì không biết có phải thôn nữ miền Tây bây giờ lại “tiến bộ” dữ dằn như vậy không? Nhưng với đạo diễn thì đó là sự cách tân cần thiết, vì dân miền Tây bây giờ rất “thành thị”. Hơn nữa, nhân vật là chủ một xưởng đóng tàu, nên được “quyền” ăn mặc bảnh bao, đó là cái lý của Tấn Bình khi muốn diễn viên của mình không chỉ ngoại hình đẹp mà cả trang phục cũng phải phù hợp với sự đổi mới của các nhân vật.

Đó là phim xã hội, còn riêng phim lịch sử và cổ trang? Cực khổ gấp trăm lần! Còn nhớ lúc làm phim Ngọn nến hoàng cung đạo diễn Quốc Hưng phải đau đầu cùng nhà thiết kế Thế Bảo lật tung các hồ sơ để tìm các mẫu trang phục của thời Bảo Đại. Vải may trang phục phải đặt từ nước ngoài. Đã thế còn phải tìm các nhân chứng sống để nắm rõ các chi tiết nhằm thể hiện đúng tính cách nhân vật. Gần 2.000 bộ trang phục đã ra đời sau gần 2 năm lao động cật lực. Đến phim Lục Vân Tiên thì nhà thiết kế Kiều Việt Liên vào cuộc để phác họa cho gần 400 bộ trang phục cho tất cả các nhân vật trong phim. Đây có thể xem là sự đầu tư nghiêm túc nhất cho các nhà sản xuất phim. Nhờ thế mà khán giả nhìn nhận bộ phim nghiêm túc và đàng hoàng.

 
Trang phục trong phim Võ lâm truyền kỳ

Mới đây đạo diễn Quan Lê Lang tuyên bố anh vừa đầu tư thành công mẫu trang phục cổ trang, với chất liệu gọn nhẹ trông như thật, dù chỉ là một mẩu phim quảng cáo, nhưng xem ra nhân vật trong phim đã làm hài lòng những ai đã từng chứng kiến. Lê Lang hy vọng đây sẽ là một bước ngoặt mới cho những ai từng đau đầu khi làm phim dã sử.

Quả thật, với bộ phim Tây Sơn hào kiệt vừa hoàn thành,  NSƯT Lý Huỳnh đã từng phải “than thở” với bài toán trang phục trong phim. Vì với quân số gần 1.000 người trong nhiều trận chiến, dù ông chịu chi để đầu tư toàn bộ trang phục mới, nhưng với Hoàng đế Quang Trung mặc áo hoàng bào như thế nào, Công chúa Ngọc Hân mặc trang phục ra sao, được ê-kíp đoàn phim tính toán rất kỹ. Bởi nếu lạm dụng quá sẽ giống... cải lương, còn hà tiện trang phục quá làm sao toát lên vẻ sang trọng quý phái của bậc đế vương.

Diễn viên tự lo là chính

Khi tham gia đóng phim, rất nhiều diễn viên từng than thở khi vào vai giám đốc, hoặc thương gia. Bởi nhận vai có nghĩa là phải tự đầu tư trang phục. Từ vài bộ đồ vest, đến mấy đôi giày hàng hiệu, hay thậm chí cả chiếc áo ngủ cũng phải đạt đẳng cấp giàu sang, nếu “bèo” quá là xem như thua, còn đầu tư tới chốn thì ngốn hàng “núi” tiền. Có lẽ vì thế mà cũng lắm nghệ sĩ reo mừng khi được giao đóng vai... nghèo, vì ít phải chi tiền túi nhất. Họ chỉ cần sắm vài bộ quần áo cũ kỹ, thậm chí rách nát là có thể vào vai một cách thoải mái.

 
Phim Hương phù sa

Kể chuyện đi lùng quần áo ở các đầu mối, diễn viên Ngọc Lan cho biết: “Nhận vai là phải nghiên cứu rất kỹ, vai kiều nữ của tôi gốc quê hai lúa nên dù quần áo sang trọng nhưng phải có phần lúa lúa. Đã thế, mỗi lần đi mua tôi phải rủ thêm diễn viên Kha Ly. Hai đứa bịt mặt, đội nón bảo hiểm vào tận chợ Minh Phụng (TP.HCM) để lùng mua quần áo. Cái sướng là người bán không nhận ra diễn viên nên bọn tôi tha hồ trả giá, không bị chặt chém như những lần mua trước đó”.

Còn diễn viên Kiều Trinh của Mùa len trâu lại đi khắp hang cùng ngõ hẻm để lùng các nhà may. Tuy thế điểm hẹn quen thuộc của cô lại nằm sâu trong một con hẻm của đường Hùng Vương gần chợ An Đông, TP.HCM. Cô thổ lộ: “Đảm nhận vai tiểu thơ nhà giàu... thì không thể xuề xòa, kinh phí thì không có đoàn phim nào bàn tới, nên tự mình phải lo là chính. Việc vào hẻm đặt may đồ lắm lúc bị khán giả phát hiện hỏi thăm, nhiều lúc ngại không dám nói ra, chỉ cười qua loa và nói đi thăm ông anh kết nghĩa cho xong chuyện!”.

 
Phim Lục Vân Tiên

Riêng danh hài Quốc Thuận thì khác hẳn, bởi theo lời anh: “Diễn viên nam dễ sắm đồ hơn nữ rất nhiều, có lúc cũng không cầu kỳ lắm, thậm chí vào các vai sinh viên thì lại dễ mua đồ hơn. Mỗi lần mua đồ tôi đi thẳng ra chợ si-đa Bà Chiểu. Thuận có nhiều mối quen lắm, biết mình là nghệ sĩ... nghèo, nên mỗi lần có quần áo mới về, họ còn điện thoại kêu ra lựa thoải mái, để dành cho các vai diễn sau”.

 
Phim Hiệp sĩ đường phố

Bên cạnh đó, hiện nhu cầu quảng cáo đôi bên cùng có lợi là “chuyện nhỏ”. Vì thế một số ngôi sao được các nhãn hiệu thời trang tài trợ trang phục nên có đôi phần đỡ lo. Song do tài trợ mà đôi khi lại có chuyện “lệch pha”. Chẳng hạn, trong phim m tính của đạo diễn Phương Điền, chỉ mỗi mình Mai Phương Thúy là được tài trợ toàn bộ trang phục vì cô là hoa hậu, còn Ngọc Lan lại không có may mắn ấy và cũng không được báo trước, khiến cô lâm vào cảnh dở khóc dở cười, nước mắt rơi lã chã tại phim trường. Hay như Quyền Linh từ ngày ăn nên làm ra từ thương hiệu MC, “bỗng nhiên” anh liên tục được các nhà may ưu ái mời mặc những bộ trang phục đắt tiền. Trước thì khó khăn với trang phục nhưng nay với “vua game show” thì đó là “chuyện nhỏ như con thỏ”.

Bài & ảnh: Lữ Đắc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.