Phí ùn tắc giao thông: Khó khả thi!

17/10/2008 23:22 GMT+7

Trong khi đề xuất thu phí lưu hành xe đang gây tranh cãi, thì mới đây, UBND TP.HCM tiếp tục đề nghị thêm một loại phí khác: "phí ùn tắc giao thông" để hạn chế sử dụng ô tô.

Mơ hồ!

PGS-TS Phạm Xuân Mai, chủ nhiệm bộ môn ô tô, Khoa kỹ thuật giao thông (trường Đại học Bách khoa), nói thẳng: "Đề xuất thu "phí ùn tắc giao thông" để hạn chế sử dụng ô tô cũng khó khả thi giống như đề xuất thu phí lưu hành xe mà UBND TP vừa trình Bộ Tài chính".

Theo ông Mai, khó khả thi ở chỗ TP phải nghiên cứu, quy hoạch bố trí hệ thống thu phí giao thông như thế nào cho phù hợp với thực trạng đường sá vốn chật hẹp, xô bồ như hiện nay. Điều khiến ông ngạc nhiên hơn là để giải quyết việc làm khó khả thi trên, TP sẽ lập hệ thống thu phí giao thông điện tử (ERP) theo hướng số tiền phải trả cho việc sử dụng một tuyến đường phụ thuộc vào mức độ ùn tắc giao thông trên tuyến... "Đây tiếp tục là một giải pháp chưa có lối ra của TP", ông Mai khẳng định. Cho rằng việc thu phí bằng hệ thống điện tử ERP là hiện đại, đang được nhiều nước phát triển sử dụng, nhưng ông Mai nói chưa thể áp dụng tại VN. Hệ thống này hoạt động hoàn toàn tự động, khi ô tô chạy vào tuyến đường đang có ùn tắc giao thông, thì lập tức bị tính tiền qua hệ thống thanh toán điện tử. Mà điều này còn quá xa lạ đối với phần lớn người dân TP. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho hệ thống thu phí ERP là rất lớn. 

Cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu

Nếu TP chỉ tìm mọi cách đánh vào túi tiền của người dân để hạn chế xe cá nhân, mà không quan tâm giải quyết một số nguyên nhân chủ quan khác, như hạ tầng giao thông đô thị xuống cấp, quản lý đô thị kém… thì sẽ khó mà giải quyết được bài toán kẹt xe.

Đại biểu HĐND TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang

Một vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm là kế hoạch sử dụng số tiền thu phí ra sao, sẽ phục vụ như thế nào cho việc cải thiện ùn tắc giao thông? Nhìn từ góc độ nhà nghiên cứu đô thị, thạc sĩ Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP, ủng hộ việc thu phí của TP, nhưng cũng đề nghị TP phải trả lời các câu hỏi lớn của dư luận, là thu phí để làm gì, có tạo được sự công bằng trong thu phí? "Nếu TP giải đáp được hai vấn đề này, tôi nghĩ người dân sẽ an tâm thực hiện", ông Thành nói.

Còn theo đại biểu HĐND TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang, để thuyết phục được đại biểu HĐND TP và nhân dân,  UBND TP cần phải có những đánh giá rõ ràng về việc thu phí trên. Cụ thể là phải đánh giá được nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông; phải đánh giá được rằng, nếu thu phí thì sẽ hạn chế được bao nhiêu xe lưu thông? Và, quan trọng là sau khi thu, số tiền đó sử dụng làm gì để cải thiện tốt hơn tình hình giao thông... "Đó là những vấn đề mà đại biểu chúng tôi đang cần. Chúng tôi phải được nghe thật rõ, kỹ những vấn đề trên, để có cơ sở nêu ý kiến ủng hộ hay đưa ra những ý kiến khác", đại biểu Quang nói. Đại biểu Quang cho biết, ông không đồng tình việc một lãnh đạo UBND TP trả lời báo chí rằng việc đề xuất là của TP còn việc thông qua là do Bộ Tài chính, vì trả lời như vậy là không ổn.

Tán thành ý kiến trên, ông Phạm Xuân Mai, nói TP phải công bố công khai cho người dân biết rõ việc thu các loại phí trên sẽ được thu bằng cách nào? Giao ai thu?...

Nên tham vấn ý kiến nhân dân

Các đại biểu cùng cho rằng, thu phí chỉ là một trong nhiều giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Trường hợp phải sử dụng giải pháp này, UBND TP và các sở, ngành liên quan cần tham vấn ý kiến của người dân và nhất là có câu trả lời cụ thể cho những vấn đề người dân đang thắc mắc như đã nói trên.

Còn ông Phạm Xuân Mai kiến nghị TP nên giao cho một ủy ban hỗn hợp nhiều thành phần, trong đó có đại diện của nhân dân, của những người hành nghề lái taxi, xe buýt, các chuyên gia... để trao đổi, bàn bạc nhằm tạo sự đồng thuận chung. "Trước khi trình ra một vấn đề liên quan đến đời sống của đại bộ phận dân chúng, TP cần thông tin trước cho người dân hiểu. Khi dân hiểu thì việc triển khai mới dễ dàng, chứ nói thu "phí ùn tắc giao thông" thì mơ hồ quá!", ông Mai nói.

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.