Những cơ hội từ cổ phiếu giá thấp

14/11/2008 23:32 GMT+7

Có hơn một nửa số CP đang niêm yết trên sàn TP.HCM hiện có giá giao dịch dưới giá trị sổ sách.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, VN-Index tiếp tục tăng thêm 5,83 điểm, đạt 352,07 điểm. Điều này khiến nhà đầu tư (NĐT) đỡ bi quan hơn dù tính chung cả tuần, VN-Index đã mất 13,9 điểm so với cuối tuần trước.

Tiếp tục thế giằng co

Đây là phiên thứ 2 tăng điểm liên tục của VN-Index nhưng mức tăng khá ít. Điều đó cho thấy thị trường vẫn đang ở thế giằng co mạnh mẽ. Cả bên mua lẫn bên bán đều không tỏ ra sốt ruột khiến tổng giá trị giao dịch chứng khoán tại sàn TP.HCM chỉ đạt 447,59 tỉ đồng. Ở một số mã chứng khoán, người bán vẫn để giá cao còn người mua lại đặt giá thấp và không có gì phải vội vàng.

Ngay từ lúc mở cửa thị trường sáng qua, nhiều cổ phiếu (CP) đã tăng giá và giữ được mức tăng đến hết phiên. Từ những CP blue-chips như HPG, DPM, STB, SSI, FPT... đến nhóm các CP nhỏ hơn như SMC, COM, BBC và cả BBT đều khiến cho NĐT phấn khởi khi màu xanh trên bảng giá chiếm chủ đạo. Tương tự, hàng loạt CP trên sàn Hà Nội cũng tăng giá, khiến cho chỉ số Hastc-Index quay đầu tăng lên sau phiên giảm điểm trước đó (Hast-Index tăng thêm 2,43 điểm, đạt 113,07 điểm). Tổng khối lượng CP giao dịch tại sàn Hà Nội đạt 7,96 triệu CP với tổng giá trị đạt 212,75 tỉ đồng.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến phiên tăng điểm này được xem là do thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang song hành chặt chẽ với nhiều TTCK trên thế giới. Tín hiệu tốt từ TTCK Mỹ khi các chỉ số Dow Jones, Nasdaq hay S&P kết thúc phiên giao dịch rạng sáng ngày 14.11 (giờ Việt Nam) đều có mức tăng trên 5% đã giúp nhiều NĐT bớt lo ngại. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, hầu như hiện nay nhiều TTCK trên thế giới đi theo quy luật lên xuống khá giống nhau và đều nhìn về diễn biến của TTCK Mỹ. Tuy nhiên mức độ tăng hay giảm có khác nhau, tùy thuộc vào phản ứng tâm lý của các NĐT ở thị trường đó. "Vẫn chưa có dấu hiệu nào để khẳng định xu hướng lên hay xuống của thị trường một cách chắc chắn. Do vậy nhiều NĐT khá thận trọng khi mua bán hoặc chỉ đứng nhìn mà ít tham gia, kể cả các NĐT tổ chức", ông Tuấn nói.

Đang ngóng theo diễn biến kinh tế thế giới nên những tín hiệu tốt từ nền kinh tế Việt Nam như lãi suất giảm mạnh, giá xăng dầu giảm, lạm phát giảm... cũng không thật sự đủ mạnh để kéo toàn bộ thị trường tăng mạnh trong nhiều phiên. Vì vậy, việc thị trường tăng nhẹ 2 hoặc 3 phiên rồi sau đó xuất hiện phiên điều chỉnh được xem là "chuyện thường ngày ở huyện".

Một số CP có giá giao dịch thấp hơn giá trị sổ sách

Mã chứng khoán

Thị giá (ngày 14.11)

(đồng)

Giá trị sổ sách (BV) quý 3/2008 (đồng)

DQC

19.000

43.166

ALT

24.100

49.642

SAM

17.600

36.364

ABT

28.000

45.041

HBC

18.500

35.467

GIL

15.800

30.863

VNS

19.800

32.511

KDC

29.700

41.535

BBC

15.400

31.129

HAS

11.800

25.232

(Nguồn: Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam)

Nhiều cổ phiếu có thị giá thấp

Thị trường sụt giảm quá mạnh thời gian qua đã khiến giá nhiều loại CP xuống mức thấp. Theo thống kê của Công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam, có hơn một nửa số CP đang niêm yết trên sàn TP.HCM hiện có giá giao dịch dưới giá trị sổ sách (BV). Chẳng hạn giá CP Công ty cổ phần XNK Petrolimex (PIT) đang là 14.400 đồng/CP so với BV hết quý 3/2008 đạt 22.836 đồng/CP; CP của Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) giá 29.700 đồng/CP trong khi BV là 41.535 đồng/CP; CP Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam (PNC) là 10.500 đồng/CP, BV là 19.150 đồng...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng (ĐH Mở TP.HCM), cho biết trong vòng 2 tuần qua, ông nhận được khá nhiều câu hỏi "Nên mua vào CP nào?" từ những NĐT đã tham gia vào thị trường khá lâu và cả những người chưa từng tham gia. "Quan trọng nhất là theo đánh giá của những người đó, giá CP có thể sẽ còn giảm xuống nữa nhưng sẽ không giảm quá sâu và điều đó không khiến họ quá lo lắng vì họ đã xác định sẽ đầu tư lâu dài. Nhất là những NĐT mới bắt đầu tham gia thì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền vừa phải là đã có cơ hội để sở hữu một lượng CP nhất định. Điều này vốn dĩ trước đây họ không thể thực hiện được", ông Thuận nói. Cơ hội thì có nhiều nhưng phần lớn các NĐT trong nước hiện vẫn đang chờ xem diễn biến trên TTCK Mỹ cùng với động thái bán ra của NĐT nước ngoài. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, có thể cần phải thêm một thời gian nữa thì xu hướng thị trường mới được khẳng định và lúc đó thị trường mới sôi động hơn khi NĐT đã xác định được hành động cho mình.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.