Vết chân tròn trên cát

26/10/2005 21:51 GMT+7

Anh sống chật vật trong cảnh tật nguyền với đôi chân co quắp. Đôi nạng được làm bằng thân tre nâng bước anh đi đã in vết chân tròn trên những con đường làng bạt ngàn cát trắng. Vượt lên nỗi đau thể xác, suốt hơn 20 năm qua, anh vẫn ngày ngày bất kể nắng mưa, chống nạng đến lớp dạy cho hàng trăm đứa trẻ quê mình. Một cuộc đời quá đỗi nhọc nhằn nhưng đầy vinh quang của một con người.

Anh là thầy giáo Nguyễn Trai, sinh năm 1964 ở thôn Thanh Lam, xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Anh là người con thứ 4 trong một gia đình có 7 anh chị em chuyên làm nghề nông. Giờ đây, những anh chị em trong nhà đều đã lập gia đình, riêng anh vẫn sống với bố mẹ già gần 80 tuổi, hoàn toàn mất khả năng lao động.

Giọng nghẹn ngào, có khi lại ngừng bặt, anh nhớ lại: "Một hôm trên đường đi học, gần về đến nhà thì tự nhiên đôi chân ríu lại vào nhau. Cố bước đi bình thường nhưng chân này cứ va chập vào chân kia, quỵ xuống, phải cố lê lết về nhà. Ai cũng cứ nghĩ chắc là chỉ bị phong gì đó thôi nhưng càng ngày, biểu hiện của đôi chân càng kỳ lạ, cử động khó khăn, không còn theo sự điều khiển của bản thân. Gia đình đưa đi viện, bác sĩ chẩn đoán bị viêm đa khớp. Nằm viện được 22 ngày, bác sĩ bảo cần phải đưa ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới mong chữa khỏi...".

Bao nhiêu gia sản đã gom bán hết nhưng vẫn không đủ cho chuyến ra Hà Nội điều trị, gia đình đành phải đưa anh trở lại quê nhà. Từ đó, đôi chân hoàn toàn tê liệt, anh phải nằm một chỗ suốt mấy năm liền. Nghĩ về tháng ngày rộng dài phía trước, anh gắng gượng ngồi dậy rồi tập đi, "khởi động" lại đôi chân của mình.

Nỗ lực tập luyện một thời gian, anh đã di chuyển được cơ thể của mình bằng... hai tay và đôi nạng bằng tre tự tạo. Những năm 1980, địa phương phát động phong trào xóa nạn mù chữ. Với vốn kiến thức trang bị được từ khi còn đi học cộng với thời gian tự mày mò học thêm trong mấy năm nằm liệt giường, anh tình nguyện tham gia mở lớp dạy tại gia miễn phí. Cảm phục trước nghị lực và tấm lòng của thầy Trai, dân làng ngày thì đi làm đồng, tối về cùng nhau kéo đến nhà thầy Trai. Họ đã bắt đầu biết chú trọng việc học hơn, dần dà từ bỏ nếp nghĩ "thiếu chữ không chết chỉ sợ chết vì thiếu... ăn"! Sau đó, số học sinh của thầy Trai không ngừng tăng lên. Ngôi nhà chật chội của gia đình không đủ mặt bằng để duy trì lớp học. Cùng lúc này, nhà của người bác cạnh bên sau khi chuyển đi nơi khác đã để lại căn nhà bếp tuềnh toàng cho thầy Trai mượn dùng tạm để vừa dạy học vừa "quản" hộ khu vườn. Do căn nhà đã xuống cấp, vách tường, mái lợp rách nát nên mùa hè thì thừa nắng, mùa mưa thì nước tạt tứ bề. Mấy bộ bàn ghế lắp ghép tạm thời cứ nghiêng ngả ọp ẹp. Cả thầy và trò "đồng cam cộng khổ" vượt qua. Theo lời kể của những học trò thầy Trai thuở ấy, họ đã trả học phí cho thầy bằng... công cày, cấy!

Cảnh túng thiếu mọi bề ròng rã suốt 20 năm nhưng lớp học của thầy Trai vẫn cứ duy trì theo thời gian và sự kỳ vọng của dân làng. Bây giờ, đối tượng xóa mù chữ trên địa bàn đã không còn nữa. Thầy Trai vẫn tận tụy dạy bổ túc văn hóa cho hàng trăm em nhỏ trong căn phòng khang trang hơn nhờ sự hỗ trợ xây dựng của một tổ chức từ thiện.

Tiễn tôi ra ngõ, thầy Trai chỉ nhắn một điều: nhớ gửi tặng thầy một vài tấm ảnh chụp về lớp học để làm kỷ niệm. Hai mươi năm rồi, thầy chưa một lần có cơ hội ra khỏi thôn Thanh Lam. Chiếc xe lăn mà thầy có được cách đây 4 năm chưa một lần dùng đến vì đi đâu cũng gặp... cát. Dáng người khom gập của thầy khuất lấp giữa đám học trò tíu tít vây quanh.

Đình Phú - Hồng Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.