Khi chàng là... mẹ hiền

18/11/2006 13:21 GMT+7

Hình ảnh "cô giáo như mẹ hiền" chắc không còn xa lạ trong mắt mọi người, còn các chàng khi quyết định "lấn sân" thì sẽ như thế nào? Chuyện về những anh chàng đã trót "đeo mang" nghề nuôi dạy trẻ cũng khá thú vị.

"Gươm lạc giữa rừng hoa"

Đó là lời ví von của cô Nhi - Phó hiệu trưởng trường Mầm non Vành Khuyên, quận Thủ Đức (TP.HCM) khi nói về anh Trần Đỗ Hoàng Anh, một "hàng hiếm" của trường. Nghĩ cũng đúng bởi có được bao nhiêu "cầu thủ đá lộn sân" như Anh trụ được với nghề, dù chỉ mới ra trường được hai năm nhưng anh chàng có vẻ tâm huyết: "Nghề nào cũng có cái khó của nó, các bạn nữ làm được thì tại sao nam nhi tụi mình lại không, và thực tế là mình đã làm rất tốt đó chứ. Mình nghĩ chỉ cần có tấm lòng yêu trẻ là có thể làm được tất cả". Nhưng anh chàng cũng phải thừa nhận mình đã từng bị "nốc ao" khi mới "chân ướt chân ráo" vào học khoa mầm non trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 3: "Lúc đó trường chỉ toàn là sinh viên nữ, ngay cả giáo viên cũng là nữ nên khi nghe tin có một nam sinh viên, các bạn nữ đồng loạt rủ nhau đi... xem làm mình cứ đỏ ửng cả mặt". 

Còn chuyện "đi lạc" của anh Lê Minh Hiền (lớp chồi 3 trường Mầm non bán công thành phố) thì như lời anh nói đó là một "cái nghiệp" bởi cách đây hơn 10 năm anh chàng đã "liều mình" thi vào Trung học Sư phạm mầm non dù đã tốt nghiệp kỹ thuật cơ khí máy tàu. "Thật sự mình rất thích trẻ nhỏ, nhìn chúng vô tư, hồn nhiên vui đùa là mình như quên hết bao mệt nhọc". Hiền còn khéo khoe: "Những giáo viên mầm non như tụi mình luôn trẻ mãi không già, bởi lúc nào tụi mình cũng vui vẻ, hòa đồng, nô đùa cùng các em thì còn thời gian đâu mà nghĩ tới những chuyện buồn".  

Chuyện vui khi "đá lộn sân"

"Ngày đầu tiên đứng lớp, dù đã được các cô trong trường nơi mình thực tập giới thiệu rõ ràng là hôm nay có một thầy mới đến nhưng không hiểu sao các bé vẫn dõng dạc: "Chúng con chào cô ạ!" làm mình cứ lúng ta lúng túng, chẳng nói được lời nào. Cũng may là sau lần đó các bé đã chịu gọi mình bằng thầy". Anh chàng Trần Bình Tặng (lớp họa 5 - CĐ mẫu giáo Trung  ương 3, TP.HCM) vui vẻ kể lại "tai nạn nghề nghiệp" cách đây ba năm.

Còn Hoàng Anh, đến bây giờ vẫn không biết cột tóc cho học trò ra sao, cứ hết cột lên rồi lại gỡ xuống. Đến nỗi có lần thấy thầy "vất vả" quá, một bé "xót xa" bảo: "Thôi để con tự cột cho xong, con cột còn đẹp hơn thầy". Anh chàng nửa đùa nửa thật: "Chẳng hiểu sao mình tập hoài mà không được, người ta cột đuôi gà thì nhỏng lên còn mình cột nó cứ sệ xuống, xấu ơi là xấu. Nếu có ai hỏi mình khó khăn nhất trong nghề là gì, thì mình xin thưa đó là việc cột tóc cho các bé gái".

Tuy mới 28 tuổi, nhưng Hoàng Anh đã là "cha" của 30 đứa trẻ, ngày ngày chăm sóc, dạy dỗ, vui chơi cùng chúng. Có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ. "Vào 20.11 năm ngoái, trong khi các bé trong lớp đều có quà tặng thầy, thì một bé đến gần ôm cổ mình nhỏ nhẹ: "Thầy, con thương thầy lắm nhưng con không có quà tặng thầy, con sợ thầy không thương con". Quả thật lúc đó mình xúc động vô cùng, mình nói với bé: "Con không cần phải tặng quà cho thầy đâu, chỉ cần con ngoan, biết nghe lời ba mẹ và thầy là được rồi". Anh chàng xúc động kể lại.

Mới nhìn những anh chàng làm nghề nuôi dạy trẻ, chắc cũng rất nhiều người bảo họ "đá lộn sân", nhưng khi "vào trận" rồi họ cũng "xung trận" đầy nhiệt huyết và tận tâm bởi họ luôn coi đó là một phần trong cuộc sống của mình, có thế nên "Mỗi khi vào kỳ nghỉ hè phải xa rời bọn nhỏ, thấy thiếu thiếu, trống vắng làm sao" - Hiền bộc bạch.

Thu Thủy - Vân Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.