Đại học Quốc tế Bắc Hà tuyển sinh như thế nào?

13/11/2007 00:18 GMT+7

* Học phí cao nhất: 3.000 USD/năm Tháng 11 này, Đại học Quốc tế (ĐHQT) Bắc Hà chính thức đi vào hoạt động. Đây là trường đại học quốc tế chất lượng cao ngoài công lập của Việt Nam. Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đặng Hữu - Trưởng ban sáng lập đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường.

* Thưa giáo sư, cơ sở nào để đánh giá ĐH Bắc Hà là trường ĐHQT ?

- Vì ĐHQT Bắc Hà có  những đặc thù riêng: giảng dạy theo nội dung, chương trình của nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới; đội ngũ cán bộ giảng dạy đến từ nhiều trường của nước ngoài; tuyển sinh viên từ nhiều nước; sử dụng nhiều ngoại ngữ trong giảng dạy; có nhiều chương trình liên kết đào tạo với các đại học tiên tiến nước ngoài; có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ với các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu ở nước ngoài. Mục đích của ĐHQT Bắc Hà là xây dựng một trường đại học tiên tiến hàng đầu trong khu vực và đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

* Xin giáo sư cho biết các loại hình đào tạo của trường?

 - Trường tổ chức đào tạo hai cấp là đại học (cử nhân, kỹ sư) và sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) với ba loại hình đào tạo. Thứ nhất, đào tạo liên kết với các trường ĐH nước ngoài do trường ĐH nước ngoài cấp bằng. Sinh viên có thể học toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc có thể học chuyển tiếp ở nước ngoài. Thứ hai, đào tạo theo chương trình của trường, do trường cấp bằng. Sinh viên học ở trong nước nhưng học theo chương trình, nội dung đào tạo  của các trường nước ngoài được vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam; có sự hỗ trợ của các trường nước ngoài, chất lượng đào tạo tương đương với chương trình du học. Trong tương lai, loại hình này sẽ là hướng đào tạo chủ yếu của trường. Thứ ba là đào tạo liên tục (đào tạo ngắn hạn theo chuyên đề, đào tạo bằng thứ hai).

Trường sẽ đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành trong đó tập trung vào những lĩnh vực sau: Điện tử - Tin học - Viễn thông; Công nghệ sinh học; Vật liệu mới (chủ yếu là công nghệ Nano); Kiến trúc và xây dựng; Năng lượng; Kinh tế và Quản trị kinh doanh; Khoa học xã hội và nhân văn; Ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn).

* Mức học phí của sinh viên (SV) sẽ là bao nhiêu, thưa giáo sư ?

- Đối với các chương trình do trường đào tạo và cấp bằng, mức học phí sẽ từ 12 triệu - 18 triệu đồng/năm. Đối với các chương trình liên kết với các trường nước ngoài do nước ngoài cấp bằng sẽ vào khoảng 1.500 USD - 3.000 USD/năm. Mức đóng học phí đó không đủ chi phí cho đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có nguồn để bù từ việc tổ chức loại hình đào tạo liên tục và nghiên cứu khoa học... Ngoài ra, trường còn kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội, đây cũng là nguồn huy động kinh phí để cấp học bổng cho các em. Những doanh nghiệp này cũng là nơi để các em thực tập và có thể làm việc sau khi ra trường.

* Bao giờ trường sẽ tuyển sinh và tuyển như thế nào?

 - Chúng tôi sẽ tuyển sinh ngay trong năm học 2007-2008, chỉ tiêu khoảng 500 - 600 SV cho các ngành: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Phương thức tuyển sinh sẽ khác nhau đối với hai loại hình đào tạo: đối với chương trình do trường đào tạo và cấp bằng sẽ xét tuyển những thí sinh dự thi khối A, D1 theo kết quả thi tuyển sinh 2007 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, có điểm thi đạt điểm sàn trở lên, kết hợp với phỏng vấn trực tiếp... Với chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do trường nước ngoài cấp bằng (năm đầu tiên là trường Đại học Griffith - Úc) sẽ xét tuyển theo quy định của các trường đối tác): kết quả học tập trung học phổ thông từ khá trở lên, qua phỏng vấn và qua kiểm tra tiếng Anh để phân loại.

        Vũ Thơ (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.