Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Nhìn thấy quy luật để tăng tốc “con tàu” xã hội hóa

01/01/2008 23:11 GMT+7

Gần 3 tiếng đồng hồ cuối cùng của ngày cuối năm 2007, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã dành riêng cho Thanh Niên để "trút nỗi niềm" mà ông rất ưu tư: làm sao để tăng tốc "con tàu" xã hội hóa?

Mở đầu câu chuyện, ông nói vui là "cuối năm phải "trả nợ" Thanh Niên để đầu năm mở hàng thật ấn tượng chứ!". Ông nói:

- Chúng ta thực hiện xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội tăng thêm cho giáo dục, y tế là để phục vụ cho ai? Người có thu nhập thấp hay người có thu nhập cao? Cả hai chứ, vì họ đều là công dân của nước Việt Nam mà.

Xã hội hóa chính làâ việc huy động năng lực của toàn xã hội, là Nhà nước và nhân dân cùng làm, để tăng quy mô và chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế... đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân (kể cả người có thu nhập thấp, lẫn những người có thu nhập cao), chứ không phải xã hội hóa là Nhà nước thu hẹp trách nhiệm của mình lại để người dân tự lo. Thực tế, mức chi của Nhà nước cho giáo dục, y tế những năm qua không ngừng tăng lên.  

* Thưa Phó thủ tướng, Chính phủ rút ra được bài học gì từ tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao?

- Vừa qua, Chính phủ đã tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 05, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã dự và chỉ đạo hội nghị. Nhiều vấn đề về lý luận đã sáng tỏ hơn qua tổng kết thực tiễn. Bài học thứ nhất là muốn xã hội hóa không phải có tiền là có tiền đề đầu tiên, mà phải có nhân lực với trình độ nghề nghiệp và tấm lòng phù hợp. Thiếu giáo viên và bác sĩ thì không thể mở thêm trường học và bệnh viện. Đào tạo, chuẩn bị nhân lực phải đi trước một bước khi tiến hành xã hội hóa. Bài học thứ hai là làm xã hội hóa thì phải có đất. Không có đất thì không thể mở trường, làm bệnh viện được! 

Một vấn đề nữa cần nhận rõ là muốn các dịch vụ tư tồn tại thì người cung cấp dịch vụ phải có thu nhập hoặc lợi nhuận, chứ không thể lỗ. Tức là xã hội hóa phải có tiền đề kinh tế. Để các dịch vụ tư tồn tại được thì sức mua phải đủ lớn: mật độ dân cư phải đủ lớn và thu nhập của người dân cũng phải đủ lớn. Còn nơi nào thưa dân và thu nhập thấp thì phải mở trường công lập. Thu ít, chi nhiều sẽ lỗ, nhưng Nhà nước phải làm khi muốn trẻ đi học. Ở những nơi như thành phố lớn, những người có thu nhập cao có nhu cầu cho con em họ được học tập trong điều kiện tốt hơn ở các trường công lập hiện nay. Do đó bên cạnh các trường công lập, địa phương đó cần khuyến khích mở các trường tư chất lượng cao hoặc xây dựng một số trường công chất lượng cao. Những người có thu nhập cao, họ tự lo việc học hành cho con em mình, Nhà nước có điều kiện chuyển phần ngân sách đó chăm lo cho người nghèo, vùng khó khăn. 

Hiện nay, hệ thống các trườâng công ở bậc THPT, mầm non, trung cấp chuyên nghiệp, ĐH chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, do đó Chính phủ chủ trương trước mắt không chuyển các cơ sở công lập thành tư thục mà cần tiếp tục nâng chất lượng mở thêm các trường công lập ở các vùng khó khăn. Ở nơi nào thu nhập dân cư cao, có nhu cầu thì phát triển thêm các trường tư. Một bài học nữa là 2 năm qua Chính phủ chỉ đạo chưa tập trung, chưa có sơ kết định kỳ. Vì vậy mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo, cứ 3 tháng Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe báo cáo 1 lần. Những văn bản liên quan đến đất, thuế, cho vay trong quý I/2008 sẽ ban hành hết. Qua 2 năm đã nhìn rõ hơn quy luật xã hội hóa mà trước đây mình mới chỉ có định hướng. Nhìn thấy quy luật mới dám làm quyết liệt. Tôi tin rằng từ năm 2008 đến 2010 "con tàu" xã hội hóa sẽ tăng tốc nhanh hơn.

* Liên quan đến việc huy động sự đóng góp của dân cho giáo dục, chủ trương tăng học phí ở tất cả các cấp học của Bộ GD-ĐT đưa ra đang là đề tài nóng thời gian gần đây, với nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Ông có thể cho biết thời điểm công bố đề án và lộ trình thực hiện đề án trong năm 2008? 

- Thời gian qua, một số báo chí đưa tin Bộ GD-ĐT đề nghị tăng học phí. Từ trước đến nay Bộ GD-ĐT chưa bao giờ có kế hoạch hay công bố "Đề án tăng học phí" ở tất cả các cấp học. Cách đặt vấn đề của Bộ là phải xác định các cơ sở khoa học và thực tiễn của học phí, từ đó khắc phục các bất hợp lý của hệ thống học phí hiện nay. Tôi xin nói rõ cho đến nay, học phí bậc phổ thông thực tế  không liên quan đến chi phí đào tạo vì nó dựa trên khả năng chi trả của người dân, chứ không dựa vào chi phí thật cho việc dạy và học ở các trường là bao nhiêu. Mức học phí THCS hiện nay là 20 ngàn đồng/tháng ở thành thị và nông thôn, 8 ngàn đồng/tháng ở miền núi; học phí THPT là 35 ngàn đồng/tháng ở thành thị và 15 ngàn đồng/tháng ở miền núi.

HS nghèo, diện chính sách đều được giảm học phí. Trong số 15,2 triệu HS tiểu học đến THPT ở các trường công lập có 9,4 triệu em được miễn, giảm học phí; chiếm 62% tổng số HS. Số tiền học phí đóng góp của dân tạo điều kiện cho Nhà nước chi nhiều hơn cho những vùng khó khăn. Chi phí thực cho HS bình quân từ 2 triệu đến 2,5 triệu/năm học, tức khoảng 222 ngàn đồng đến 270 ngàn đồng/tháng. So với toàn bộ chi phí đào tạo phổ thông ở các trường công lập từ lớp 1 đến lớp 12 cộng lại, học phí và các khoản khác do dân đóng góp vào các trường chỉ chiếm khoảng 6,0%, còn lại 94% là Nhà nước chi. Đối với bậc phổ thông, học phí sắp tới được thiết kế theo nguyên tắc: sức dân có thể đóng góp tới đâu thì đóng góp tới đó, còn hơn 90% chi phí đào tạo là Nhà nước lo. Ở các vùng rất khó khăn, Nhà nước còn hỗ trợ tiền để các em đi học.

Đối với đào tạo nghề nghiệp từ sơ cấp đến ĐH, học phí sẽ tiến tới bù đắp chi phí thường xuyên ở các trường công. HS-SV sẽ được vay để đóng học phí và chi trả khác trong học tập. Trong năm học này đã có nửa triệu HS-SV được vay với tổng mức vốn 2 ngàn tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 1.2008, Đề án đổi mới cơ chế tài chính của ngành giáo dục, trong đó có học phí và các chính sách xã hội sẽ được báo cáo lên Bộ Chính trị, sau đó sẽ hoàn chỉnh và công bố để nhân dân góp ý. Đề án học phí sẽ được thực hiện từ năm học tới 2008 - 2009.

* Trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và y tế, ngoài việc giá dịch vụ sẽ cao hơn thì một trong những mặt trái của nó là chất lượng của giáo dục cũng có vấn đề. Liệu có nên kiểm soát giá dịch vụ y tế, giáo dục, cũng như giám sát chặt chẽ hơn chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở giáo dục?

-  Đối với các loại hình tư thục, Nhà nước đã cho phép người dân làm thì họ được quyền chủ động về việc thu phí. Nguyên tắc ở đây là tự nguyện (cả người cung cấp dịch vụ lẫn người sử dụng dịch vụ) nên chỉ khi làm tốt, thu phí hợp lý thì xã hội mới chấp nhận. Vấn đề là họ phải tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đó thôi. Mặt khác, dịch vụ giáo dục, y tế không phải là loại dịch vụ hàng hóa bình thường, vì người tiêu dùng chỉ qua thời gian sử dụng tương đối dài mới đánh giá được chất lượng hàng hóa đó. Do đó, Nhà nước phải thay mặt người dân thiết lập hệ thống đánh giá chất lượng của dịch vụ đó, và công bố chất lượng các dịch vụ để người dân lựa chọn. Dịch vụ nào không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn phải đóng cửa. Hiện nay hệ thống này của chúng ta còn yếu. Bộ GD-ĐT đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục từ năm 2003, nhưng vẫn trong giai đoạn khởi đầu, trong khi đó ngành y tế chưa có hệ thống kiểm định chất lượng. Chúng ta phải thừa nhận đây là sự yếu kém của những người mới làm kinh tế thị trường. Xã hội hóa giáo dục mà không có đánh giá chất lượng coi như không có quản lý Nhà nước. 

Sắp tới chúng ta sẽ có điều kiện trả lương cho giáo viên tốt hơn. Chúng ta sẽ không chấp nhận những người không hoàn thành nhiệm vụ, làm không hiệu quả trong giáo dục. Trong những năm tới, vai trò người thầy sẽ phải được tiếp tục nhấn mạnh: làm thầy rất thiêng liêng!

* Một trong những mặt "làm được" của ngành giáo dục năm 2007 là đã xáo xới lên vấn đề tìm đầu ra cho giáo dục. Đích thân Phó thủ tướng, Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với các bộ ngành chức năng, các tổ chức và tập toàn kinh tế lớn. Vậy theo Bộ trưởng, ngành giáo dục sẽ phải điều chỉnh những khâu yếu kém nào để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhanh yêu cầu của các doanh nghiệp?

-  Các doanh nghiệp kêu ca thiếu người có chất lượng nhưng đã có bao nhiêu doanh nghiệp đến các trường đại học đặt hàng sinh viên sẽ được đào tạo theo yêu cầu của họ? Chỉ một chuyện nhỏ là hàng chục năm qua các trường rất thiếu chỗ thực tập cho sinh viên vì rất ít nơi nào muốn nhận. Doanh nghiệp có nhu cầu thì phải vào cuộc, còn chỉ đứng ngoài kêu thì biết lúc nào thỏa mãn được. 

Các doanh nghiệp nhận xét chương trình đào tạo không hợp lý, vậy ai xây dựng chương trình? Tất nhiên là nhà trường, nhưng nếu doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình theo yêu cầu của doanh nghiệp thì sẽ có chương trình hợp lý. 

Những hoạt động của Bộ GD-ĐT là nhằm thúc đẩy các trường ĐH, CĐ phải chuyển từ chỗ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu. Khi đó, các xí nghiệp sẽ hỗ trợ thông qua góp ý nội dung đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, tạo điều kiện thực tập cho SV và cung cấp thiết bị thực hành... Nhà nước sẽ đóng vai trò "bà mối" gắn kết các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Tới đây, Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thành lập Ban điều phối đào tạo theo nhu cầu của các ngân hàng và công ty tài chính, kèm theo đó là các hoạt động như tổ chức hội chợ đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực tài chính ngân hàng, ký kết các thỏa thuận đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. 

* Trong năm 2008, Chính phủ sẽ có những biện pháp gì thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục?

-  Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất tập trung đổi mới 3 loại chính sách: đất đai, thuế và tín dụng. 

Về đất, cố gắng đến năm 2010 sẽ có quy hoạch đất đáp ứng nhu cầu giáo dục đến 2050. Các địa phương đã gửi quy hoạch đất lên Bộ Tài nguyên-Môi trường. Bộ GD-ĐT và Bộ Tài nguyên-Môi trường rà soát lại quy hoạch chung toàn quốc.

Trong tháng 1.2008 sẽ làm việc với 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về quy hoạch đất cho giáo dục. Dự kiến sẽ có một số trường ĐH nằm độc lập, nhưng bên cạnh sẽ có cụm các trường đại học. Nhiều trường trong địa bàn Hà Nội, TP.HCM sẽ phải chuyển ra ngoài. Các trường sẽ được phép bán đất trường hiện nay để lấy tiền xây trường mới. 

Về thuế, sẽ dành mức ưu đãi cao nhất cho đầu tư giáo dục: miễn thuế 4 năm đầu, giảm thuế 5 năm tiếp theo, và sau đó là mức thuế 10%/năm. 

Về tín dụng, các nhà đầu tư có thể được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng phát triển hoặc được bù một phần lãi suất vay khi công trình đã nghiệm thu. Sẽ triển khai thí điểm Nhà nước xây trường học, bệnh viện cho nhà đầu tư thuê.

 Nhóm PV Giáo dục  (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.