Sân khấu kịch 2008: Sàn diễn đa phong cách

22/10/2008 11:33 GMT+7

Sàn kịch năm 2008 nhìn bề ngoài như đang loay hoay tìm một hướng đi mới, nhưng sâu xa bên trong đã hình thành sự đa phong cách, đa dạng hóa với nhiều "gu" thưởng thức

Nhìn lại toàn cảnh sân khấu kịch TPHCM 2008, có thể thấy đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên đều đã nỗ lực hết mình. Có vở thu hút đông khách, diễn trên 20 suất, nhưng cũng có vở chỉ dừng lại ở một vài suất thử nghiệm.

Đa dạng đề tài

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM vẫn là anh cả với xu hướng dàn dựng kịch thể nghiệm. Năm vở mới trong năm 2008: Đôi bờ (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), Nhà trọ tình yêu (tác giả Lê Bình, đạo diễn Thanh Hoàng), Đời có đợi anh không? (tác giả, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), Người điên trong ngôi nhà cổ (tác giả Ngọc Linh, đạo diễn NSƯT Thành Hội) và Bàn tay của trời (tác giả Doãn Hoàng Giang, đạo diễn nghệ sĩ Ái Như) cùng với một số vở cũ tái dựng đã thu hút đông đảo khán giả. Mỗi vở đều mang một phong cách khác nhau, vừa trẻ trung, duyên dáng vừa ẩn chứa nhiều sâu lắng đủ rung động lòng người.

Từ sau thành công của vở Người vợ ma, Sân khấu Kịch Phú Nhuận cũng có những bước tiến đáng ghi nhận. Năm nay, sàn diễn xã hội hóa này có 3 vở đáng chú ý: Vạn phước gia (tác giả Mỹ Dung, đạo diễn Thanh Thủy), Nước mắt người điên (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Hồng Vân) và Trai mới lớn (tác giả, đạo diễn Đình Hải). Dù không đi theo mảng kịch dựa theo dòng văn học phê phán nhưng chất kịch đã có chiều hướng đi vào cuộc sống đương đại.

Sân khấu IDECAF (ở 2 điểm diễn 31 Thái Văn Lung và số 7 Trần Cao Vân) trong năm qua diễn luân phiên các vở: Hợp đồng mãnh thú (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh), Sát thủ hai mảnh (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh), Yêu đi thôi (tác giả Hương Giang, đạo diễn Tuấn Khôi), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Ái Như), Cũng cần có nhau (tác giả Đại Nghĩa, đạo diễn Thanh Thủy) và chương trình Ngày xửa, ngày xưa (gồm hai vở lịch sử: Lá cờ thêu sáu chữ vàng và Phù Đổng Thiên Vương)...

Đối với thể loại kịch mang nội dung hài hước, nhẹ nhàng dành cho những khán giả yêu thích tiếng cười thì Kịch Sài Gòn có các vở Siêu tỷ phú, Trớ trêu, Trinh nữ, Hồn ma báo oán, Siêu mẫu si tình; Sân khấu Nụ cười mới có Những bà mẹ hoàng oanh, Việt võ đường, Nửa ngày yêu, Ông bà vú nuôi, Cuộc phiêu lưu những bức thư tình…

Một số vở diễn hay

Niềm tin bị đánh cắp (tác giả Hoàng Linh Hương, đạo diễn Hoàng Duẩn) có thể được xem là một vở kịch trọng điểm của Nhà hát Kịch TPHCM năm 2008. Vở kịch này đã từng lưu diễn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và TPHCM với gần 20 suất, thu hút hơn 17.000 lượt người xem. Bên cạnh đó, vở Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) cũng là một vở diễn gây nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Dù những ý kiến đánh giá chưa hẳn nghiêng về sự đồng tình khi một tác phẩm sân khấu lịch sử được dàn dựng chưa thuyết phục, nhưng điều đáng ghi nhận là nỗ lực của nhà hát trong việc góp phần dàn dựng những vở kịch trọng điểm, nhất là tôn vinh các nhân vật anh hùng trong lịch sử giữ nước và dựng nước.

Vở diễn có thể nói là ấn tượng nhất của Sân khấu 5B Võ Văn Tần, theo tôi là vở Người điên trong ngôi nhà cổ. NSƯT Thành Hội đã tạo được độ rung cảm cần thiết để khán giả khóc cười cùng với số phận của các nhân vật. m nhạc dựng trong vở cũng mang sắc thái riêng. Ba vở mới của Kịch Phú Nhuận cũng có chiều sâu tâm lý, nâng được cảm xúc cho diễn viên, nhờ vậy cảm xúc của nhân vật đã truyền đến người xem rất thuyết phục. Nếu vở Vạn phước gia nghiêng về hài kịch thì Nước mắt người điên mang tính triết lý sâu sắc: nếu anh đối xử với người thân bằng thủ đoạn thì chính những thủ đoạn đó sẽ quật lại anh. Trai mới lớn dù chưa xoáy vào vấn đề giới tính nhưng những cảnh báo của vở diễn làm khán giả phụ huynh giật mình.

Riêng kịch của IDECAF đã tạo được “gu” riêng nhờ “bàn tay chăm sóc” của Thành Lộc, Hữu Châu. Mỗi vở đều toát lên chủ đề và phong cách nhất quán. Kịch thiếu nhi sau nhiều vở diễn theo đề tài biến hóa từ những câu chuyện cổ tích nước ngoài đã tập trung vào mảng lịch sử Việt Nam. Đó là điều đáng ghi nhận ở nỗ lực góp phần với xã hội và nhà trường giáo dục lịch sử nước nhà cho trẻ em.

Ông vua của kịch Trong nhà ngoài phố - đạo diễn Trần Văn Sáu - cũng đã tìm được 2 kịch bản phù hợp cho Sân khấu Kịch Sài Gòn: Trớ trêu và Tình thù rực lửa. Sự ngẫu hứng duyên dáng tạo nên tiếng cười dung dị trong mỗi vở đều tạo được ấn tượng với khán giả. Có điều lực lượng diễn viên kịch Sài Gòn có nhiều biến động trong năm 2008 nên việc thay vai, diễn đúp có phần làm cho chất lượng vở có độ chênh.

Sự xuất hiện của các nghệ sĩ hài Hoài Linh, Chí Tài cũng mang đến những nốt nhạc vui vẻ, dí dỏm cho các vở diễn của Sân khấu Nụ cười mới. Tuy vậy, sự năng động tìm kiếm kịch bản để đa dạng hóa, tránh bị trùng lắp với Kịch Sài Gòn, thì Nụ cười mới vẫn chưa tìm ra hướng đi.

Theo NSƯT - đạo diễn Trần Ngọc Giàu / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.