Ba vụ trọng án hình sự - Mấy vấn đề…(tiếp theo)

27/01/2004 18:44 GMT+7

Vấn đề: 1) Cả ba vụ án, tuy xuất hiện không cùng lúc và xuất hiện với quy trình khác nhau - liên quan đến đặc thù của ba hình thức tội phạm - song mang mẫu số chung: phản ánh một hiện tượng xã hội vào một giai đoạn nhất định, cùng một nguyên nhân lịch sử và thời sự, đều liên quan đến con người xã hội cụ thể, tình hình quản lý xã hội, cơ chế quản lý, bộ máy, nhân sự quản lý, bệnh quan liêu vô trách nhiệm, và sự suy thoái phẩm chất của một bộ phận cán bộ. Phá án là cuộc phản công của nhà nước, của đạo đức xã hội, của quần chúng, của lực lượng trung kiên cách mạng.

Nghĩa là, khó có những vụ án tương tự vào thời bao cấp, kể cả vào thời nước ta thực hiện chính sách “kinh tế mở” ban đầu. Ở TPHCM, từng có vụ “Nước hoa Thanh Hương”, hay “Cậu Mười Hai”, song tính cách lừa gạt khá cổ điển. Đến vụ Phạm Huy Phước, Đông lạnh Hùng Vương, Epco, Ngân hàng Việt Hoa và một số vụ khá cộm ở Bình Dương, Đồng Tháp, nơi khác..., chưa kể quanh nhà đất râm ran, phổ biến..., dấu ấn của tình hình mới mới được đóng vào. Nói cho đúng, nếu lãnh đạo quyết làm rõ ngay khi cảm giác triệu chứng bất thường, thì chỉ riêng vụ Tamexco của Phạm Huy Phước hay Đông lạnh Hùng Vương đã cho vô số kinh nghiệm về quản lý và bố trí nhân sự, về sự dính dáng của cán bộ - không loại trừ cấp cao - với tiền nong qua quyền lực. “Hối mại quyền thế” là loại tham nhũng đặc biệt của bộ phận cầm quyền, lịch sử đã răn đe...

Như vậy, chọn ba vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Phương “Vicarrent” làm điểm thực tế là “đắp đê ngăn lũ” khi lũ ngấp nghé đỉnh điểm. Cũng tất yếu thôi, bởi nhận thức của con người bao giờ cũng chậm hơn thực tiễn một bước.

Chính sách kinh tế thị trường và hòa nhập đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - chuyện hiển nhiên. Vào lúc ấy, các vụ án lớn liên tục xảy ra. Chúng ta hoàn toàn hiểu được cái rối loạn trong kinh tế thị trường vốn có hai mặt và không có gì ghê gớm khi xét các vụ án trong bối cảnh chuyển đổi cung cách quản lý kinh tế. Với đất nước, là cơ hội phát huy thế mạnh; với đông đảo nhân dân, là cơ hội thoát đói nghèo, làm giàu; với một số người nào đó, là cơ hội lợi dụng - thậm chí lợi dụng tối đa - để tạo một mức và kiểu sống mà họ thèm khát, dù phi luân. Chúng ta có nói đến hai mặt của kinh tế thị trường, song nặng lý thuyết - mà tư duy bảo thủ vẫn còn bám trận địa - đồng thời khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” lại chưa đủ cân lượng thuyết phục, chưa tạo được mặt sáng biểu trưng cho ý đồ và bản lĩnh “sử dụng con dao hai lưỡi” có lợi nhất. Hẳn, không thể có ngay một đáp án “giữa trận tiền” - một đáp án hoàn chỉnh. Tận bây giờ, chúng ta vẫn còn cần thời gian để nghiền ngẫm, đối chiếu, chọn lối khai thác quy luật phổ biến một cách tối ưu - giảm mặt xấu, tăng mặt tốt - và đó là một quá trình tranh chấp cực kỳ phức tạp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng tốn không ít công sức cho việc tìm tòi này. Không chỉ riêng Việt Nam, láng giềng Trung Quốc dành cho nghiên cứu khoa học thời sự này bao nhiêu viện hàn lâm, trung tâm, trường đại học, hiệp hội, hội thảo... Nga - hậu Xô Viết - tiếp tục mày mò.

Tôi không hạ thấp tác hại của các vụ án từ thập niên cuối thế kỷ XX đến nay, song tôi không lạ bởi tính quy luật của nó. Đọc lại lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, thời kỳ chính sách kinh tế mới (NEP) do Lênin chủ xướng, chúng ta thấy liền cái gì xảy ra ở đây vào ngay năm chính sách kinh tế mới vừa áp dụng: đầu cơ, buôn lậu, lũng đoạn thị trường, buôn bán quyền lực v.v... Nằm trên giường bệnh, Lênin liên tục góp ý - không thay đổi chính sách chung mà còn tính đẩy mạnh, kể cả kêu gọi tư bản nước ngoài đầu tư, khai thác tài nguyên Nga - vì nước Nga Xô Viết cùng Liên bang Xô Viết nói chung chỉ có thể khôi phục với bộ mặt kinh tế mới. Song, Lênin lại rất nghiêm khắc mặt khác - mặt sinh tồn của chế độ Xô Viết qua vai trò của Đảng Cộng sản. Nước Trung Hoa hiện đại, sau mở cửa, giải quyết hậu quả xấu tận hôm nay với cả một thiết chế khá thắt ngặt từ trung ương trở xuống. Còn Nga thì cố gắng thoát khỏi cơn hỗn loạn.

Tóm lại, không phải chúng ta không có tiền lệ về thực tiễn và lý luận. Kinh nghiệm quanh ta - đồng cảnh ngộ - khá dồi dào. Nguyên lý cơ bản thì kho báu lớn còn đó - Toàn tập Lênin, những tập cuối.

2) Mọi thế lực đen tối - dù đơn thuần kinh tế - đều tìm chỗ dựa ở chính quyền, ít nhất, ở một bộ phận hay cá nhân. Chủ nghĩa tư bản lấy việc chi phối chính quyền làm mục đích tối hậu, chi phối được chính quyền mới vững thế độc quyền, mới có thể làm mưa làm gió tùy thích. Bọn lưu manh không tìm kiếm cái gì khác.

Ở ta, vào buổi giao thời, giữa tháo gỡ cơ chế tập trung quan liêu và tự do hóa kinh doanh thường theo hai xu hướng: lỏng lẻo và vẫn quan liêu một cách vô trách nhiệm, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội... Vào những năm bắt đầu làm ăn phát đạt, đại khái nằm trong khung ấy. Có nguyên nhân trình độ cán bộ - yếu cả tri thức lẫn kinh nghiệm, chưa gột bỏ thói quen coi thường pháp luật, tùy tiện và tùy hứng - có nguyên nhân đạo đức. “Nhất thân, nhì thế” dai dẳng. Thử thách này khá gay gắt song Đảng thiếu chuẩn bị. Không ít trường hợp, sự ngây thơ - thực sự ngây thơ - đẩy một số cán bộ vào lưới bọn lưu manh. Nhẹ dạ, cả tin lóa mắt trước các dự án, các con số đô la, lợi nhuận trời ơi đất hỡi… gây bao tổn thất nặng nề.

Cho nên, trong ba vụ trọng án được xét xử, có mặt số cán bộ phạm pháp, chẳng lạ lùng gì.

Cái lạ lùng lại ở chỗ tốc độ hủ hóa một số cán bộ quá nhanh, đặc biệt cán bộ cấp cao, từng cống hiến nhiều năm cho đất nước, tuổi Đảng không thấp, kinh qua đủ loại thử thách, cả thử thách giữa sống và chết. Nếu ta tính thời gian, thì sau ngày 30-4-1975, đất nước rơi vào vô vàn khó khăn về kinh tế, xã hội, đời sống, đói và thiên tai, bị bao vây, cấm vận, thậm chí bị tiến công vũ trang, bị quấy phá an ninh từ nhiều phía... kéo dài đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đúng vào đầu thập niên ấy, Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, tan rã bộ phận, Việt Nam không thể không chịu tác động tiêu cực ấy, từ vị thế quốc tế, khả năng kinh tế đến tâm lý. Tất cả “dấy nghiệp” về đường lối chung sau Đại hội 6 (1986) song về thực tế, bộ mặt trùng hưng lộ dần từ đầu và bộc lộ rõ từ giữa thập niên cuối của thế kỷ trước tức từ những năm 1995. Ba vụ trọng án manh nha, triển khai vào thời điểm này. Tôi nói hơi dài để nhấn mạnh rằng “có một hình thái sống vội” ụp đến gần như trong khoảnh khắc. Đó là kết số của rất nhiều yếu tố: cái nghèo khổ cũ, chiến tranh, cơ chế bao cấp, đất nước khấm khá đột ngột, đô thị hóa nhanh và lối sống bên ngoài “bẹo” trước mũi mọi người... Nhấn mạnh đạo đức trong bối cảnh như vậy, tuy hết sức cần thiết “về nguồn” có vai trò tinh thần trọng yếu song cơ chế và luật pháp lại chưa gánh vác vai trò điều chỉnh kịp thời. Vai trò của “thê tử” bỗng nổi lên, thậm chí, là yếu tố quyết định số phận của người cán bộ cấp cao. Trưởng giả hóa lúc đầu lâm râm, càng về sau, với tiền của dồi dào, giữa một xã hội chưa được tổ chức lành mạnh, bộc phát thành một thứ “dịch” lan lây. Cha bênh con, vợ bênh chồng, nạn đồng lõa từ gia đình mở rộng sang họ hàng thân thuộc, sang “đồng đội” cũ mới, sang cả tập thể - nhiều cuộc thanh tra của Đảng và Nhà nước bị vô hiệu hóa vì các biểu quyết, kiến nghị, bày tỏ thái độ - khá quyết liệt của số cán bộ, nhân viên, luôn vài tổ chức cơ sở Đảng, Công đoàn. Lợi ích cục bộ “soán ngôi”, đương nhiên kẻ cơ hội hưởng phần béo bở nhất, bởi đối tượng “phanh thây” là xã hội, là của cải chung, là ngân sách. Đến nay, biết bao án tử hình đã thực hiện tại trường bắn, tệ nạn chỉ giảm - hoặc đổi dạng - chứ chưa chấm dứt. Quả đó là một thứ bệnh trầm kha và chắc chắn cần đối sách lâu dài.

Thực tế đám lưu manh “bán Trời không mời Thiên lôi” kia không mạnh, chúng mạnh nhờ các “chức sắc” cho thuê “môn bài”, cho dựa hơi và khi đã “lên chân”, đến lượt các “chức sắc” thành con rối trong tay chúng. Xót xa quá! Lưu manh khống chế cán bộ dễ như dạy dỗ một đàn em nhỏ! Nếu quyền lực không bị cuốn vào kịch bản - kịch bản ít sáng tạo nhất! – thì đám lưu manh kia chỉ là nhãi nhép. Khốn nỗi, cái nguyên lý ấy lại bị vi phạm thô lỗ.

3) Cả ba vụ án được dư luận phát hiện khá sớm, thành hiện tượng xã hội khá sớm. Những hành vi phạm pháp kéo dài đã nhiều năm. Năm Cam bị bắt, bị đưa đi cải tạo, lại được chính một số người phụ trách cơ quan pháp luật và Hội Nhà báo “giải phóng”, để rồi hắn thêm “vây cánh”, mở rộng quy mô hoạt động, “lộng” hơn. Lã Thị Kim Oanh cũng được nhiều giới nhắc nhở cơ quan chủ quản phải lưu ý. Một số đồng chí cách mạng lão thành ở Bà Rịa-Vũng Tàu từng đề nghị xem xét tư cách Phương “Vicarrent”..., nghĩa là dư luận đánh động. Sau này, Ban chuyên án vụ Năm Cam, nhờ những đánh động từ trước, lần ra đường đi nước bước của băng nhóm này. Hoàn toàn không thể nói rằng chúng ta bị bất ngờ. Trong vụ Năm Cam, việc thanh toán Dung Hà, ám hại đồng chí Phan Lê Sơn, vụ các tụ điểm ăn chơi các sòng bạc, các vụ đâm chém giành giựt địa bàn... đã diễn ra hàng nhiều năm giữa TPHCM. Ở Hà Nội, không ai không biết Lã Thị Kim Oanh là người “chạy” dự án, cũng như ở Bà Rịa-Vũng Tàu, không ai không biết “cò” Phương “Vicarrent”.

Đương nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế và chính sách kinh tế thị trường với những mặt thuận nghịch, hợp lý và chưa hợp lý, đang trong quá trình gạn lọc, cộng với tốc độ tăng trưởng khá nhanh về làm ra và hưởng thụ của cải vật chất, sự lỏng lẻo ở mức nào đó trong điều hành của bộ máy công quyền là có thể hiểu được. Suy thoái lối sống ở người này, bộ phận này, người kia, bộ phận kia cũng có thể hiểu được. Song, không thể hiểu được khi thói xấu lại thâm nhập sâu vào guồng máy quản lý nhà nước, đặc biệt, vào một số cán bộ đảng viên cấp cao. Diễn đạt với hình tượng: phòng tuyến bị soi thủng một số chỗ, một số “hạt nhân” biến chất.

Về khách quan, rùm beng như vụ Năm Cam, “gọn nhẹ” như vụ Lã Thị Kim Oanh, “cò con” như vụ Phương “Vicarrent”... phản ánh một mức đáng kể sự buông lỏng quản lý.

Trong cả ba vụ án, hành vi là của bọn lưu manh, nhưng cái “phông”, “màn” lại là những nhân vật có chức có quyền. Chúng lợi dụng được cán bộ và chẳng có gì khó hiểu khi sự lợi dụng đó nhất thiết qua cầu nối vật chất, kể cả tài trợ cho con cái của cán bộ đi du lịch, du học nước ngoài.

Tức, động cơ chẳng có gì bí ẩn. Cái bí ẩn nằm ở chỗ, khi cơ quan trị an phá án thì gặp một phản ứng không thể nói kém gay gắt. Cái không hay của chúng ta là phản ứng kia tuy thiếu độ bền, thiếu lực, dễ xẹp xuống trong chốc lát, nhưng toàn bộ vụ án lại không nhắc đến cái phản ứng rõ ràng có mục đích và coi như “không có vấn đề”!

Những nhân vật chủ yếu trong các vụ án - tôi nói những người thuộc cơ quan quản lý và lãnh đạo – không phải những người trong sáng hoàn toàn. Có anh hùng săn bắt cướp, song đó là chuyện của những năm xưa cũ. Còn bây giờ, từng người một, lem nhem nơi trấn nhậm cũ, đều được chuyển đổi vị trí, lên chức. Một ủy viên Trung ương Đảng từng gây khúc mắc trong số cán bộ đảng viên - một phần tử đào ngũ - lại được giới thiệu vào trung ương. Mọi phản ứng của dư luận, của nội bộ đều như “nước chảy trên lá khoai”. Một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng vu oan giá họa cho công nhân khi còn là giám đốc một công ty, khiến nhiều người phải vào tù và được đề bạt lên cấp cao hơn một cách không làm sao giải trình nổi.

Riêng trường hợp Phương “Vicarrent”, liên quan đến sự đoàn kết trong nội bộ một tỉnh. Phương biết chỗ nhược này và khai thác, chia rẽ, lợi dụng. Phương còn biết rõ những thiếu sót nội bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nên lấy các nhân vật cấp cao ở trung ương hù nhát tại chỗ và hắn đã thành công, bởi người ta nghĩ rằng nếu thỏa hiệp được với hắn thì hắn sẽ nói giúp với các vị cấp cao bỏ qua chuyện này chuyện khác cho họ tại địa phương.

4) Cuối cùng rồi, cái nghẽn là tính dân chủ. Quần chúng không được tác động để nói sự thật, báo chí hết sức chật vật trong vạch mặt các tệ hại. Những vụ án lớn như thế lại không do đảng bộ hay chính quyền tại chỗ phát hiện, mà do báo chí. Một số cán bộ lãnh đạo địa phương còn trách báo chí, thậm chí kiến nghị trung ương kỷ luật báo này báo kia, vin cớ nào là tiết lộ bí mật, nào là gây rối v.v... trong khi bản thân mình thì như người quan sát ngoài cuộc. Hệ quả là đồng bào, đông đảo cán bộ trung kiên chán nản, “thầy kệ”, “nói mỏi miệng” mà còn bị chụp đủ thứ mũ, mà còn, có khi, bị kiểm điểm “nhức xương”, bị đám lâu la huýt háy, bị các vị đầu ngành, đầu tỉnh xa lánh, tiếp xúc miễn cưỡng, lạnh lẽo. Tôi hết sức cực lòng khi một số đồng chí quen biết tuổi cao, đức trọng, tâm huyết bảo: Nè, ông nhớ giùm, tình hình này, nếu có cái gì nghiêm trọng xảy ra với đất nước, thì rừng đã bị phá, khó xây căn cứ lắm, còn dân, dân giận, vì một phần chúng ta thất đức đã kha khá rồi. Cả số bạn trẻ, nhà khoa học, nhà giáo, sinh viên, cán bộ đoàn thể... gởi cho tôi hằng tá thơ nói nỗi niềm. Đương nhiên, đó là lo lắng trong tinh thần trách nhiệm - lo lắng không hẳn thiếu cơ sở, nói có quá một chút cũng chẳng qua bởi tấm lòng trung. Nóng lòng vì thực tiễn cách mạng Việt Nam đang vào hồi bừng dậy mạnh mẽ - chưa lúc nào chúng ta mạnh mẽ, đầy triển vọng như hiện nay.

Cái lớn nhất và là cái “có hậu”: thủ phạm bị trừng phạt. Có lẽ các phần tử chống “Việt Cộng” ở trong nước hay lưu vong cụt hứng. Bởi, ba vụ trọng án đều được xử và xử công khai, theo trình tự tố tụng, bị can có luật sư - mướn luật sư - bào chữa, tranh luận ráo riết, đôi khi căng thẳng giữa tòa... Cán bộ cao cấp cũng lãnh án. Tức, Việt Nam không “tốt khoe xấu che” như có người nghĩ.

Có “hậu” - dù không ít trường hợp chưa thật “hậu”, tức chưa đủ cảnh tỉnh những đối tượng cần cảnh tỉnh - vẫn là công việc nghiêm túc.

Ba vụ án - mấy vấn đề. Một vấn đề với nhiều nhánh nhóc. Thực sự những nhánh này chính là vấn đề, đòi hỏi được phân tích cặn kẽ, cần được nêu lên thành quy trình, quy phạm trong xây dựng nội bộ. Ít ra, cũng phải tránh được sự tái diễn những vụ án tương tự trong tương lai.

Trọng tâm số một: Xây dựng Đảng. Xây dựng đội ngũ trung kiên nhất. Trọng tâm số một kép: Cải cách hành chính, cơ chế - phương thức quản lý một đất nước hiện đại: định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại theo thực tiễn Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quy định thành luật - Luật quốc gia cộng với Luật Đảng - bao vây mọi phát triển theo hướng các vụ trọng án hình sự điển hình, hễ ló chỗ nào “tề” chỗ đó, “tề” thẳng rẳng, dứt dạt. Trọng tâm số 1"ter”: Nghiêm từ trên, từ cấp cao - cả nước hay ngành, địa phương: không vị nể, không hề hà...

Đừng ghép vội với cả cụm từ: tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Đánh điểm, chẻ ra mà đánh, soi rọi ba vụ án mà đánh. Dứt khoát không để loại hình lưu manh cộng suy thoái của cán bộ, cộng cơ chế kém rạch ròi, cộng kẽ hở của điều hành, cộng bệnh hề hà hạ thấp nguyên tắc lãnh đạo và quản lý... những cái cộng sẽ tiến tới, không phải toán nhân mà bình phương - cái mà Trung Quốc đang trả giá, mà Nga đang vật lộn. Lũng đoạn cầm quyền - chính quyền nhân dân - rất hấp dẫn các kẻ thù. Mỗi vụ án đều hàm chứa một xu thế xấu, đằng sau mỗi vụ án đều có những ý đồ - chung quy lợi dụng quyền lực và không chịu nép mình ở mức kiếm chác cấp thời. Đến đây, kinh tế cách chính trị có một sợi tóc...

Sẽ ảo tưởng khi cho rằng ngay lập tức phải hay có thể làm trong sạch nội bộ. Tương lai là thế, song cần thời gian cùng rất nhiều điều kiện. Suy thoái đạo đức của số cán bộ cầm quyền không độc lập với bối cảnh xã hội vào một thời điểm cụ thể - mà thói ham muốn ít lao động nhất thu vén nhiều nhất chưa bị xóa. Trong thực tế ấy, nỗ lực của Đảng là cách ly cho được cán bộ với môi trường trục lợi bằng chức quyền - trước hết, chức quyền cao. Cái chắc chắn khả thi. Xí xóa chỗ này - xin nhấn mạnh - là tự sát.

Đó là vấn đề của mọi vấn đề nóng hổi, ít ra cũng của năm 2004...

Đầu năm 2004

Trần Bạch Đằng (SGGP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.