Khoa học không xa rời thực tiễn - Kỳ 2: Cứu ngư dân trước thảm họa bão

23/02/2012 03:00 GMT+7

Một nhóm bạn trẻ đã đưa ra giải pháp giúp ngư dân tránh nạn khi gặp thời tiết xấu.

Một nhóm bạn trẻ đã đưa ra giải pháp giúp ngư dân tránh nạn khi gặp thời tiết xấu.

>> Từ giải quyết kẹt xe đến giữ trẻ

 
Các thành viên nhóm FSpace của Viện Nghiên cứu công nghệ FPT - Ảnh: C.T.V

Những chàng trai của Phòng Nghiên cứu không gian FSpace thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ FPT đã giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng châu u (EADS) lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. 

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Chủ đề cuộc thi khuyến khích các tác giả tìm kiếm giải pháp công nghệ để giảm thiểu thiệt hại về người cho ngư dân trước thảm họa bão. Sau 4 tháng chuẩn bị và trải qua 2 vòng thi đầy khó khăn, nhóm nghiên cứu đã phân tích thông tin, dựa trên các kết quả thực nghiệm về liên lạc tầm xa trên băng tần HF (dựa vào phản xạ tầng điện li) và qua phản xạ bề mặt của mặt trăng để đưa ra giải pháp liên lạc dạng số (digital communication) cho các tàu cá với các trạm bờ trên băng tần HF và kênh liên lạc dự phòng, thông qua chùm vệ tinh nhỏ trên băng tần VHF/UHF.

Điểm độc đáo của giải pháp công nghệ này là việc tận dụng tối đa các trang thiết bị liên lạc hiện có trên tàu cá, duy trì phương thức đàm thoại SSB truyền thống và bổ sung phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến có độ tin cậy cao, sử dụng băng thông rất nhỏ (cỡ 6 Hz). Giải pháp có thể đồng thời hỗ trợ đa truy cập cho 30.000 tàu cá. Thiết bị đầu cuối lắp trên tàu cá có tính năng tự động thu thập các bản tin dự báo thời tiết hay dự đoán đường đi của bão, tự động cảnh báo giúp ngư dân tránh nạn cũng như tự động phát tín hiệu cấp cứu về bờ cho các tàu xung quanh trong trường hợp khẩn cấp.  

Góp sức trẻ giúp ngư dân

Chia sẻ về cuộc thi, trưởng nhóm Vũ Trọng Thư - nghiên cứu sinh của Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, cho biết: “Trên thực tế, hằng năm có hàng trăm ngư dân Việt Nam thiệt mạng sau mỗi mùa mưa bão, nên khi biết EADS tổ chức cuộc thi Tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão, các thành viên trong nhóm đều rất háo hức tham gia nhằm đóng góp một phần sức trẻ của mình để giúp ngư dân tránh những rủi ro trên biển. Mặc dù nhiệm vụ chính là nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vệ tinh nhỏ nhưng FSpace cũng đã có một số nghiên cứu và thực nghiệm về các phương thức liên lạc tầm xa sử dụng phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến từ năm 2010. Với cuộc thi này, nhóm mong muốn được đưa công nghệ vào ứng dụng giúp giải quyết các bài toán trong thực tiễn”.

Đào Văn Thắng - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, thành viên nhóm, cho biết thêm: “Trong quá trình làm việc, nhiều khi nhóm đứng trước bế tắc. Tuy nhiên, để động viên nhau chúng tôi thường hay đùa vui rằng: Chúng ta đã liên lạc được đến mặt trăng thì chẳng lẽ lại không đưa ra được giải pháp liên lạc tới biển Đông?”.

Động viên nhau là vậy, nhưng nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn vì quá trình thử nghiệm việc liên lạc phải thực hiện với nhiều đài vô tuyến điện trên thế giới tại các thời điểm và tần số khác nhau để thu thập kết quả. Do vậy, nhiều khi quá trình thử nghiệm phải diễn ra vào đêm khuya để tránh bị nhiễu sóng radio từ các nguồn phát khác.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng các khai thác viên vô tuyến điện nghiệp dư từ nhiều nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Đan Mạch… trong việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Thậm chí FSpace còn được bạn bè tặng một số thiết bị như dàn ăng ten hay máy khuếch đại tín hiệu để phục vụ nghiên cứu.

Muốn ứng dụng, cần sự tham gia của nhiều cơ quan

Vũ Trọng Thư cho biết: “Cuộc thi này mở đầu cho chuỗi 3 cuộc thi do EADS tổ chức. Cuộc thi thứ 2 (năm 2012) sẽ hướng tới các giải pháp nhằm giúp ngư dân tránh bão sau khi đã có cảnh báo. Cuộc thi thứ ba (năm 2013) sẽ đưa ra các thử nghiệm thực tế dựa vào các giải pháp tích hợp từ các cuộc thi trước đó. Sau đó, hy vọng chúng ta sẽ tìm ra được giải pháp có thể đưa vào ứng dụng tại Việt Nam”. Về khả năng ứng dụng đề tài tại Việt Nam, Thư hy vọng: “Đây là một bài toán rất lớn và cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là từ các ngư dân. Cuộc thi do EADS tổ chức vừa qua mới chỉ giới hạn về giải pháp công nghệ nên để có thể đưa đề án vào ứng dụng trong thực tế vẫn cần thêm thời gian và công sức. Hiện FSpace cũng đang tích cực tìm kiếm các cá nhân, tổ chức có quan tâm đến đề án này để cùng hợp tác phát triển tiếp”.

Phi Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.