Bát nháo chương trình liên kết - Bài 3: Không có chức năng cũng đào tạo

10/11/2010 23:40 GMT+7

Quản lý chồng chéo, quy định các cơ sở văn hóa - giáo dục nước ngoài hoạt động tại VN là phi lợi nhuận nhưng thực tế hầu hết đều vì lợi nhuận. >> Chưa cấp phép vẫn đào tạo

Quy định lỗi thời

Hiện nay, để quản lý các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các cơ quan quản lý đều thực hiện theo Nghị định 18/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nghị định này đến nay đã không còn phù hợp với thực tế.

Thứ nhất, đây là nghị định áp dụng cho những cơ sở giáo dục và những hoạt động phát triển giáo dục không vì mục đích lợi nhuận. Nhưng thực tế hầu hết những chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hiện nay đều là những chương trình thu lợi nhuận. Một chuyên gia giáo dục cho biết: rất ít đối tác nước ngoài đến liên kết đào tạo tại VN mà lại không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Nhưng khi xem xét cấp phép hoạt động cho những chương trình liên kết này, các cơ quan quản lý của VN đều áp dụng Nghị định 18 của Chính phủ cho phép hoạt động theo mục đích phi lợi nhuận. Đây là điều không phù hợp với thực tế.

 

 Minh họa: DAD

Thứ hai, nghị định này không quy định cụ thể các điều kiện để đảm bảo chất lượng khi tiến hành liên kết đào tạo giữa cơ sở nước ngoài với cơ sở của VN mà chỉ nêu: “Cơ sở liên kết được xét cấp giấy phép khi bên nước ngoài có đủ các điều kiện sau đây: Là tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân có năng lực pháp luật của nước sở tại”… Trong khi đó, đối với hệ thống giáo dục của một số nước trên thế giới thì việc một tổ chức có đủ các điều kiện đó không phải là cơ sở đảm bảo cho chất lượng đào tạo mà họ cung cấp. Chính vì thế, thời gian qua nhiều cơ sở đào tạo của nước ngoài không đảm bảo chất lượng, các xưởng cấp bằng (Diploma mill) đã tràn vào VN để thu lợi nhuận.

Nhiều đầu mối, thông tin mù mờ

Nghị định 18 của Chính phủ quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước các cơ sở văn hóa - giáo dục nước ngoài tại VN. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ GD-ĐT mới chỉ quản lý được những trường ĐH, CĐ thuộc sự quản lý của Bộ. Còn lại những chương trình liên kết diễn ra tại các trường thuộc sự quản lý bộ, ngành khác và các trường được tự chủ trong cấp phép lại ngoài tầm quản lý của Bộ GD-ĐT. Thực tế là hiện Bộ GD-ĐT mới chỉ công khai được danh sách các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do Bộ cấp phép. Người học vẫn chưa biết chính xác có bao nhiêu chương trình liên kết đào tạo thuộc các đơn vị khác chính thức được phê duyệt. Lý do là những trường thuộc bộ ngành khác thường bỏ qua công đoạn xin cấp phép liên kết đào tạo của Bộ GD-ĐT. Điển hình là những trường trực thuộc Bộ Công thương như ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Điện lực... Đây là những trường có nhiều chương trình liên kết đào tạo chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép nhưng vẫn diễn ra trong nhiều năm.

Hiện nay, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được tốt. Điều bất cập là có nhiều đầu mối cấp phép và quản lý chứ không chỉ riêng Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Xuân Vang Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT)

Hiện cả nước có 5 cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ trong việc cấp phép cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài bao gồm 2 ĐH Quốc gia và 3 ĐH vùng nhưng người học cũng không biết chính xác có bao nhiêu chương trình liên kết được cấp phép từ các cơ sở này và chất lượng ra sao. Đó là lý do trong một thời gian dài ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện chương trình liên kết với trường ĐH Irvine (Mỹ) kém chất lượng mà không ai biết vì học viên đều tin tưởng vào uy tín của một ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Theo quy định hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục VN (trừ 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng), muốn liên kết đào tạo từ bậc ĐH trở lên đều phải xin phép Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, một số cơ sở không trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ GD-ĐT đã thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mà không xin phép, không báo cáo Bộ. Một số cơ quan không có chức năng đào tạo cũng tổ chức liên kết đào tạo với nước ngoài. Tất cả những hiện tượng trên đã khiến các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng như của Bộ GD-ĐT gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giám sát và đánh giá”.

Đặc biệt, trong thời gian qua, khi Bộ GD-ĐT có yêu cầu báo cáo về các chương trình liên kết đào tạo thì hầu như các trường trực thuộc bộ ngành khác và đặc biệt là một số trường ĐH được tự chủ đã không tuân thủ quy định này. Điều đáng nói là những cơ sở không gửi báo cáo theo yêu cầu cũng là các đơn vị bị phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động liên kết đào tạo.

Ông Nguyễn Xuân Vang cho biết thêm: “Theo quy định thì cơ quan cấp phép chịu trách nhiệm thẩm định, giám sát và xử phạt. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được tốt. Điều bất cập là có nhiều đầu mối cấp phép và quản lý chứ không chỉ riêng Bộ GD-ĐT”.

Bộ GD-ĐT cũng đã thấy những bất cập của Nghị định 18. Cách đây 3 năm, Bộ đã phối hợp với một số bộ ngành khác soạn thảo nghị định mới để thay thế. Nhưng đến thời điểm hiện nay, nghị định mới vẫn còn là dự thảo trong khi tình trạng liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài vô cùng phức tạp, bát nháo.

Ý kiến bạn đọc

* “Xem bài viết về các chương trình liên kết đào tạo, tôi không lấy làm lạ vì tình trạng này đã và đang xảy ra từ nhiều năm nay. Nhiều chương trình liên kết tiếng là được tổ chức CHEA (Mỹ) kiểm định, thế nhưng không cần đầu vào tiếng Anh. Học thạc sĩ chỉ có 3 tháng với mức học phí 12.000 USD”.

Nguyễn Đức Thuận (mrducthuan@yahoo.com)

* “Vụ việc trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã lên báo vài năm trước, nhưng sau đó lại im lặng. Khi tuyển sinh nói là cấp bằng DBA (Diploma of Business Adminstration) cử nhân Quản trị kinh doanh; giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài hoặc VN du học nước ngoài. Nhưng trong thời gian em học 3 năm, không có giảng viên nào người nước ngoài cả”.

N.N.H

* “Tại sao khi biết trường tuyển sinh chương trình liên kết quốc tế chưa được cấp phép mà Bộ GD-ĐT hay các ngành bộ liên quan không ngăn chặn ngay?”

didang88didang@yahoo.com.vn

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.