Phe đối lập Pakistan chia rẽ

01/12/2007 01:45 GMT+7

Các thủ lĩnh đối lập Pakistan đã bị chia rẽ sau khi Tổng thống Pervez Musharraf hứa bỏ tình trạng khẩn cấp trước cuộc bầu cử quốc hội vào đầu năm tới.

Trong bài phát biểu trên truyền hình chiều 29.11, vài giờ sau lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống dân sự, ông Musharraf khẳng định quyết tâm dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và khôi phục hiến pháp vào ngày 16.12. Trước đó, ông đã chuyển giao vai trò tổng tư lệnh quân đội Pakistan cho tướng Ashfaq Kayani.

Cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, thủ lĩnh đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đối lập, hoan nghênh bước đi của ông Musharraf, coi đó là "những biện pháp xây dựng lòng tin tích cực". Bà cho biết PPP sẽ tham gia cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 8.1.2008, nhưng bảo lưu quyền rút khỏi cuộc bầu cử nếu nó bị dàn xếp. "Chúng tôi hy vọng rằng khi tham gia, chúng tôi có thể cải thiện tình hình", Hãng tin AP dẫn lời bà Bhutto phát biểu sau buổi tiếp một phái đoàn quốc hội Mỹ. Thái độ của bà Bhutto đã bớt cứng rắn so với hai tuần trước, khi bà tuyên bố khép lại các cuộc đàm phán chia sẻ quyền lực với Musharraf và thề sẽ không bao giờ làm việc dưới trướng ông này. Người phụ nữ từng hai lần làm thủ tướng được nhiều người ở phương Tây nhìn nhận như một đối tác lý tưởng cho ông Musharraf để hợp thành lá chắn chống Hồi giáo cực đoan và khủng bố.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, thủ lĩnh đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) và là người bị ông Musharraf lật đổ vào năm 1999, tuyên bố liên minh đối lập với hơn 30 đảng do PML-N chỉ huy sẽ tẩy chay cuộc bỏ phiếu sắp tới. Thủ lĩnh đảng PML-N đã lên tiếng đòi phục chức cho các thẩm phán bị ông Musharraf cách chức sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố hôm 3.11. "Nếu chưa khôi phục cơ quan tư pháp trở lại vị thế trước ngày 3.11, thì dẫu ông ta (Musharraf) có làm gì đi chăng nữa thì cũng không giải quyết được vấn đề", ông Sharif nói trong cuộc phỏng vấn trên Báo India Today (Ấn Độ) số ra hôm qua. Ông còn đòi Tổng thống Musharraf bãi bỏ những sửa đổi trong hiến pháp mới đây, theo đó, tòa án không được phép xem xét các quyết định của tổng thống. Trong cuộc phỏng vấn, ông Sharif nói sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào với ông Musharraf đồng thời bác bỏ khả năng liên minh với bà Bhutto.

Nhằm tránh gây tổn hại cho nỗ lực khôi phục dân chủ, ông Musharraf hôm 29.11 đã kêu gọi các đảng đối lập tham gia tranh cử. Theo thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên phái đoàn Quốc hội Mỹ đến thăm bà Bhutto hôm 29.11, nếu các đảng đối lập tẩy chay cuộc bầu cử, "sẽ khó thành lập một chính phủ thực sự phục vụ người dân". Về phần mình, ông Sharif thừa nhận việc tẩy chay chỉ hiệu quả khi các đảng đối lập lớn đoàn kết lại, vì thế ông cho biết sẽ cố thuyết phục các thủ lĩnh khác, bao gồm bà Bhutto, rút khỏi cuộc bầu cử. Giới phân tích cho rằng nếu không tổ chức được một cuộc tẩy chay hàng loạt, hẳn ông Sharif sẽ lãnh đạo đảng PML-N tham gia tranh cử để không phải làm kẻ đứng bên lề.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.