Đành "nhắm mắt" gửi con

28/11/2010 09:31 GMT+7

(TNO) Nhiều vụ bạo hành trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình đã gây ra sự hoang mang cho những bậc phụ huynh. Đặc biệt, chuyện gửi con càng là “trái đắng” đối với những gia đình công nhân nghèo, vì: “Không gửi trẻ ở các nhóm trẻ gia đình thì biết gửi ở đâu?”. >>Tìm ra “địa ngục” của các cháu bé >>Tạm giữ hình sự bảo mẫu hành hạ trẻ em >>Thêm một bảo mẫu hành hạ trẻ em

Nỗi khổ công nhân

Phường Linh Trung, Q.Thủ Đức (TP.HCM) là nơi tập trung rất nhiều công nhân làm việc trong hai khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1 và Linh Trung 2. Thế nhưng, số trường, lớp mầm non chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đi vòng hết cả khu vực đường Kha Vạn Cân, Linh Trung, Hoàng Diệu, chúng tôi mới tìm được một nhóm trẻ tư nhân nằm trong một con hẻm nhỏ.

 
Giờ nghỉ tại một nhóm trẻ tư thục - Ảnh: Nguyên Mi

Sự thiếu vắng các nhà trẻ, trường mẫu giáo đã khiến phụ huynh không biết gửi con ở đâu. Ngoài ra, đa phần công nhân cũng không đủ tiền để có thể gởi con vào những nơi đạt tiêu chuẩn. 

Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào Tạo (GD-ĐT) TP.HCM, toàn Q.Thủ Đức có 109 trường thuộc cấp mầm non (bao gồm nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non). Trong đó, chỉ có 16 trường công lập. Tại phường Linh Trung, Q.Thủ Đức chỉ có 5 trường mầm non, nhóm trẻ gia đình (tính chung cả công lập và ngoài công lập) được đăng ký với Sở GD-ĐT.
Một dãy nhà trọ cho công nhân thuê (tại khu phố 4, đường Linh Trung, phường Linh Trung, Q.Thủ Đức, ngay sau KCX Linh Trung 1) có hơn 20 phòng thì có gần 10 gia đình có con nhỏ đang tuổi đi nhà trẻ.

Chị Lê Thị Hà, công nhân may trong KCX Linh Trung 1, cho biết: “Vợ chồng em ở trọ tại đây, làm gì có KT3 hay hộ khẩu TP mà xin cho con học ở trường mầm non nhà nước. Con cái người ở đây còn không đủ chỗ học ở trường công nữa huống chi tụi em. Với lại tụi em cũng không có đủ tiền đóng”.

Với thu nhập của hai vợ chồng chừng 1,8-2 triệu đồng/tháng, chị Hà đành chọn cách gửi con cho… bà chủ nhà, hết khoảng 500.000 đồng/tháng.

“Ở khu này, ai cũng làm thế. Cô Tư chủ nhà trọ giữ hết đám trẻ ở đây”, Thu, một nữ công nhân cũng làm trong KCX Linh Trung 1, tiếp lời.

Khi được hỏi liệu các bé có được chăm sóc tốt, được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, được dạy dỗ theo đúng phương pháp, chương trình không, Hà chỉ biết cười buồn: “Chương trình gì chị, mong cổ chăm sóc con mình cẩn thận, không ngã té, u đầu, trầy xước là mừng rồi. Chứ đi làm biết giao con cho ai giữ bây giờ”, Hà nói.

 
Nhiều phụ huynh đành gửi con ở những nhóm trẻ tự phát - Ảnh: Nguyên Mi

“Với lại, thấy cô chủ cũng tốt, ai cũng gửi con thì mình gửi thôi”, Thu nói về cách chọn "trường" cho con mình.

Mặt khác, những giờ tăng ca cũng là một khó khăn rất lớn của những ông bố, bà mẹ công nhân. “Không có nhà trẻ nào giữ trẻ ban đêm đâu. Trong khi, thời gian hàng nhiều, tụi em tăng ca liên tục, làm ca đêm nên chỉ có cách gửi con cho cô chủ nhà vậy”, Hà tâm sự.

Tương tự, phường Tân Thuận Đông (Q.7), là nơi tập trung công nhân của KCX, Khu công nghiệp (KCN) Tân Thuận, tình hình trường mẫu giáo, nhà trẻ ở đây cũng hiếm hoi như quanh KCX Linh Trung vậy.

Bà Dương Thị Tuyết Nga, Phó chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông, Q.7, cho biết cả phường chỉ có 1 trường mầm non công lập và 5 trường mầm non bán công, dân lập, nhóm trẻ gia đình có đăng ký.

Hiện nay, toàn TP.HCM có hơn 13 KCX, KCN nhưng chỉ KCN Tân Tạo là có xây ba phòng học cho cấp mầm non.

Những bảo mẫu tay ngang

Tại một căn hộ nhỏ của chung cư 136, đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, Q.7), bà H.T.N. đang giữ khoảng 20 trẻ. Các bé ở đây nhỏ nhất là 9 tháng và lớn nhất là gần 3 tuổi.

Khoảng 2 giờ trưa, bé thì nằm lăn lê dưới sàn nhà, không trải chiếu hay nệm gì cả; bé thì xem phim Tây Du Ký, có hai ba bé đứng sát, dán mắt vào ti vi, bé thì ngồi nghịch đồ chơi… Bà N. bảo: “Sàn nhà cô lau sạch lắm, không sao đâu”.

 
Các bé được trông nom, dạy dỗ không theo một quy chuẩn, phương pháp nào cả - Ảnh: Nguyên Mi

“Cô coi tụi nhỏ như con cháu trong nhà, con cháu mình giữ sao thì giữ mấy đứa nhỏ này như thế”, bà N. nói.

Bà N. đảm bảo: Các bé được ăn ba buổi sáng, trưa, xế. Đến chiều thì bật ti vi nhạc Xuân Mai cho nghe và được dạy cách biết lễ phép.

“Tui giữ trẻ ở đây hơn 27 năm rồi. Vì không có bằng cấp nên tui không đăng ký xin lập nhóm trẻ gia đình được. Chứ công nhân quanh khu này gửi con cho tui hết. Thấy mấy cháu cũng tội, cứ năn nỉ “vú” Nguyệt giữ con giùm nên tui giữ, chứ tui là tui định nghỉ từ lâu rồi”, bà N. nói.

Đây cũng là cách giữ trẻ chung của những nhóm trẻ gia đình không đăng ký, những bảo mẫu tay ngang mà chúng tôi tìm hiểu được quanh các KCN, KCX, những khu nhà trọ của công nhân, người lao động nghèo.

Tui giữ trẻ ở đây hơn 27 năm rồi. Vì không có bằng cấp nên tui không đăng ký xin lập nhóm trẻ gia đình được...
Bà H.T.N., chủ một nhóm trẻ gia đình không đăng ký
Quanh khu chung cư 136, đường Bùi Văn Ba (phường Tân Thuận Đông, Q.7, ngay gần KCN Tân Thuận) này có ít nhất ba nhóm trẻ gia đình không tên, không biển hiệu như thế.

Tất nhiên, những nhóm trẻ này hoàn toàn nằm ngoài sự quản lý của ngành giáo dục, không chịu một sự quản lý, kiểm tra hay đảm bảo một quy chuẩn nào.

Đa phần công nhân làm việc tại các KCN, KCX đều từ các tỉnh về TP.HCM mưu sinh. Không thể gửi con ở nhà trẻ, cũng không có người thân chăm con, cứ như thế, các bà mẹ dù muốn hay không cũng đành “nhắm mắt” gửi con cho những nhóm trẻ gia đình, những bảo mẫu tay ngang...

Còn nhớ, trong phiên xử về hành vi bạo hành với trẻ em, trước tòa, “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa từng khai mình giữ con cháu mình sao thì giữ trẻ được gửi như thế, đâu biết vậy là sai. Việc thiếu quản lý những nhóm trẻ tự phát, thiếu kiến thức trong việc nuôi dạy trẻ của những bảo mẫu tay ngang có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, đó là chưa nói đến tình trạng bạo hành trẻ em như những sự việc vừa qua.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, TP hiện có 711 trường mầm non, trong đó có 378 trường công lập (chiếm 53,2%); 303 trường tư thục (chiếm 42,6%).

Bên cạnh đó, thành phố cũng có 893 nhóm trẻ gia đình, lớp mầm non, mẫu giáo tư thục có đăng ký ở Sở GD-ĐT.

Tuy nhiên, còn rất nhiều những nhóm trẻ không đăng ký, những bảo mẫu tay ngang vẫn hoạt động "chui" nằm ngoài sự quản lý của ngành giáo dục.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.