Khoảng trống để lại

19/10/2008 00:23 GMT+7

Hiệp định quân sự mới được thỏa thuận giữa Mỹ và Iraq là kết quả của áp lực thời gian vì hai bên cần một thỏa thuận như vậy để thay thế cái gọi là sự ủy thác của LHQ cho phép quân đội Mỹ và một số nước khác triển khai ở Iraq sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Theo hiệp định trên, Mỹ sẽ rút hết quân đội khỏi Iraq vào cuối năm 2011 và rút khỏi các thành phố, làng mạc ở Iraq vào cuối tháng 6.2009. Vậy là trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống George.W.Bush đã vạch ra được lộ trình thời gian để thoát khỏi cuộc phiêu lưu quân sự ở Iraq. Chỉ có điều việc thực hiện nó ra sao thì lại vượt khỏi tầm kiểm soát và quyền lực của ông Bush.

Cả hiệp định trên lẫn việc Mỹ rút quân khỏi Iraq đều để lại những khoảng trống chưa biết sẽ được lấp như thế nào. Bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Iraq về việc này vẫn còn rất đáng kể. Trong khi Washington coi những thời hạn nêu trên chỉ là định hướng và không có tính ràng buộc thì Baghdad có quan điểm ngược lại. Hay như xử lý binh lính Mỹ phạm tội ở Iraq cũng vậy. Hiệp định này thể hiện thực trạng của cả hai bên: chính phủ Iraq tự tin hơn trước nhưng lại không có thực quyền trong chuyện này còn chính phủ Mỹ thì bối rối với việc muốn tìm cách thoát ra nhanh do quá tốn kém và áp lực đối nội nhưng lại lo tình hình Iraq đảo ngược.

Khoảng trống mà thỏa thuận này để lại còn là việc Mỹ sắp có chính phủ mới, và hẳn sẽ có chính sách mới đối với việc rút quân khỏi Iraq. Còn ở Iraq thì đâu đã có hòa hợp dân tộc và chuyện cát cứ, tranh giành quyền lực còn chưa chấm dứt. Không phải hai bên không ý thức được điều đó, nhưng lợi ích trước mắt quan trọng đối với cả hai hơn những tính toán lâu dài. 

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.