Vụ án “máy ủi cản đường”

13/11/2010 22:51 GMT+7

Do “đụng” phải lái xe của Viện KSND tỉnh Quảng Bình và dám cãi lời ông viện trưởng, 3 nhân viên bảo vệ ký túc xá (KTX) Đại Phong (TP Đồng Hới) đã bị bắt tạm giam và bị truy tố đến cùng.

“Giám đốc của bây đâu?”

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP Đồng Hới (Quảng Bình), khoảng 14 giờ 20 ngày 28.1, Phạm Bá Ngọc (lái xe của Viện KSND tỉnh Quảng Bình) lái xe ô tô chở kiểm sát viên Nguyễn Sỹ Hùng trên đường đi công tác từ Hà Nội về cơ quan. Khi rẽ vào đường đất đỏ, cách cổng Ký túc xá (KTX) Đại Phong ở TK 15 (P.Bắc Lý, TP Đồng Hới) khoảng 25m thì gặp một chiếc xe ủi đang đậu trên đường, sợ xe không qua được nên Ngọc bóp còi nhưng không thấy ai.

 

 Minh họa: DAD

Phần tiếp theo của câu chuyện, kết luận điều tra miêu tả như sau: Ngọc bước xuống xe đi đến cổng KTX tìm người lái xe ủi thì gặp Lê Văn Toản chạy ra nói: “Đường này làm để sinh viên đi, cấm xe ô tô, anh đi đường khác”. Lời qua, tiếng lại, Ngọc phản ứng: “Ai cho chúng mày quyền cấm đường” và dùng chân đạp vào đùi Toản một cái rồi quay lại lái xe qua chỗ hẹp. Ngọc không điều khiển xe vào hướng về cơ quan mà chạy thẳng về phía Toản và Hà Thị Thanh Loan đang đứng trước cổng KTX thì dừng lại đôi co, cãi nhau. Toản và Loan bỏ đi vào KTX thì Ngọc cũng đi vào.

Ngọc vào KTX được 5m thì gặp bảo vệ Phạm Hồng Ý nói: “Đường này do ai làm mà bây có quyền cấm ô tô, giám đốc của bây đâu?”. Ý trả lời: “Đường này giám đốc làm để cho sinh viên đi, cấm ô tô, giám đốc đi vắng, có việc gì anh nói với tôi”. Ngọc túm cổ áo đấm và tát Ý. Ý và Toản hét lớn: “Khóa cổng lại”. Loan lấy khóa, khóa cổng lại.

“Thứ trưởng cũng không sợ chứ viện trưởng”

“Lúc này, kiểm sát viên Nguyễn Sỹ Hùng đứng ngoài lên tiếng can ngăn nhưng Ý, Toản không nghe xông vào đánh Ngọc, Nguyễn Tấn Huyên (bảo vệ) chạy đến ôm Ngọc lại để trói thì bị Ngọc dùng cùi chỏ đánh trúng bụng. Huyên dùng tay đấm trúng vào lưng Ngọc. Ngọc bỏ chạy nhưng cổng khóa không chạy được. Ý, Toản chạy về phòng lấy hung khí (Huyên cũng chạy về phòng lấy hung khí nhưng để cất giấu không cho Ý và Toản lấy). Sau đó, Ý và Toản đuổi đánh Ngọc”, kết luận điều tra cho biết.

Máu chảy ra nhiều, Ngọc giơ tay: “Cho anh xin lỗi, anh say rồi”. Ý cầm cây gỗ dơ lên dọa, bắt Ngọc quỳ xin lỗi. Ngọc phải ngồi xuống trước mặt Ý, Toản, Huyên, chắp hai tay nói: “Anh sai rồi cho anh xin lỗi, anh đã uống quá nhiều rồi”.

Tiếp đó, 3 bảo vệ này yêu cầu Ngọc vào phòng để lập biên bản chờ công an phường xuống giải quyết. Lúc này, ông Phạm Hồng Tâm và một số cán bộ của Viện KSND tỉnh Quảng Bình đến yêu cầu thả người nhưng tổ bảo vệ không thả. Ông Tâm đến phòng bảo vệ nói: “Tôi là Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Bình, thủ trưởng của nạn nhân yêu cầu các anh mở cửa để đưa nạn nhân đi cấp cứu”.

Nhưng Ý khăng khăng: “Đây là khu vực của tôi, ông không có phận sự gì, yêu cầu ông ra cho”. Một kiểm sát viên khác chen vào: “Viện trưởng nói mà không nghe thì ai nói nghe”. Ý đáp: “Thứ trưởng cũng không sợ chứ viện trưởng” rồi đứng giang hai tay trước cửa phòng bảo vệ, chờ đến lúc công an phường xuống mới đưa Ngọc đi cấp cứu.

Truy tố đến cùng

Ba ngày sau khi sự việc xảy ra, Viện KSND TP Đồng Hới có công văn yêu cầu Công an Đồng Hới khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích” và “bắt giữ người trái pháp luật”. Công an Đồng Hới theo đó ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Ý và Toản về hai tội danh trên.

Ngày 9.2, Viện KSND Đồng Hới tiếp tục yêu cầu khởi tố thêm Nguyễn Tấn Huyên vì cho rằng có dấu hiệu đồng phạm, nhưng Cơ quan điều tra Công an TP Đồng Hới

xác định Huyên không liên quan nên không đề cập gì đến hành vi của Huyên trong kết luận của mình. Do vậy khi nhận được hồ sơ vụ án, Viện KSND Đồng Hới ngay lập tức ra quyết định trả lại, yêu cầu làm rõ hành vi cố ý gây thương tích của Huyên để khởi tố điều tra.

Đến lúc này, bản kết luận lần 2 của Cơ quan điều tra buộc phải nhấn mạnh rằng hành vi của Huyên chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không khởi tố. Thế là ngay lập tức, Viện KSND Đồng Hới trực tiếp ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Huyên (đến ngày 9.7, cả ba bảo vệ này được thay thế biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú).

Trong khi đó, kết luận điều tra xác định: “Trong vụ án này nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do lái xe Phạm Bá Ngọc chỉ vì bức xúc chiếc máy ủi nằm bên đường gây khó khăn cho ô tô đi lại đã dẫn đến vào trong KTX gây gổ, đánh nhau với nhân viên bảo vệ trước sự chứng kiến của nhiều sinh viên, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân”, nhưng Phạm Bá Ngọc lại không bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng này.

Công an phường ở đâu?

Điều đáng nói là trong bản kết luận điều tra còn đề cập đến việc bà Nguyễn Thị Luyến (giám đốc) hay tin có người vào KTX gây gổ đã gọi điện thoại, chỉ đạo “bảo vệ giữ người vào KTX gây rối, báo Công an P.Bắc Lý đến giải quyết, yêu cầu bảo vệ thực hiện đúng nội quy KTX sinh viên”. Bên cạnh đó, theo Nghị định 73/2001 NĐCP ngày 5.10.2010 của Chính phủ về hoạt động và tổ chức lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp quy định: “khi có vụ việc xảy ra… phải tổ chức bảo vệ hiện trường, bắt người phạm tội quả tang và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất”.

Thực tế, trong vụ án này, anh Nguyễn Hữu Bắc, nhân viên bảo vệ KTX
đã 2 lần dùng điện thoại gọi Công an P.Bắc Lý đến giải quyết nhưng họ đã quá chậm chân.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.