“Giải ảo” vương triều Lý

21/11/2009 23:06 GMT+7

Phải chăng Đình Bảng là nơi “chôn rau cắt rốn” của vị vua khai sáng một trong những vương triều thịnh trị nhất của chế độ phong kiến Việt Nam? Nghe đọc bài

Những tranh luận khoa học và cả sự tôn vinh vương triều Lý đã được hơn 60 nhà khoa học trong và ngoài nước đề cập ở hội thảo khoa học 1.000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long hôm qua 21.11 tại Hà Nội.

Trong lịch sử Việt Nam, có không ít vương triều và nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi. Song, với vương triều Lý, những nhận định, đánh giá tổng quát về công lao của vương triều này gần như đạt tới sự đồng thuận cao. Tất cả các sử gia đều cho rằng nhà Lý đã xây dựng được một chính quyền thống nhất, củng cố và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và độc lập dân tộc; chấn chỉnh quân đội, luật pháp; phát triển nông nghiệp và kinh tế hàng hóa với những chính sách cấp tiến..., trong đó hai điểm nhấn nổi bật là định đô ở Thăng Long và khai mở kỷ nguyên văn minh Đại Việt, mà cốt lõi là nền văn hóa Thăng Long.

Tuy nhiên, tranh cãi chủ yếu nằm ở việc nhận diện nguồn gốc, thân thế nhân vật Lý Công Uẩn. Vị vua khai sáng này rõ ràng có một sự nghiệp vĩ đại và hiển hiện, nhưng lại có một lai lịch không hề rõ ràng. Ngay cái tên Lý Công Uẩn, theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển kiêm Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, dường như cũng mang tính biểu trưng của một làng quê đầy huyền bí (hương Diên Uẩn, sau đổi thành hương Cổ Pháp), chứ khó ai có thể biết rõ tên thật của ông.

Mặt khác, các bộ sử cũ của Việt Nam, hoặc không chép đến, hoặc không xác định được ai là cha của Lý Công Uẩn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, dựa theo truyền thuyết dân gian, chỉ kể chuyện mẹ ông “đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974) thời Đinh”. Nhưng cũng có tài liệu nói rằng Lý Thái Tổ là con của Thần Khỉ, con của Lão Sa Môn, Thánh tổ Hiển Tông hay thậm chí là con của thiền sư Vạn Hạnh. Lại có giả thuyết Lý Công Uẩn sở dĩ mang họ Lý là vì Vạn Hạnh đã “bố trí” cho em ruột Lý Khánh Văn nhận vua Lý làm con nuôi để hợp thức hóa tên họ Lý cho người con trai đích thực của mình.

Lý Công Uẩn không phải người gốc Mân

GS Nguyễn Quang Ngọc đã bước đầu đưa ra kết luận mới có phần đảo ngược những hiểu biết trước đây về nhân vật Lý Công Uẩn. Bằng những cứ liệu khoa học, trong đó quan trọng nhất là văn bia Lý gia linh thạch lập năm 1793 tại chùa Tiêu Sơn có ghi: “Đắc Đông Ngàn Hoa Lâm nhan Phạm Mẫu tiêu dao kỳ tự”, ông Ngọc cho rằng Dương Lôi (Từ Sơn, Bắc Ninh) là quê nội và Hoa Lâm (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) là quê ngoại của vua nhà Lý.

Cũng về vấn đề nguồn gốc nhà Lý, trong khi nhiều sử sách “huyền thoại hóa” và “thần thánh hóa” nhân vật Lý Công Uẩn, thì GS Nguyễn Quang Ngọc xác định thân phụ Lý Thái Tổ không phải là “thần nhân” mà là người thật, gia đình Lý Công Uẩn tuy gặp hoàn cảnh éo le nhưng Lý Công Uẩn vẫn có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Ông Ngọc đã “giải ảo” bằng cách xác định chính xác vị trí của ngôi mộ Hiển Khánh Vương, thân phụ Lý Thái Tổ, trong khu Rừng Miễu làng Dương Lôi, tức khu cánh đồng giáp giới giữa Đình Bảng, Đình Sấm, Đại Đình.

Câu chuyện Đình Bảng hay Dương Lôi mới đích thị là quê nội Lý Thái Tổ cũng là câu hỏi làm đau đầu không ít nhà sử học. Tất cả các bộ sử cũ đều chép Lý Công Uẩn là người châu Cổ Pháp. Song, trên thực tế, Cổ Pháp thời Lý quy mô ra sao và làng nào là làng quê gốc của nhà Lý, thì lại không dễ trả lời. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, đã có một thời, hễ nói đến quê hương nhà Lý là người ta nghĩ ngay đến làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), mặc dù ai cũng biết hương Cổ Pháp (hay châu Cổ Pháp) thời Lý không phải chỉ có một làng Đình Bảng. Thế nhưng, nhiều người đã đơn giản đồng nhất châu (hay hương) Cổ Pháp thời Lý với làng Cổ Pháp - được cho là làng Đình Bảng, và quy tất cả những vấn đề về quê hương nhà Lý hay có liên quan đến quê hương nhà Lý vào riêng làng Đình Bảng. Trên thực tế, GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng làng Đình Bảng, dù đã được nghiên cứu nhiều, khảo sát nhiều, nhưng hầu như không có dấu tích đáng kể nào về gia đình (cha, mẹ), dòng họ hay sự sinh trưởng của Lý Công Uẩn. Đình Bảng cũng chưa bao giờ thờ các vị vua nhà Lý làm thành hoàng làng. Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý, nhưng nguyên thủy thì không phải là đền hay miếu của làng Đình Bảng.

Cũng theo GS Ngọc, khu rừng Báng đúng là dấu tích còn lại của Thọ Lăng nhà Lý, nhưng Thọ Lăng không phải là đất của riêng làng Đình Bảng. Hơn nữa, nhiều nguồn tư liệu cho thấy bà Phạm Thị - thân mẫu Lý Công Uẩn, chỉ gắn bó với Dương Lôi và khi chết được chôn cất tại Dương Lôi, đúng như phong tục phổ biến của người Việt về cuộc đời người phụ nữ: sinh quê cha, thác làm ma quê chồng. Như vậy, theo GS Ngọc, Dương Lôi, chứ không phải Đình Bảng, mới đúng là gốc gác của Lý Thái Tổ. Bà Phạm Thị đã sinh Lý Công Uẩn tại đây. Lý Công Uẩn lớn lên ở đây, và khi làm nên công danh sự nghiệp cũng gắn chặt với nơi đây.

PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, và Ths Nguyễn Ngọc Phúc cũng bóc tách vấn đề “gốc người Mân” của Lý Công Uẩn và chứng minh những cứ liệu mà các sử gia Trung Quốc dựa vào để khẳng định “nguồn gốc Mân” (Phúc Kiến, Trung Quốc) của Lý Công Uẩn, như Mộng Khê bút đàm, Tốc thủy ký văn hay bức thư của Từ Bá Tường viết cho Đại Việt vào năm 1076 và cả Lý trang Chử Nội Lý thị phòng phả là không đáng tin cậy vì có rất nhiều nhầm lẫn, sai sót về số liệu, sự kiện, nhân vật.

Còn nhiều “nghi án”...

Tuy đồng thuận trong việc đề cao công lao kiến thiết đất nước của vương triều Lý, song nhiều sử gia vẫn còn tranh cãi về mô hình, thể chế chính trị của nhà nước này. Trong khi nhiều nhà sử học trong nước, như: PGS-TS Vũ Văn Quân, PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng bộ máy nhà nước trung ương của vương triều Lý được xây dựng và kiện toàn theo hướng tập quyền nên Thăng Long ngay từ đầu đã trở thành trung tâm quyền lực với sự tập trung cao, thì GS Momoki Shiro (ĐH Quốc gia Osaka, Nhật Bản) lại khẳng định các triều đại cho đến nhà Trần chưa cai trị theo mô hình quan liêu trung ương tập quyền. Mặt khác, dù chế độ phụ hệ được coi trọng, nhưng vai trò của các bà hoàng hậu và hoàng thái hậu thời Lý trong việc củng cố vương triều cũng không nhỏ. GS Momoki Shiro dẫn chứng bằng việc Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi không những truy phong thân phụ làm Hiển Khánh vương mà còn truy phong thân mẫu làm Minh Đức thái hậu. GS Sakurai Yumio (ĐH Quốc gia Tokyo, Nhật Bản) cũng cho rằng chỉ có khu vực Thăng Long và vùng đất phía tây nam của nó là do nhà Lý trực tiếp quản lý. Theo ông Sakurai, toàn bộ khu vực phía ngoài châu thổ đều nằm dưới quyền kiểm soát của dòng họ địa phương có thế lực mạnh, còn các khu vực miền núi hẻo lánh, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh các nhóm tộc người thiểu số vẫn duy trì mối quan hệ có tính chất nửa độc lập với chính quyền trung ương.

Nhiều phát hiện khảo cổ học về dấu tích vương triều Lý nhưng vẫn còn nhiều ẩn số chưa thể giải đáp - ảnh do Viện Khảo cổ học Việt Nam cung cấp

Thật ra, không phải đến bây giờ, mà hơn 20 năm nay, những hội thảo lớn nhỏ, những chương trình nghiên cứu về vương triều Lý và vai trò của vương triều này trong tiến trình lịch sử Việt Nam cũng đã được bàn thảo. Song, đến nay, khi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp cận kề, “hiểu biết về nguồn gốc Lý Thái Tổ, về quê hương nhà Lý và kinh thành Thăng Long xem ra vẫn còn mơ hồ và quá nhiều mâu thuẫn”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói.      

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.