Vì sao giá vàng trong nước vẫn cao?

30/10/2009 22:34 GMT+7

Khi giá vàng thế giới tăng, vàng trong nước lập tức tăng mạnh. Thế nhưng khi giá thế giới rớt mạnh, giá trong nước lại chỉ giảm từ từ.

Trong đêm 29.10, giá vàng thế giới tăng mạnh từ 1.030 USD/ounce lên 1.047 USD/ounce. Sáng 30.10, giá vàng thế giới tiếp tục nhích lên 1.048 USD/ounce rồi giảm dần còn 1.045 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng trong nước cùng ngày biến động mạnh. Sáng 30.10, vàng SJC tăng 130.000 đồng/lượng so với ngày 29.10, lên 23,91 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng giảm dần, còn 23,85 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều.

So với mức giá đỉnh điểm đạt được 1.072 USD/ounce hồi giữa tháng 10, giá vàng thế giới hiện nay đã giảm hơn 30 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước chỉ giảm khoảng 100.000 đồng/lượng so với mức giá cao nhất đã đạt được là 23,98 triệu đồng/lượng cũng vào giữa tháng 10. Tốc độ giảm của vàng trong nước thấp hơn giá thế giới dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới trên 500.000 đồng/lượng, có lúc lên đến 800.000 đồng/lượng (tính theo giá USD trên thị trường tự do, chưa tính phí và thuế), trong khi sức mua trên thị trường vàng trong vài ngày trở lại đây rất kém. Liệu có chuyện các đơn vị kinh doanh vàng trong nước bắt tay nhau để “làm giá”?

Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank- SBJ, với mức giá vàng cao, lực bán thị trường mạnh thì tức khắc giá sẽ giảm. Thế nhưng vấn đề hiện nay là nguồn hàng không có trong khi lực mua của thị trường khá mạnh, đang sẵn sàng chờ vàng xuống mức giá thấp hơn. Đại diện SJC cho rằng, cung cầu trên thị trường sẽ quyết định mức giá, các đơn vị khó có thể bắt tay “làm giá”. Người dân, giới kinh doanh hiện nay đã quen với mức giá cao này nên khi vàng xuống 23,3 - 23,4 triệu đồng/lượng thì ngay lập tức thì lực mua (mua mới hoặc mua để chốt lời vì trước đó vay vàng bán ở mức cao) trên thị trường sẽ mạnh lên. Các doanh nghiệp hiện nay đang có tình trạng “canh” nhau trước khi điều chỉnh giá mua bán để không bị “hố”.

Ông Hồ Văn Minh – Phó phòng Phân tích và tư vấn Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận xét là giá vàng đã xác định xu hướng tăng trở lại. Giá vàng đang chực chờ ở mức tăng cao hơn sau khi phá mức cản 1.036 USD/ounce.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã không còn nhập khẩu chính thức vàng, trong khi đó đầu năm 2009, vàng được xuất khẩu đến 50 tấn. Vào khoảng năm 1998, Việt Nam nhập khẩu khoảng 400 tấn vàng. Vậy lượng vàng này đi đâu? Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng cho rằng số lượng vàng trong dân hiện nay rất khó thống kê nên cũng không biết còn được bao nhiêu. Tuy nhiên cũng có một số thời điểm, vàng đã “chảy” ra nước ngoài khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới khá nhiều.

Theo tìm hiểu của vị tổng giám đốc này, với mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước như hiện nay, đã xuất hiện nhập lậu vàng. Do đó thị trường USD tự do mấy ngày gần đây đã có biến động. Giá vàng được tính bằng USD nên giá USD tự do cũng tăng nhanh trong vài ngày gần đây. Nguồn USD trên thị trường tự do hiện nay cũng đang khan hiếm đã đẩy giá USD lên đến 18.700 đồng/USD nhưng vẫn khó mua. Đây cũng là một yếu tố lý giải tại sao giá vàng trong nước hiện nay lại cao hơn nhiều so với giá thế giới. 

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.