Thị trường ô tô: Người tiêu dùng đang bị "bịt mắt"

22/10/2005 00:38 GMT+7

Cách đây mấy tháng, một chuyên gia đã từng làm việc cho hãng sản xuất ô tô nổi tiếng thế giới Volkswagen đã cảnh báo, chúng ta đang cố gắng bằng mọi cách để xây dựng một nền công nghiệp ô tô nhưng lại bỏ qua các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như kỹ thuật.

Thực tế đã diễn ra đúng như lời cảnh báo trên. Hiện tại, cả nước có khoảng 30 doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô nhưng rất ít đơn vị đạt được các tiêu chuẩn do Bộ Công nghiệp quy định. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp thì đây là "những tiêu chuẩn tối thiểu, cần thiết đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô".

 

Theo lẽ thường, khi các nhà cung ứng sản phẩm cạnh tranh nhau thì khách hàng sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất nhưng với mặt hàng ô tô tải nhẹ trong bối cảnh hiện tại lại không hoàn toàn như vậy. Các cơ quan quản lý thì lơ là, doanh nghiệp lợi dụng sự lơ là của cơ quan quản lý chất lượng và đánh vào tâm lý hám rẻ, thiếu hiểu biết về kỹ thuật của người dân để làm ẩu kiếm lời. Cuối cùng, người tiêu dùng là người bị thiệt nhiều nhất. Chưa tìm hiểu sâu đến máy móc, ngay cả những điều tưởng như rất đơn giản là nước sơn cũng không đạt tiêu chuẩn. Theo Quyết định 115 của Bộ Công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất ô tô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 3,5 tấn bắt buộc phải có dây chuyền sơn điện ly phần khung và vỏ xe. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không tuân thủ quy định này. Kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện Quyết định 115 mới đây cho thấy ở miền Bắc duy nhất chỉ có hãng Vinaxuku là có dây chuyền sơn điện ly. Các doanh nghiệp cho rằng: "Đầu tư dây chuyền sơn điện ly quá tốn kém, ít nhất cũng phải 100 tỉ đồng. Đầu tư xong thu hồi vốn rất lâu".

 

Điều đáng nói ở đây là quyết định của Bộ Công nghiệp đã nói rõ nhưng không hiểu vì sao cả nghìn chiếc xe tải dưới 3,5 tấn không có sơn điện ly như yêu cầu mà vẫn được cơ quan đăng kiểm cấp giấy kiểm định đạt tiêu chuẩn(!). Nhà sản xuất thì lập lờ đánh lận con đen, người bán không giải thích đầy đủ cho người mua về sự khác biệt của hai công nghệ sơn điện ly và sơn tĩnh điện. Tưởng như rất đơn giản chỉ là nước sơn bên ngoài nhưng nó lại rất quan trọng, không những ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe mà còn liên quan tới cả yếu tố an toàn cho người sử dụng. Theo những chuyên gia trong lĩnh vực sơn hàn ô tô thì: "Sơn phun tuổi thọ chỉ được 1-2 năm, sau đó vỏ xe sẽ bị gỉ, dễ dẫn tới bị chập cháy, gây mất an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là hệ thống khung gầm của xe. Nếu sơn phun, sau vài ba, bốn năm sử dụng xe có thể bị "mọt" khung". Ông Nguyễn Minh Đồng, một chuyên gia thiết kế từng làm việc cho hãng  Volkswagen cho biết: "Tại những nơi khí hậu ẩm ướt như Việt Nam, hiện tượng gỉ từ bên trong này sẽ rất nghiêm trọng, xảy ra rất nhanh". Điều đáng nói là mức giá của những chiếc xe tải nhẹ, xe 16 chỗ được sơn điện ly lại không đắt hơn nhiều so với giá của những chiếc ô tô sơn tĩnh điện.

 

Các doanh nghiệp này đều dừng ở mức lắp ráp, linh kiện đều được nhập từ Trung Quốc. Một cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam tiết lộ: "Phần lớn những loại ô tô Trung Quốc đang bán trên thị trường Việt Nam đều sử dụng máy theo tiêu chuẩn Euro 1". Ông này cũng cho biết, tiêu chuẩn Euro 1 đã lạc hậu, xe ô tô của Hàn Quốc, Nhật Bản đã sử dụng tiêu chuẩn Euro 3. Như vậy, mua xe giá rẻ chỉ là mức giá ảo vì thực tế nếu tính tuổi thọ của xe rồi chia cho số tiền đầu tư mua xe, xe giá rẻ lại trở thành xe giá cao.

 

Minh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.