Thực phẩm độc hại ở Trung Quốc

31/12/2010 22:27 GMT+7

Trong gần một tháng qua, giới chức Trung Quốc đã phát hiện hàng loạt vụ thực phẩm có nhiễm độc hoặc bị làm giả.

Nhu cầu mua sắm thực phẩm đang tăng cao khi Tết âm lịch đang cận kề nhưng những vụ bê bối bị phanh phui gần đây khiến người tiêu dùng Trung Quốc và cả một số nước thường sử dụng hàng hóa của nước này không khỏi lo ngại.

Mì, lẩu, cam độc

Giới chức tỉnh Quảng Đông vừa phát hiện một lượng lớn mì sợi làm từ gạo mốc và chứa chất phụ gia có thể gây ung thư được bày bán rộng rãi. Khoảng 50 nhà máy ở thành phố Đông Quản đang sản xuất khoảng 500 tấn mì mỗi ngày từ gạo mốc, theo Beijing Youth Daily, tờ báo của Thành Đoàn Bắc Kinh, hôm qua. Các nhà sản xuất tẩy trắng gạo hư và dùng chất phụ gia độc hại để “hô biến” nửa kg gạo thành 1,5 kg mì. Tờ báo dẫn lời các chủ bán gạo sỉ cho hay gạo mốc từng được dùng làm thức ăn cho gia súc. Việc giá gạo tăng chóng mặt ở Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2010 khiến những cơ sở làm mì chuyển sang dùng gạo mốc để giảm giá thành.

Tại Đông Quản, sau khi kiểm tra bất ngờ 35 xưởng mì vào đầu tháng 12, nhà chức trách phát hiện chỉ có 5 nhà máy đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Beijing Youth Daily cho hay phương pháp chế biến mì độc hại trên đang lan sang các vùng khác. Theo tờ này, phần lớn mì này được bán trong các căn-tin của hàng ngàn nhà máy, công xưởng ở Đông Quản và khoảng 10% xuất hiện tại các chợ ở những thành phố lớn.

Trước đó, tờ Anhui Business Daily hôm 14.12 đưa tin giới hữu quan Trung Quốc cũng phát hiện gia vị nấu lẩu chứa những chất phụ gia có hại cho sức khỏe. Tờ báo dẫn lời một bếp trưởng thừa nhận: “80% lẩu tại nhiều nhà hàng chứa gia vị có hóa chất”. Một ông chủ nhà hàng thì nói không bao giờ ăn lẩu của mình. Theo tờ Global Times, dường như giới chức chỉ quan tâm điều kiện vệ sinh nhà bếp, bàn ăn mà không có kiểm tra chất lượng của nguyên liệu cũng như các thành phần trong thực phẩm. Như Thanh Niên đã đưa tin, các loại gia vị lẩu nghi ngờ có thành phần độc hại xuất xứ từ Trung Quốc cũng đã xuất hiện tại Việt Nam.

Tại Thượng Hải, chính quyền đã ra lệnh tiểu thương trong thành phố ngưng bán loại cam tẩm sáp công nghiệp, sau khi có nhiều khách hàng than phiền da họ bị dị ứng và đỏ ửng khi tiếp xúc chúng, theo tờ Oriental Morning Post. Các tiểu thương tại một chợ đầu mối ở Thượng Hải cho biết trái cam được tẩm sáp để chúng trông tươi hơn.

Đậu hũ, rượu, trứng giả

Chính quyền thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vừa đóng cửa hai nhà máy sản xuất và bán đậu hũ giả, tờ Global Times đưa tin hôm 29.12. Hai cơ sở này, vốn không có giấy phép hoạt động, dùng nhiều loại hóa chất để làm đậu hũ giả. Các công nhân khai họ trộn protein đậu nành, bột mì, muối, bột ngọt và bột màu tạo thành đậu hũ, rồi đóng gói và đưa ra thị trường.

Trước đó, Tân Hoa xã hôm 26.12 cho hay 6 người đã bị bắt và nhiều cơ sở sản xuất rượu phải đóng cửa sau khi bị phát hiện sản xuất rượu vang giả. Giới chức huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc tịch thu hơn 5.000 hộp rượu có nhãn giả, 19 mẫu để làm nhãn giả và 280 chai rượu không dán nhãn. Trong bản tin phát trên truyền hình, một trong các thủ phạm thừa nhận rằng một vài loại rượu vang chỉ chứa 20% nước cốt nho, còn lại là nước đường trộn với nhiều hóa chất. Global Times dẫn lời một chuyên gia thực thẩm cho biết các chất phụ gia sẽ gây ra đau đầu, rối loạn tim mạch và có thể gây ung thư.

Ngoài ra, dư luận cũng đang xôn xao về việc nhiều công ty quảng cáo bán công nghệ làm trứng gà giả. Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn tài liệu của một số công ty trên cho hay các thành phần của một quả trứng gà giả gồm có sodium alginate, calcium oxide và các hóa chất khác. Tuy nhiên, đài này cho rằng đây là một trò lừa bịp vì trứng gà giả sẽ bị hỏng sau 3 ngày và rất dễ phát hiện. Dấu hiệu để nhận ra trứng giả là khi đập vỏ, lòng đỏ nhanh chóng hòa với lòng trắng.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.